Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam – Nga ký kết hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, kỷ niệm 300 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (1974-2024), chiều ngày 12/4/2024, Trường Đại học Kinh tế đã phối hợp với Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”. Các tham luận trình bày tại Diễn đàn đã đánh giá khá rõ thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Nga – Việt Nam và Nga – ASEAN, từ đó gợi mở tư vấn chính sách.



Bối cảnh

Sự phụ thuộc lẫn nhau, vừa hợp tác vừa đấu tranh của toàn cầu hóa trở thành mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga – Việt Nam, Nga - ASEAN và hợp tác trong BRICS trở nên quan trọng và cấp thiết bởi vì quan hệ kinh tế giữa các quốc gia vẫn còn tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ mang lại lợi ích, tác động tích cực. 

Ngày nay việc hợp tác kinh tế quốc tế giữa hai quốc gia còn có những khó khăn. Bộc lộ là tỷ trọng thương mại giữa Nga và Việt Nam, Nga và ASEAN hiện chiếm chưa đến 1% tỷ trọng song phương. Các biện pháp trừng phạt Nga của các nước phương Tây tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới thương mại giữa Nga với BRICS và ASEAN. Nga cũng gặp nhiều căng thẳng địa chính trị khi quốc gia này đang trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine dẫn đến nguồn lực hợp tác của Nga với các quốc gia khác gặp nhiều yếu tố bất lợi và chưa thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đã gây ra khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Nga do không có nhiều phương án nhận thanh toán từ khách hàng ở Nga. Các biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây ảnh hưởng đến hoạt động logistics, dẫn đến nhiều hàng hóa gặp khó trong việc vận chuyển vào Nga.

Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”. Diễn đàn là nơi tập hợp các nhà lãnh đạo, học giả, chuyên gia, doanh nhân cùng trao đổi, thảo luận cách thức giải quyết khó khăn thách thức, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế giữa các khu vực. 

Mục tiêu của Diễn đàn này là: 

- Tìm hiểu hợp tác giữa ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Nga trong các lĩnh vực như kinh tế số, du lịch, hạ tầng giao thông, năng lượng, tài chính, phát triển bền vững.

- Đánh giá cơ hội và thách thức của hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của thế giới.

- Đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu khó khăn và tăng cường phát triển trong hợp tác kinh tế của ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Nga.

Toàn cảnh Diễn đàn

Những gợi mở tư vấn chính sách

Các tham luận trình bày tại Diễn đàn đã đánh giá khá rõ thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Nga – Việt Nam và Nga – ASEAN, từ đó gợi mở tư vấn chính sách.

Đánh giá thực trạng

Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga

Trước hết, các tham luận nhìn nhận tác động kinh tế của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, cùng với các vấn đề thiếu hụt lao động và lạm phát. Ngoài ra, đồng rúp Nga đã giảm giá trị so với USD và EUR, dẫn đến giảm sức mua và tăng chi phí nhập khẩu. Cho đến nay, Nga đã có nhiều chính sách đối phó nhằm giảm thiểu rủi ro từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh. Trong lĩnh vực kinh tế, Nga đã áp dụng các chính sách nhằm giảm tác động của các biện pháp trừng phạt, bao gồm kiểm soát vốn nghiêm ngặt, tăng lãi suất, áp dụng các loại thuế mới, và chuyển sang sử dụng tiền tệ của các quốc gia thân thiện. Các lệnh trừng phạt Nga của Phương Tây đang có hiệu lực, dự báo tiếp tục còn xấu đi và còn lâu dài. 

Giảm kinh ngạch thương mại Nga – Việt Nam, Nga - ASEAN

Thống kê cho thấy giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD, năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ USD, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga đạt 3,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng rất thấp kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết. Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2024, thương mại giữa hai nước hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. 

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Liên bang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Liên bang Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.

Tiềm năng lớn trong thương mại Việt Nam – Liên bang Nga 

Các báo cáo tại Hội thảo nhận định thương mại giữa Việt Nam và Nga có nhiều dư địa để phát triển, khi những mặt hàng thế mạnh bổ trợ lẫn nhau và những rào cản đang dần được tháo gỡ. Hơn nữa, hai nước đang có cơ hội để hợp tác với nhau phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam làm tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa hai quốc gia Nga và Việt Nam. Các chỉ số đầu tư khác nhau như chỉ số đầu tư trực tiếp, chỉ số phụ thuộc kinh tế vào đầu tư từ một quốc gia cụ thể, và chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài đến và đi, cho thấy mối quan hệ đầu tư giữa Nga và Việt Nam chưa được như mong đợi, mặc dù có sự gia tăng trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2018 sau khi Hiệp định FTA được ký kết. Các chỉ số cho thấy sự hợp tác đầu tư giữa Nga và Việt Nam có tiềm năng nhưng hiện vẫn còn yếu do các vấn đề như COVID-19 và các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Xu hướng tích cực trong quan hệ Nga - ASEAN

Theo AseanStats, tổng kim ngạch thương mại giữa Liên bang Nga và ASEAN năm 2023 đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Du lịch ASEAN cũng phục hồi đáng kể khi thu hút 101,9 triệu du khách năm 2023, tăng 136,2% so với năm 2022. Năm 2022, ASEAN đón 43,1 triệu lượt khách du lịch, trong số đó có 620 ngàn lượt khách Nga. Ước tính có khoảng 2 triệu khách Nga đến các nước ASEAN năm 2023. Các điểm đến được du khách Nga lựa chọn nhiều nhất là Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. 

Có thể thấy, mặc dù có tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 đã diễn ra từ ngày 8-9/3/2024 tại Lào. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng các nước thành viên thống nhất thông qua chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” tập trung vào 3 định hướng chính: Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; Kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững; Chuyển đổi hướng đến tương lai số. Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2024 trong kênh kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, hải quan, thương mại dịch vụ và di chuyển thể nhân, đầu tư, tài chính, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Việc thực hiện các giải pháp trên cùng với chính sách hướng đông của Liên bang Nga chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN - Nga.

Gợi mở chính sách

Thứ nhất, hướng đi nào cho quan hệ kinh tế Nga – Việt Nam trong thời gian tới 

Việt Nam có nên lựa chọn tăng cường nhanh chóng thương mại với Nga hay không? Những lợi ích đạt được từ thương mại có phương hại đến các lợi ích chính trị ngoại giao khác, xét đến Nga vừa là bạn bè, vừa là đối tác thương mại truyền thống ủng hộ lẫn nhau trong thời gian qua? Mở rộng phạm vi quan hệ ASEAN – Nga, liệu Việt Nam có thể là cầu nối tích cực cho mối quan hệ kinh tế thương mại này không? Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN. Hướng đi cho quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam và Liên bang Nga cần phải dựa vào khuôn khổ quan hệ thương mại, đầu tư giữa Nga và Việt Nam, và giữa Nga và ASEAN và những thỏa thuật trong khối BRICS giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Đây có thể là phương hướng phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có lợi thế so sánh

Đẩy mạnh xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên đang có lợi thế so sánh như hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Hàng xuất khẩu từ Liên bang Nga gồm các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản. Năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.

Thứ ba, đặc biệt thúc đẩy hợp tác Nga – Việt trong các ngành công nghệ cao

Chính phủ hai bên cần thúc đẩy hợp tác thực chất trong một số ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, rô bốt…mà hai bên có thể hợp tác khai thác lợi thế của nhau. Trí tuệ nhân tạo đang trở thành lĩnh vực quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó, doanh nghiệp hai quốc gia nên sớm thỏa thuận đầu tư vào ngành công nghiệp này nhằm khai thác lợi thế của nhau. Việt Nam - Liên bang Nga có thể hợp tác phát triển các dự án chung trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới, và chuyển giao công nghệ. Sự hợp tác này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần vào giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hoặc thực hiện quá trình khử cacbon trong giao thông vận tải chống biến đổi khí hậu.

Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đầu tư sang nhau

Khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đầu tư sang nhau. Doanh nghiệp Việt Nam, cần nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư vào Nga và ngược lại, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Nga đầu tư vào Việt Nam. Trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh của Việt Nam như chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, may mặc, sản phẩm đồ gỗ... và mặt hàng có lợi thế so sánh của Nga như các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.

Đặc biệt Nga có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, nông nghiệp (bao gồm sản xuất máy móc nông nghiệp), công nghệ thông tin, kinh tế kỹ thuật số (các dự án thành phố thông minh, chính phủ điện tử), phát triển các mỏ dầu khí và xây dựng nhà máy lọc dầu (trong các dự án ở Indonesia), cũng như dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải mà Việt Nam rất cần trong thời gian tới.

Thứ năm, Việt Nam là đầu mối hàng hóa Nga đi vào ASEAN

Phía Nga đánh giá rất cao ASEAN về cơ hội đầu tư và thương mại. Việt Nam có thể trở thành đầu mối cho hàng hóa Nga đi vào thị trường ASEAN. Cần thống nhất với phía Nga rằng: Các doanh nghiệp phía Nga cần vận dụng ưu đãi do các FTA mang lại, trong đó có các ưu đãi từ FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, tăng cường đầu tư sản xuất tại Việt Nam các sản phẩm mà Nga có lợi thế so sánh để xuất khẩu sang các thị trường khác mà Việt Nam đã ký FTA. 

Thứ sáu, cải thiện các công cụ thanh toán, thúc đẩy thanh toán song phương

Lệnh trừng phạt gây khó khăn đối với thanh toán là nguyên nhân giảm kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia. Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) được thành lập từ năm 2006. VRB là kết quả của sự hợp tác giữa Chính phủ và hai ngân hàng lớn của hai quốc gia là BIDV (Việt Nam) và VTB (Nga). Cần tiếp tục thúc đẩy VRB trở thành cầu nối thương mại và đầu tư giữa hai nước, cung cấp các dịch vụ tài chính như thanh toán, tài trợ xuất nhập khẩu, giao dịch ngoại tệ và tiền gửi. VRB có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán song phương giữa đồng VND và RUB, giúp đẩy mạnh giao thương giữa hai quốc gia. VRB cung cấp các công cụ thanh toán, đặc biệt là thanh toán song phương. Chúng ta cân nhắc xem xét triển vọng sử dụng tài chính kỹ thuật số, sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Thứ bảy, tăng cường tham gia kết nối Liên bang Nga - Trung Quốc - ASEAN

Cần tập trung vào việc cải thiện hạ tầng và kết nối. Điều này sẽ làm tăng cường giao thương và đầu tư giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi và Liên bang Nga. Việc mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, cũng như đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông, sẽ là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế. Cần cam kết tăng cường hợp tác đa phương, tận dụng tốt nhất các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, đối thoại Nga - ASEAN, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông tại Nga và các tổ chức khác để thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Chúng ta cũng cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng học thuật, người dân trong quá trình này. 

Đề xuất và khuyến nghị

Thứ nhất, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư

Trong thời gian tới cần tăng cường xúc tiến thương mại, thảo luận cơ hội đầu tư, tham gia các triển lãm chuyên ngành tại mỗi nước. Phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, cũng như tổ chức các diễn đàn thương mại, đầu tư có sự tham gia của doanh nghiệp hai quốc gia.

Thứ hai, nghiên cứu rà soát lại các rào cản thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia

Cần khẩn trương có đề án nghiên cứu phân tích, rà soát lại các rào cản thương mại giữa hai quốc gia mà trong phạm vi diễn đàn này chưa được báo cáo. Nghiên cứu cần làm rõ các rào cản thương mại trước và sau lệnh trừng phạt và dự báo các rào cản có thể trong thời gian tới.

Thứ ba, thành lập trung tâm trí tuệ nhân tạo Việt - Nga

Cần thúc đẩy sớm thành lập trung tâm trí tuệ nhân tạo Việt – Nga (Vietnam-Rusia AI Hub). Trung tâm này có vai trò như đầu não kết nối sự hợp tác doanh nghiệp hai quốc gia cùng đầu tư vào phát triển trí tuệ nhân tạo và cùng nhau chia sẻ, thụ hưởng lợi ích.

Thứ tư, tăng cường trao đổi học thuật Việt - Nga

Diễn đàn lần này được tổ chức rất thành công, cho thấy nhu cầu tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Liên Bang Nga, như cùng nhau hợp tác nghiên cứu trao đổi học thuật, trao đổi tri thức thông qua các chương trình nghiên cứu, các cuộc hội thảo quốc tế hằng năm. Đề xuất tăng cường hợp tác đào tạo như trao đổi sinh viên, trao đổi học viên sau đại học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, cấp song bằng, trao đổi giảng viên giữa hai quốc gia và ASEAN nói chung hướng tới thúc đẩy nền kinh tế bền vững chung, xanh sạch đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN