Trang cựu sinh viên
 
Chung sức xây dựng Việt Nam “mạnh về biển và giàu từ biển”

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ chủ trì tọa đàm khoa học này.
Đó là một trong những cam kết của tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên ĐHQGHN, được Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại tọa đàm khoa học “Biển Đông: Hợp tác và Phát triển bền vững”, tổ chức chiều 6/6/2014.


Tham dự tọa đàm có gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương, Hà Nội; Ban Giám đốc, đại diện các đơn vị và đông đảo cán bộ khoa học của ĐHQGHN.
Tọa đàm là một sự kiện trong chuỗi hoạt động của ĐHQHHN tổ chức, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-7/6), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2014, với các chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương xanh”, “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”, “Cùng chung sức - Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho rằng, “Khai thác, sử dụng tiềm năng, thế mạnh và lợi thế từ biển và đại dương theo hướng bền vững đang trở thành những ưu tiên mang tính chiến lược ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có biển và không có biển”.

Tọa đàm khoa học “Biển Đông: Hợp tác và Phát triển bền vững” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh cả nước đang hướng về vùng đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Trong những ngày này, Trung Quốc ngang nhiên đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với việc đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các cam kết với ASEAN về vấn đề Biển Đông và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.

Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò và vị trí là cơ quan hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực về khoa học và quản lý biển, đại dương khi tổ chức Tọa đàm đã qui tụ được các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau trong ĐHQGHN, cùng chia sẻ mối quan tâm chung về vấn đề nóng bỏng của đất nước.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ lưu ý, thời gian tới, ĐHQGHN tập trung vào việc thông tin rộng rãi về các kết quả nghiên cứu, thông tin khoa học về các nghiên cứu liên quan đến biển Đông; quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng dự án giám sát hiện trường...

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị cùng quan tâm đến các nguồn lực để thực hiện việc xây dựng luận cứ khoa học - vốn là thế mạnh của ĐHQGHN, để cung cấp cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ông cho biết, bên cạnh việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ an ninh phi truyền thống thì ĐHQGHN sẽ nghiên cứu xây dựng các mã ngành mới đào tạo các chuyên gia trên cơ sở tích hợp liên ngành, gắn với thế mạnh của ĐHQGHN về nghiên cứu biển Đông, nhằm phát huy các kết quả nghiên cứu đã có, tiếp tục hiện thực triết lí đào tạo dựa vào nghiên cứu.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao giá trị khoa học và tâm huyết trong những nghiên cứu về biển Đông của các nhà khoa học ĐHQGHN. 

ĐHQGHN sẽ hướng tới xây dựng một chương trình nghiên cứu chiến lược về biển Đông, có định hướng cụ thể với mục tiêu mang tính bền vững. Trước mắt, ĐHQGHN sẽ ưu tiên việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trong nghiên cứu về biển Đông, xuất bản ấn phẩm về các công bố khoa học của ĐHQGHN liên quan đến biển Đông bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung; tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông, tập trung xây dựng đề tài nghiên cứu về văn hóa Trung Quốc.

Trong khuôn khổ tọa đàm khoa học, các đại biểu đã nghe, trao đổi và thảo luận về các chủ đề liên quan đến an ninh đại dương, tiềm năng khoáng sản của Biển Đông và chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Các nhà khoa học nhấn mạnh đến các vấn đề: Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu; Tài nguyên khoáng sản Biển Đông và biển Việt Nam; Cơ sở khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường sa và Hoàng sa; Pháp luật quốc tế và quốc gia về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Lịch sử chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng chia sẻ các vấn đề nổi bật về đại dương, Biển Đông và góp phần gợi mở các định hướng ưu tiên cho ĐHQGHN trong việc đào tạo, nghiên cứu các vấn đề biển đảo trong bối cảnh quốc tế và khu vực trong thời gian tới.

GS. Vũ Minh Giang phát biểu tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế trao đổi tại tọa đàm

Các đại biểu đã thảo luận và đánh giá cao vị trí của ĐHQGHN - cơ quan hàng đầu Việt Nam trong đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học và quản lý biển, đại dương, khoa học bền vững, biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, thông qua buổi tọa đàm, toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của ĐHQG Hà Nội muốn bày tỏ tình cảm và quyết tâm chung sức cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam “mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Trước mắt góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Cũng trong ngày 6/6/2014, ĐHQGHN đã trưng bày một số hiện vật, tài liệu và phát hiện mới về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam do đội ngũ cán bộ khoa học của Trường ĐHKHXH&NV, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN thực hiện.

Xem bài gốc >>


VNU_media