Khủng hoảng tài chính và sự phát triển của nền kinh tế ngầm

Một số khủng hoảng tài chính lớn gần đây như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế của các quốc gia và khu vực. Các khủng hoảng này thường dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, suy giảm đầu tư, và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nghiên cứu “Financial stress and shadow economy: A global study from a new worldwide database” của nhóm tác giả Nguyễn Đình Trung và cộng sự công bố trên Tạp chí Finance Research Letters Vol. 60(C) đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính tới sự phát triển của nền kinh tế ngầm dựa trên bộ chỉ số toàn cầu về mức độ căng thẳng tài chính. 



Khủng hoảng tài chính là hiện tượng xảy ra khi các hệ thống tài chính của một quốc gia hoặc khu vực bị suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến sự mất ổn định kinh tế và xã hội. Thường bắt nguồn từ sự mất cân đối trong các thị trường tài chính, khủng hoảng tài chính có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm sự đổ vỡ của các ngân hàng, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, hoặc sự suy giảm giá trị của các tài sản quan trọng. Chính phủ và các tổ chức tài chính thường phải can thiệp mạnh mẽ để ổn định tình hình, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, và thiết lập các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh các khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Các nghiên cứu trước đây đã đánh giá những tác động của khủng hoảng tài chính tới các hoạt động kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, giao thương, xuất nhập khẩu, và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tới hoạt động kinh tế ngầm. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước chỉ tập trung vào một nhóm quốc gia, và chưa đánh giá ảnh hưởng động (dynamic effects) của khủng hoảng tài chính tới hoạt động kinh tế ngầm. 

Trong nghiên cứu “Financial stress and shadow economy: A global study from a new worldwide database”, Nguyễn Đình Trung và cộng sự đã sử dụng bộ chỉ số mới về căng thẳng tài chính (Financial Stress Index) để đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính tới sự phát triển của nền kinh tế ngầm. Khác với các bộ chỉ số trước đây, bộ chỉ số này phản ánh được sự hiện diện, đồng thời đo lường được mức độ căng thẳng tài chính một cách thống nhất giữa các quốc gia trên toàn cầu. Sử dụng phương pháp dự báo cục bộ (Local Projection Method) trên mẫu gồm 106 quốc gia trong giai đoạn 1990–2018, nhóm nghiên cứu nhận thấy nền kinh tế ngầm có xu hướng mở rộng đáng kể sau các giai đoạn căng thẳng tài chính và tác động này được duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ xuất hiện ở các nền kinh tế phát triển. Sự gia tăng của nền kinh tế ngầm ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển chỉ mang tính tạm thời và mức độ tác động thấp hơn nhiều. Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra mối quan hệ phi tuyến tính giữa nền kinh tế ngầm và căng thẳng tài chính.

THÔNG TIN BÀI BÁO

Nguyen, Dinh Trung & Duong, Kim Thanh, 2024. "Financial stress and shadow economy: A global study from a new worldwide database," Finance Research Letters, Elsevier, vol. 60(C).

THÔNG TIN TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

TS. Nguyễn Đình Trung hiện là giảng viên Bộ môn Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Định hướng nghiên cứu của ông gồm quản trị ngân hàng, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, và quản trị doanh nghiệp. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong danh mục ISI-SCOPUS/ABDC/ABS, cũng như hợp tác nghiên cứu, đồng xuất bản với chuyên gia các trường đại học trong và ngoài nước.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN