Trang Đào tạo sau đại học
 
Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 10/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xin trân trọng thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 10/2021)


1. Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 10 năm 2021 về việc ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/11/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 07/10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
Theo đó, các kỹ năng nghe đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính (máy tính); kỹ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính. Hình thức thi cụ thể phải được đơn vị tổ chức thi thông báo để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.
Chứng chỉ tiếng Việt cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (Khung năng lực). Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt gồm các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài.
Ngoài ra, đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm thi phải đáp ứng các yêu cầu: bảo đảm đánh giá được các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết theo Khung năng lực; bảo đảm chính xác, khoa học, đúng với định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực; đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi phải được bảo mật trong quá trình tổ chức thi…
2. Công văn số 4379/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 29 tháng 09 năm 2021 về việc đề xuất sinh viên nhận Học bổng Kumho Asiana lần thứ 15
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/09/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Đại học Đà Nẵng; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 29/09/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4379/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 29 tháng 09 năm 2021 về việc đề xuất sinh viên nhận Học bổng Kumho Asiana lần thứ 15.
Theo đó, tiêu chuẩn và hình thức nhận học bổng Kumho Asiana lần thứ 15 gồm:
a) Đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển vào đại học; hoàn cảnh gia đình khó khăn.
b) Tiếp tục nhận học bổng Kumho Asiana năm thứ 2 và các năm tiếp theo nếu sinh viên đạt duy trì điểm TBHK đạt từ 7.0 trở lên (đào tạo theo niên chế) và từ 2.8 trở lên (đào tạo theo tín chỉ); Xếp loại rèn luyện từ “Tốt” trở lên.
c) Dừng cấp Học bổng Kumho Asiana khi sinh viên đạt điểm TBHK hoặc xếp loại rèn luyện dưới tiêu chí ở mục b 02 lần; sinh viên chuyển trường; không nộp bảng điểm trong thời gian quy định; du học nước ngoài; bảo lưu quá 02 học kỳ ...
d) Xem xét cấp cho các sinh viên khác (thay thế sinh viên không đạt tiêu chuẩn mục c) đạt tiêu chuẩn tại mục b trong cùng năm học, sinh viên được xét đang không nhận học bổng nào khác.
đ) Hình thức nhận Học bổng Kumho Asiana: Thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân sinh viên được nhận học bổng...
3. Công văn số 4450/BGDĐT-GDQPAN ngày 04 tháng 10 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDQPAN năm học 2021-2022
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các sở giáo dục và đào tạo; Các đại học, học viện, trường đại học; Các trường cao đẳng sư phạm; Các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 04/10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4450/BGDĐT-GDQPAN ngày 04 tháng 10 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDQPAN năm học 2021-2022.
Theo đó, nhiệm vụ cụ thể đối với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh gồm:
- Tổ chức triển khai đào tạo theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDQPAN trong trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
- Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn học GDQPAN, đánh giá kết quả học tập và cấp chứng chỉ hoàn thành môn học cho sinh viên theo Thông tư Liên tịch số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 18/9/2015 của Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học GDQPAN trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.
- Quán triệt và thực hiện Quyết định số 2861/QĐ-BQP ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết GDQPAN theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm GDQPAN; liên kết GDQPAN của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
- Các cơ sở giáo dục được giao tự chủ môn học GDQPAN phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện tự chủ như: nơi ăn, ở, sinh hoạt tập trung, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, thiết bị dạy học. Các cơ sở tự chủ GDQPAN (chưa có đồng ý của Bộ GDĐT) cần xây dựng đề án tự chủ báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiến hành xây dựng Đề án để Bộ kiểm tra, thẩm định, ra quyết định tự chủ môn học theo thẩm quyền.
- Tăng cường rà soát, bổ sung điều chỉnh quy định tổ chức hoạt động dạy học môn GDQPAN đảm bảo chặt chẽ, trên cơ sở vận dụng các chế độ, quy định của quân đội, theo nếp sống quân sự, đặc biệt duy trì nghiêm chế độ, nền nếp, kỷ luật, tuần tra, canh gác, trực ban, trực chỉ huy không để xảy ra mất an toàn về người, phương tiện, trang thiết bị, vũ khí theo Hướng dẫn số 2589/BGDĐT-GDQPAN ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường tổ chức, quản lý sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo GDQPAN.
- Tổ chức các hoạt động dạy học thiết thực, khoa học, phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học sinh, sinh viên khi điều kiện cho phép và đảm bảo an toàn chống dịch.
- Bộ GD&ĐT kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học môn GDQPAN của các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm GDQPAN, nếu không đủ điều kiện Bộ sẽ không cho phép đào tạo...
4. Công văn số 4499/BGDĐT-GDĐH ngày 06 tháng 10 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/10/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, học viện, trường đại học; Các trường cao đẳng sư phạm.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 06/10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4499/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022.
Theo đó, những nhiệm vụ cụ thể giáo dục đại học năm học 2021-2022 là:
1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
2. Phát triển hệ thống giáo dục đại học và sư phạm.
3. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ sinh viên.
5. Đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.
6. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.
7. Chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học.
8. Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng và thanh tra, kiểm tra.
9. Tăng cường truyền thông giáo dục đại học...
5. Công văn số 4555/BGDĐT-TTr ngày 08 tháng 10 năm 2021 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2021 - 2022 đối với CSGDĐH, trường CĐSP
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực từ ngày 08/10/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 08/10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 4555/BGDĐT-TTr về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2021 - 2022 đối với CSGDĐH, trường CĐSP.
Theo đó, nhiệm vụ cụ thể đối với Đại học quốc gia và đại học vùng là:
a) Giám đốc đại học quốc gia/đại học vùng ban hành hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng và các tổ chức, đơn vị thành viên thuộc quyền quản lý bảo đảm thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm; đúng quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo;
b) Trưởng Ban thanh tra đại học quốc gia/đại học vùng chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ của đại học quốc gia/đại học vùng trình Giám đốc đại học quốc gia/đại học vùng phê duyệt ban hành và tổ chức thực hiện. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chú trọng đến trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thuộc, trực thuộc, việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học về cơ cấu tổ chức; quản lý công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý văn bằng, chứng chỉ; các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các đề án, dự án, việc đầu tư xây dựng cơ bản...;
c) Ban thanh tra đại học quốc gia/đại học vùng là đầu mối tổng hợp, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng và các tổ chức, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc quyền quản lý của đại học quốc gia, đại học vùng;
d) Cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng và các tổ chức, đơn vị trực thuộc đại học quốc gia/đại học vùng tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ theo hướng dẫn này và hướng dẫn chi tiết của đại học quốc gia/đại học vùng...
(Cập nhật đến ngày 14 tháng 10 năm 2021)
 

Phòng Thanh tra và Pháp chế