Trang cựu sinh viên
 
“Cái nôi” và 40 năm xây dựng một thương hiệu

PGS.TS. Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐHKT - ĐHQGHN
Nếu nói Trường ĐHKT - ĐHQGHN có truyền thống 40 năm thì Khoa Kinh tế Chính trị cũng có tuổi đời đúng chừng ấy năm, bởi đây chính là “cái nôi” - tiền thân của Trường. Là người gắn bó với Khoa Kinh tế Chính trị ngay từ những ngày đầu, PGS.TS. Phạm Văn Dũng luôn tự hào mình là một trong những người hiểu, yêu, đam mê khoa học kinh tế chính trị nói chung và Khoa Kinh tế Chính trị cũng như Trường ĐHKT nói riêng nhất. Thầy đã có những chia sẻ đầy tự hào và tâm huyết về quãng thời gian gắn bó với Khoa Kinh tế Chính trị và Trường ĐHKT.



Tự hào là “cái nôi” của Trường

Thưa PGS.TS. Phạm Văn Dũng, là một trong những người gắn bó với Trường ĐHKT lâu nhất, chắc hẳn thầy rất tự hào về sự đóng góp của Khoa Kinh tế Chính trị vào sự phát triển chung của Trường?

Tôi vốn là sinh viên Khóa 1 của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN, sau khi tốt nghiệp năm 1979 được giữ lại Trường làm giảng viên; là thế hệ sinh viên đầu tiên và cũng là một trong những người gắn bó với ngôi trường lâu nhất. Trường ĐHKT được hình thành từ Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN, mà Khoa Kinh tế có tiền thân là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Vì vậy, có thể nói rằng Khoa Kinh tế Chính trị chính là “cái nôi” của Trường. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Là khoa có bề dày truyền thống nhất Trường, chúng tôi vẫn nói vui Khoa Kinh tế Chính trị là “con cả” của Trường.

Với bề dày như vậy, hẳn Khoa Kinh tế Chính trị đã có những đóng góp quan trọng cho Trường?

Trong 40 năm qua, Khoa Kinh tế Chính trị đã có những đóng góp rất lớn không chỉ vào sự hình thành và phát triển của Trường ĐHKT mà còn vào sự nghiệp chung của đất nước. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ Khoa hiện giữ trọng trách không chỉ ở cấp cơ sở mà cả ở cấp Quốc gia. Các thế hệ sinh viên được đào tạo ở Khoa đang tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng; là lực lượng nòng cốt ở một số viện nghiên cứu lớn. Đó là niềm tự hào của chúng tôi. Đồng thời, về nghiên cứu khoa học, Khoa cũng có nhiều thành tích với các đề tài khoa học từ cấp Trường, cấp ĐHQGHN và cấp Nhà nước; xuất bản hàng chục giáo trình và sách chuyên khảo. Chỉ từ giai đoạn thành lập Trường ĐHKT đến nay, Khoa Kinh tế Chính trị đã có hàng trăm bài báo, trong đó hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Chúng tôi cũng tham gia vào việc tư vấn đường lối chính sách cho Đảng và Nhà nước…

Nhưng sự lâu đời, cộng với đặc điểm là nghiên cứu, giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, liệu Khoa Kinh tế Chính trị có bị “lép vế” so với những khoa, bộ môn mới thành lập nhằm vào nhu cầu thị trường?
Thật ra các khoa mới thành lập có ưu thế là phù hợp với nhu cầu thị trường và tuyển dụng được những giảng viên trẻ, đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài nên rất năng động. Khoa Kinh tế Chính trị, do đặc thù riêng nên có vẻ không “hoành tráng”, “năng động” như những khoa khác, mà có cái gì đó âm thầm, êm đềm, hài hòa hơn. Cũng phải nói thêm là, một nửa giảng viên của Khoa Kinh tế Chính trị hiện nay được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Để tồn tại và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn. Khoa Kinh tế Chính trị trước đây đã từng thành lập Bộ môn Quản lý, Bộ môn Kinh tế Đối ngoại, Bộ môn Kinh tế học và từ đó hình thành nên Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh tế Phát triển của Trường. Từ khi thành lập Trường ĐHKT, Khoa Kinh tế Chính trị đã mở thêm mã ngành đào tạo thạc sĩ Quản lý Kinh tế. Số lượng học viên cao học của Khoa mấy năm gần đây chiếm gần một nửa số lượng học viên cao học của Trường. Những đóng góp của Khoa Kinh tế Chính trị vào sự phát triển của Trường ĐHKT trên mọi phương diện không hề thua kém các khoa khác. Khoa Kinh tế Chính trị không “lép vế” so với những khoa khác còn vì thương hiệu “Kinh tế Chính trị” của Trường ĐHKT đã được khẳng định. Thương hiệu “Quản lý Kinh tế” đang được xây dựng và đã được xã hội biết đến.


Còn nhiều khó khăn…


Với lịch sử hình thành và phát triển 40 năm qua, trải qua các thời kỳ khác nhau của đất nước, hẳn ngành kinh tế chính trị nói chung và Khoa Kinh tế Chính trị nói riêng cũng có những thăng trầm?
Qua 40 năm, đất nước thay đổi, thế giới thay đổi, ngành kinh tế chính trị cũng như Khoa chúng tôi cũng có nhiều thăng trầm. Khi mới thành lập, Khoa Kinh tế Chính trị đã nhận được sự quan tâm, ưu ái của rất nhiều cơ quan, đặc biệt là của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện Kinh tế (nay là Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Trường ĐHTHHN. Sinh viên vào học Khoa Kinh tế Chính trị được tuyển chọn kỹ càng và được các thầy cô giàu tâm huyết và kinh nghiệm giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng đào tạo rất cao, nhiều sinh viên được đào tạo ở giai đoạn này đã thành đạt, có những đóng góp lớn cho xã hội.
Đến thập niên 1980, đặc biệt khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, sự quan tâm dành cho Khoa Kinh tế Chính trị đã sụt giảm và sinh viên của Khoa cũng chỉ thích các chuyên ngành đào tạo về quản lý, kinh tế đối ngoại. Khoa đã ngừng đào tạo Kinh tế Chính trị trong một số năm và sau nhiều nỗ lực của cán bộ, giảng viên và lãnh đạo Khoa thì đến năm 1998, chuyên ngành đào tạo này mới được khôi phục. Năm 2007, khi Trường ĐHKT được thành lập, Khoa Kinh tế Chính trị được tái lập. Lãnh đạo Nhà trường đã coi giữ vững thương hiệu Kinh tế Chính trị là một nội dung trong chiến lược phát triển của Nhà trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Khoa Kinh tế Chính trị.


Vẫn tự hào tin tưởng


Vậy hiện nay, ngành khoa học kinh tế chính trị đã được đặt đúng vị trí của nó chưa, thưa thầy?
Kinh tế chính trị là khoa học cơ bản có hai nhiệm vụ tìm ra các quy luật vận động của nền kinh tế, của đất nước và đưa ra các khuyến nghị chính sách đối với Nhà nước và doanh nghiệp. Có thể thấy ngay là, nếu kinh tế chính trị hoàn thành được hai nhiệm vụ đó sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn cho đất nước.
Để kinh tế chính trị được đặt đúng “vị trí”, trước hết trách nhiệm thuộc về Khoa Kinh tế Chính trị và chúng tôi đã, đang làm nhiều việc để hoàn thành trách nhiệm này.
Trong nhiều năm nay, Khoa Kinh tế Chính trị đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Giảng dạy và nghiên cứu kinh tế chính trị đòi hỏi sự hiểu biết rất sâu về kinh tế chính trị, đồng thời phải có phông kiến thức rất rộng vì kinh tế chính trị có liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Từ khi giữ chức Chủ nhiệm Khoa, tôi yêu cầu và tạo điều kiện để tất cả các giảng viên trẻ tìm kiếm cơ hội đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Bên cạnh tiếp thu các tri thức và phương pháp nghiên cứu hiện đại, việc học tập ở nước ngoài cho phép tiếp cận một nền văn hóa mới, một thực tiễn mới... Những giảng viên này đã và đang trở về Khoa làm việc.
Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, tri thức và phương pháp hiện đại là chưa đủ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm xây dựng nhân cách Nhà giáo – Nhà khoa học, trong đó “Yêu người”, “Yêu nghề” là hạt nhân.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thường xuyên được đổi mới và đều được tham khảo chương trình tiên tiến của nước ngoài. Đây là cơ sở để chúng tôi hội nhập thế giới.
Để kinh tế chính trị được đặt đúng “vị trí”, Khoa chúng tôi phải bám sát thực tế, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách của cán bộ, giảng viên được hết sức quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được quan tâm. Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị đã đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN và giải nhất cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa cũng đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia “Tổng kết 8 mối quan hệ lớn trong 30 năm Đổi mới” và đang thực hiện chương trình nghiên cứu “Nhận diện kinh tế chính trị hiện đại”…
Những gì Khoa Kinh tế Chính trị – Trường ĐHKT làm mới chỉ ở cấp vi mô. Kinh tế chính trị có được đặt đúng “vị trí” hay không còn phụ thuộc vào môi trường vĩ mô…

Là người đứng đầu Khoa, thầy đã truyền tình yêu nghề, yêu khoa học kinh tế chính trị cho cán bộ, sinh viên như thế nào?
Muốn truyền được thì trước hết mình phải yêu nghề. Tình yêu của tôi với kinh tế chính trị xuất phát từ tri thức, phương pháp luận mà khoa học này đã cho tôi. Khi đã có tri thức, phương pháp luận khoa học, tôi trở nên tự tin trong công việc và trong cuộc sống. Cứ sống và làm việc hết mình, tình yêu với kinh tế chính trị tự nó sẽ lan truyền.
Tôi có thể tự hào khẳng định mình là một người rất yêu nghề và nhiều đồng nghiệp ở Khoa cũng vậy. Và tình yêu với kinh tế chính trị cũng cho chúng tôi rất nhiều. Đến thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi có được đều là do kinh tế chính trị đem lại.
Trân trọng cảm ơn thầy!


Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN Tháng 11/2014