Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Khoa tổ chức thành công seminar định kỳ 5/2018



Ngày 22/05/2018 vừa qua, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công Seminar cho nghiên cứu sinh. Seminar là buổi sinh hoạt khoa học định kỳ của Nghiên cứu sinh, là điều kiện tiên quyết để bảo vệ đề cương của nghiên cứu sinh khi làm luận án. Đây cũng là yêu cầu riêng, là điểm đặc biệt chỉ có trong CTĐT tiến sĩ của Khoa Tài chính – Ngân hàng.

Tham dự seminar có PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng cùng các giảng viên và nghiên cứu sinh (NCS) của khoa.

Mở đầu seminar là phần trình bày của NCS Trịnh Sơn Hồng với chủ đề: “Phát triển bền vững tài chính quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam". NCS Trịnh Sơn Hồng đã khẳng định sự thách thức của của bảo hiểm xã hội Việt Nam trong giai đoạn dân số Việt Nam được dự đoán là sẽ già đi một cách nhanh chóng với tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên. Với những số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc đến năm 2050 cho thấy rằng những vấn đề liên quan đến khu vực chính thức và phi chính thức, bất bình đẳng giữa các nhóm tham gia đóng bảo hiểm, thiếu sự bền vững về tài chính, năng lực quản lý và nhiều hạn chế khác. Bên cạnh đó NCS cũng đưa ra các kinh nghiệm đi trước của các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy Việt Nam có thể học tập những bài học để phát triển bền vững tài chính của Quỹ BHXH Việt Nam trong dài hạn của những nước trong cộng đồng ASEAN.

 
 Phần trình bày của NCS Trịnh Sơn Hồng

Tiếp theo là phần trình bày của NCS Phạm Mỹ Hằng Phương về: “Phân bổ ngân sách nhà nước cho các địa phương ở Việt Nam: thực trạng và cơ chế”.Có thể thấy, việc phân bổ NSNN đang là một việc gây tranh cãi vì nhiều quốc gia phải đối mặt với hoàn cảnh tài chính khó khăn bắt nguồn từ những yếu kém của hệ thống quản lý chi tiêu và phân bổ ngân sách, và việc tìm ra lời giải cho hai vấn đề nói trên nhằm kiến nghị những biện pháp nâng cao hiệu quả phân bổ ngày một cấp thiết. Về tiêu chí đo lường và phương pháp đánh giá , NCS đã chỉ ra được một số lý thuyết trong đó có lý thuyết của Eichengreen (1993) nghiên cứu về thống nhất tiền tệ của liên minh Châu Âu đã chỉ ra rằng 3 hiệu ứng chính của các chính sách ngân sách khu vực công, bao gồm hiệu ứng tái phân bổ, hiệu ứng ổn định và hiệu ứng bảo vệ rất phù hợp với đề tài của mình.


 

Phần trình bày của NCS Phạm Mỹ Hằng Phương

Buổi seminar không chỉ giúp NCS Sơn Hồng và NCS Hằng Phương nhận được rất nhiều góp ý từ các thầy cô để hoàn thiện nghiên cứu của mình trước khi bảo vệ chính thức trước Hội đồng mà đây cũng là cơ hội giúp cho các NCS còn lại có thể học hỏi được phương pháp nghiên cứu và trao đổi chuyên môn. Seminar là một trong những hoạt động chuyên môn bổ ích, thiết thực mà Khoa Tài chính – Ngân hàng đã và đang duy trì cho các NCS nói riêng và cho hoạt động khoa học của Khoa nói chung.


Thu Hương - Bảo Ngọc