Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ” khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù trong bối cảnh chịu nhiều khó khăn, thách thức, doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy phát triển quy mô nền kinh tế, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.  



Trong quá trình hội nhập kinh tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn và rào cản lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu mà nguyên nhân chính là do năng lực cạnh tranh thấp. Khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu và rời rạc, liên kết chủ yếu là loại liên kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng, liên kết theo hướng R&D để tạo ra những công nghệ và giải pháp mới, sản phẩm mới có chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh còn chưa cao. Đây là nguyên nhân chính không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, mà còn giảm năng lực cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. 

Những kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo đến từ những nhà nghiên cứu học thuật, những giảng viên đại học, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, mang tính chuyên sâu và nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề căn bản của nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2023 mà còn là quá trình phát triển kinh tế nhiều năm qua. Các tác giả đồng thời cung cấp các đề xuất chính sách cụ thể gắn với các phân tích có bằng chứng và bao quát, vì thế đây là nguồn tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, giới báo chí truyền thông cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế Việt Nam hiện nay.

Đề xuất chính sách ổn định kinh tế vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng

Thứ nhất, trong ngắn hạn, trong bối cảnh các chính sách cần đảm bảo linh hoạt để có thể thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ hai, trong trung và dài hạn, bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy liên kết và phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, bên cạnh chính sách thu hút FDI, Chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp FDI xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp nội địa; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ và tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung cấp trong nước, bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp FDI, các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối, các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa. 

Thứ ba, cần phải chuẩn bị và nâng cao năng lực hấp thụ chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI. 

Thứ tư, cần xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, trên cơ sở đó, rà soát lại việc sử dụng nguồn vốn FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. 

Đối với các Hiệp hội

Để tạo sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, không thể thiếu vắng vai trò của các Hiệp hội. Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, có Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Association of Foreign Invested Enterprises VAFIE). Đối với các doanh nghiệp trong nước, tùy theo mỗi lĩnh vực, sẽ tham gia các hiệp hội khác nhau, như: Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội dệt may Việt Nam…

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, các doanh nghiệp nội địa phải có những thay đổi về công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để có thể đủ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới thì việc liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, là yếu tố then chốt để doanh nghiệp vừa tận dụng được cơ hội từ FTA vừa vượt qua khó khăn do tác động của Đại dịch COVID-19. 

Thông tin chi tiết xem tại đây.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN