Liên kết chuỗi đô thị biển đảo, tạo sự đột phá trong phát triển

Trong cơ cấu của ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60-70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập từ du lịch. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển” và “phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển’’. Vậy để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề liên kết trong phát triển du lịch của các đô thị ven biển là một nội dung trọng tâm, cần giải quyết.



PGS.TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế cho rằng, việc xây dựng chuỗi đô thị biển đảo liên kết chặt chẽ sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để tạo sự đột phá trong phát triển của các đô thị biển đảo, cần dựa trên liên kết vùng, hạ tầng đồng bộ, hợp tác kinh tế và quốc tế, cùng với quy hoạch và quản lý đô thị bền vững. Ông Thịnh đề xuất:

"Thứ nhất là cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh để các đô thị ven biển trở thành trung tâm điều phối, hỗ trợ phát triển cho các đô thị đảo. Xây dựng các tuyến giao thông đường thủy nội địa, tàu cao tốc và cảng biển đồng bộ để kết nối linh hoạt các đô thị đảo với đất liền. Thứ hai là quy hoạch đô thị biển đảo cần theo hướng phát triển bền vững, kết hợp chức năng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, quản trị biển và an ninh quốc phòng."

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển các cụm đô thị biển đảo thành cực tăng trưởng kinh tế, tập trung vào ba vùng kinh tế trọng điểm: Tại Đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Chu Lai), Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phú Quốc). Tạo các hành lang kinh tế biển, kết nối các đô thị ven biển thông qua hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Ngoài ra, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích hợp tác giữa các đô thị biển đảo trong các ngành kinh tế chủ đạo như logistics, du lịch biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi), và dịch vụ cảng biển. Xây dựng các khu kinh tế liên kết, ví dụ, giữa Phú Quốc - Rạch Giá - Cà Mau ở miền Nam hoặc Chu Lai - Quy Nhơn - Vũng Tàu ở miền Trung.

Nguồn: VOV GIao thông

>>> Toàn văn bài viết xem tại đây.
 


Trường Đại học Kinh tế