Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo chuyên đề quản trị rủi ro 2015

Ngày 14/4/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) phối hợp với Tập đoàn NICE tổ chức Hội thảo chuyên đề quản trị rủi ro 2015. Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Phước Thanh; Ông Sanjay Kalra – Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cùng đại diện Lãnh đạo CIC; Tập đoàn NICE; Giám đốcvà Phó Giám đốc quản trị rủi ro một số tổ chức tín dụng (TCTD)…


Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh đánh giá cao nỗ lực của CIC thời gian qua đã đồng hành cùng hệ thống ngân hàng Việt Nam, chủ động nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, đổi mới hoạt động nghiệp vụ, qua đó hoạt động của CIC đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, là một kênh thông tin quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra giám sát của NHNN, đồng thời hỗ trợ hoạt động kinh doanh tín dụng của các TCTD, từng bước nâng cao văn hoá tín dụng, minh bạch hoá và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Đặc biệt, trong thời gian tới, vai trò của CIC ngày càng quan trọng hỗ trợ các TCTD trong việc triển khai các quy định mới của NHNN, cũng như chuẩn bị lộ trình áp dụng chuẩn Basel II tại Việt Nam.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cám ơn sự giúp đỡ, hợp tác có hiệu quả của Tập đoàn NICE đối với hoạt động của CIC, cũng như sự tham gia tích cực của Tập đoàn NICE để hỗ trợ các TCTD Việt Nam trong hoạt động quản trị rủi ro. Phó Thống đốc tin tưởng, thông qua buổi Hội thảo này, các TCTD và các đại biểu tham gia sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích về những giải pháp quản trị rủi ro tín dụng của Tập đoàn NICE cũng như những kinh nghiệm trong quá trình áp dụng Basel II của các ngân hàng thương mại Hàn Quốc, từ đó rút ra những bài học quý báu và triển khai thực hiện trong hoạt động của đơn vị mình, phù hợp với các quy định của NHNN và xu hướng chung, chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Phó Thống đốc cũng chia sẻ, hiện nay, NHNN đã chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên thực hiện thí điểm cho lộ trình tuân thủ Basel II. Đây là một cấp độ mới cao hơn, tuy không bắt buộc và có sự khác biệt nhất định trong việc áp dụng ở mỗi quốc gia, song tinh thần chung là khắt khe, chặt chẽ hơn trong giám sát an toàn hoạt động của các ngân hàng. Ngoài việc triển khai thí điểm tuân thủ Basel II nói trên, NHNN cũng từng bước quản lý hệ thống ngân hàng tuân thủ theo các chuẩn mực cao hơn như việc ban hành và thực thi Thông tư 02, Thông tư 09 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD. Trong xu hướng đó, đòi hỏi các TCTD cần nhanh chóng thay đổi, có hệ thống quản trị rủi ro hiện đại, theo kịp những tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và hoạt động để đứng vững trên thị trường.
Tại Hội thảo, ông Sanjay Kalra – Trưởng đại điện IMF tại Việt Nam đã phân tích những nét chính toàn cảnh nền kinh tế thế giới, trong đó có nêu ra những yếu tố tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
Đại diện Tập đoàn NICE trình bày những nội dung liên quan đến quản trị rủi ro tín dụng đối với dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp và dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Tham gia thuyết trình tại Hội thảo, ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng Giám đốc CIC đã nêu bật vai trò của CIC trong việc thực thi các quy định của Basel II đối với các ngân hàng của Việt Nam. Theo đó, sản phẩm của CIC hỗ trợ các TCTD trong suốt chu kỳ tín dụng: từ khâu chiến lược khách hàng, tìm kiếm khách hàng, đến khâu ra quyết định cho vay, giám sát sau cho vay, thu hồi và xử lý nợ; Một số sản phẩm thông tin tín dụng hỗ trợ TCTD trong quá trình phát triển xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng như sản phẩm phục vụ quản lý, giám sát danh mục cho vay bao gồm: sản phẩm theo lô, sản phẩm cảnh báo...; sản phẩm phục vụ triển khai Thông tư 02 của NHNN; các gói dữ liệu theo từng phân khúc khách hàng để giúp TCTC xây dựng và kiểm định mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, chấm điểm tín dụng khách hàng vay, chủ thẻ tín dụng; giúp TCTD định kỳ rà soát và hoàn thiện mô hình; một số TCTD sử dụng dịch vụ tiêu biểu như Vietcombank, TPBank, VIB, VPBank, Shinhan Bank...; đối với TCTD chưa xây dựng được mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ có thể khai thác kết quả xếp hạng tín dụng từ CIC qua hệ thống trực tuyến để phục vụ hoạt động đánh giá khách hàng. Đối với TCTC đã có mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ có thể kết hợp kết quả tự đánh giá xếp hạng với kết quả xếp hạng tín dụng của CIC để đưa ra đánh giá chính xác nhất về khách hàng vay. Phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và cung cấp gói giải pháp chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín dụng.
Định hướng của CIC trong hỗ trợ việc thực thi các quy định Basel II đối với các TCTD, đó là: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, thống nhất, tích hợp và phản ánh được chính xác, đầy đủ, kịp thời dữ liệu từ các đơn vị trong và ngoài Ngành, đáp ứng tốt nhất nhu cầu về dữ liệu cho các TCTD triển khai Basel II; (ii) Kịp thời tổng hợp và cung cấp thông tin cho các TCTD trong việc tuân thủ quy định của NHNN tại Thông tư 02, Thông tư 09; (iii) Phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD thực hiện các quy định của NHNN; (iv) Xây dựng mới, cải tiến hệ thống sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ các đối tượng khác nhau; (v) Đẩy mạnh hoạt động cung cấp số liệu phục vụ xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng và xây dựng các báo cáo phân tích ngành, lĩnh vực phục vụ yêu cầu của các TCTD; (vi) Nâng cấp phương pháp xếp hạng tín dụng hiện tại của CIC, là cơ sở tham chiếu cho các TCTD; (vii) Triển khai hoạt động đăng ký tín dụng, kết hợp với Tập đoàn NICE triển khai dịch vụ chấm điểm tín dụng khách hàng vay cá nhân.

Nguồn: http://www.sbv.gov.vn