Thông tin cho sinh viên
 
Cảm ơn nghiên cứu khoa học!

Công trình của Nguyễn Thị Ngọc Ánh (trái) và Nguyễn Thu Huyền (phải) là một trong hai công trình giành giải Nhất NCKH sinh viên Trường ĐHKT 2012
Nếu là một người chưa từng nghiên cứu, nghe đến hai từ “nghiên cứu”, bạn sẽ nghĩ gì? Hẳn là bạn sẽ lắc đầu ngao ngán rằng đó là một công việc buồn chán, tẻ nhạt, khô khan, suốt ngày chúi đầu vào những trang giấy, những sách báo, những tạp chí, những tài liệu, những con số và rằng nó sẽ chẳng có ích gì cho cuộc sống của bạn…


Nhưng nếu bạn hỏi tôi điều đó, tôi sẽ nói cho bạn nghe, một điều hoàn toàn khác, tuy xa lạ với một người chưa từng thực sự bắt đầu nghiên cứu, nhưng lại luôn là động lực thúc đẩy, là đam mê của một ai đó một khi đã thực sự bắt tay vào, thực sự dành tâm trí và trái tim cho nó!
Tôi cũng không nhớ rõ lý do tại sao mình lại có chọn lựa ấy, rằng tôi sẽ làm nghiên cứu, một bài nghiên cứu khoa học thực sự. Tôi đã cảm thấy thực sự hứng thú với xu hướng đang diễn ra từng ngày trên thế giới như một cách để người ta hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng - con đường tăng trưởng xanh. Và là một người bình thường, tôi nghĩ đến những hành vi của mình, làm thế nào để thay đổi theo con đường ấy, có lẽ đó là tiêu dùng xanh. Thật sự vào thời điểm đầu tiên ấy, tôi đã rất “cuồng” về vấn đề kinh tế - môi trường này. Thậm chí trước khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi đã là một người điều phối một dự án tình nguyện nhỏ về một khía cạnh của tiêu dùng xanh - giảm thiểu túi nilông và sử dụng thay thế bằng túi vải và túi giấy.
Tôi chọn một người bạn để đi cùng tôi trên con đường nghiên cứu ấy, người bạn cùng lý tưởng trong rất nhiều khía cạnh. Và thật sự phải trải qua rất nhiều gian nan sau đó, mới biết rằng mình đã không tin nhầm người. Và nếu bạn đồng hành của tôi là một ai khác, kết quả ngày hôm nay có thể cũng khác đi…
Nghiên cứu khoa học, đó là những ngày đầu tiên cùng dịch một núi tài liệu hỗn độn với bao nhiêu những thuật ngữ khó hiểu mà không biết dùng từ nào trong tiếng Việt để thay thế, thật may mắn, chúng tôi có cả một nhóm các em sinh viên ham học hỏi, sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi trong vấn đề này… Đọc, đọc và đọc rất nhiều, mail qua mail lại, chat qua chat lại để cùng hiểu xem thực sự tiêu dùng xanh là gì? Chúng tôi biết nhiều hơn, và cũng để thấy cần phải biết thật nhiều hơn nữa… Đầu tiên, nghiên cứu là tìm hiểu và chia sẻ!
Nghiên cứu khoa học, đó là những ngày bắt đầu “vật vã” tìm một hướng đi chính xác hơn cho một định nghĩa đơn thuần về tiêu dùng xanh. Chúng tôi muốn xây dựng một mô hình, nhưng đó là mô hình nào? Nó có những yếu tố nào và sẽ có ảnh hưởng ra sao? Chúng tôi không biết! Một lý thuyết hoàn toàn xa lạ được tìm thấy trong tất cả những bài nghiên cứu mà chúng tôi tiếp cận được - “Thuyết hành vi có kế hoạch”.  
Những định nghĩa lằng nhằng và khó hiểu làm chúng tôi nản chí. Thầy hướng dẫn muốn chúng tôi đi theo con đường mô hình Hành vi người tiêu dùng truyền thống (Consumer Behavior), mà các bạn vẫn được học như trong marketing. Nhưng chúng tôi thấy khó khăn, vì dù lý thuyết đó dễ hiểu và phổ biến hơn, nhưng những người đi trước, họ đâu dùng lý thuyết này trong lĩnh vực về tiêu dùng xanh??? Và hơn nữa, có quá nhiều yếu tố trong mô hình truyền thống đó, thật khó để đo lường. Lại là nản chí!
Một tháng về nghỉ tết, chúng tôi đã trì hoãn việc tiến hành nghiên cứu theo hướng Hành vi người tiêu dùng thông thường, vì không muốn đi theo hướng đó, dù chưa biết làm thế nào để có thể thuyết phục thầy. Đơn giản, vì chính chúng tôi chưa hiểu được thuyết hành vi có kế hoạch kia, và thậm chí không muốn bắt tay vào tìm hiểu. Nghỉ ngơi xong, chúng tôi nhận ra thời gian chẳng còn bao nhiêu để hoàn thành bài nghiên cứu. Cuồng cuống vội vã, hai đứa cùng tập trung “review” lại tất cả những gì đã có, đã dịch, cố gắng cùng nhau phân tích, tranh luận để hiểu được lý thuyết kì lạ kia là cái gì… Cuối cùng, thật may mắn, chúng tôi đã hiểu, đã cảm thấy rõ được đường đi và thuyết phục được thầy ủng hộ hướng đi mới này. Bạn biết không, nghiên cứu, là tranh luận và thuyết phục chính bản thân mình!
Giờ thì không còn thời gian nữa, lại một lần nữa “vật lộn” với đống tài liệu để biết làm thế nào cho ra một bảng hỏi hoàn chỉnh nhất, đảm bảo tính khoa học nhất để cho việc khảo sát thực tế. Một lần nữa, tâm lý bỏ cuộc lại đến. Những bảng hỏi chúng tôi đưa ra bị gạt phăng bởi những người có chuyên môn. Tiếp thu ý kiến, tiếp tục sửa, sửa đi sửa lại, gặp thầy và chị chuyên viên không biết bao nhiêu lần, để thậm chí chỉ sửa những từ rất nhỏ trong phiếu điều tra. Thật sự không biết nên vui hay nên buồn, khi kết quả thu được, là một  phiếu điều tra dài 8 mặt A4! Câu hỏi là, ai sẽ sẵn sàng trả lời chúng tôi? Hai đứa chỉ biết nhìn nhau không biết nên khóc hay nên cười…
Tuy nhiên, hứng khởi khi đi gần đến đích đã giúp chúng tôi vững lòng bước tiếp. Những háo hức đó, thật sự, chỉ có thể tìm được trong trái tim và cả tình bằng hữuhai đứa con gái nhỏ bé nhưng giàu niềm tin và bản lĩnh cùng nhau chia sẻ. Chúng tôi sẽ buồn và thất thểu mỗi khi người ta xua tay: “Điều tra gì đấy? Không có thời gian đâu!”, “Dài thế này á! Chị không làm đâu”, “Ôi, thôi thôi đi hỏi người khác đi”… và thật sự là có những chiều chúng tôi, mỗi đứa mỗi nơi bơ vơ mang về được vài phiếu hoàn thành và hợp lệ sau cả mấy tiếng đồng hồ.
Nhưng chúng tôi cũng đã mừng đến phát khóc khi hỏi hoặc nhờ ai đó, họ vui vẻ và hứng khởi với đề tài mới lạ, cắm cúi làm hết 8 mặt A4 một phiếu điều tra từ những sinh viên họ không biết là ai, dẫu cuối cùng vẫn là một câu “Các em làm dài quá!”. Nhưng họ dẫu sao thật quá nhiệt tình!
Tôi còn may mắn gặp được một đôi vợ chồng trẻ, chị ấy còn đang mang bầu. Hai anh chị làm giúp tôi xong, anh ấy còn hỏi xem tình hình làm nghiên cứu của tôi như thế nào và cho địa chỉ email để tôi gửi link phiếu online, anh ấy sẽ up lên fanpage "Tôi thích shopping" của anh ấy và kêu gọi mọi người giúp đỡ chúng tôi. Cũng có rất nhiều những bạn bè, anh chị khác đã tạo điều kiện cho chúng tôi phát đi những phiếu khảo sát này, giúp chúng tôi hoàn thành cuộc điều tra nhanh hơn.
Tôi vẫn nhớ một lần tôi trốn chạy tất cả những sợ hãi và bơ phờ của việc đi lấy phiếu, lờ đi trách nhiệm của mình bằng cách nhảy lên xe đứa em về nhà ở Bắc Ninh. Bố hiểu rõ về vấn đề tôi đang làm, mẹ thì hơi thắc mắc vì nội dung khó hiểu, anh thì bảo “hâm”, nhưng đơn giản tôi biết mình được ủng hộ nhiệt tình. Chỉ một từ để diễn tả tất cả thôi, thật tuyệt vời! Và vì thế, nghiên cứu là không ngừng cố gắng, vì không biết điều gì đang chờ phía trước để giúp bạn vững tiếp bước đi!
Nghiên cứu khoa học, đó là những đêm làm việc thật sự, “không phải là không mệt mỏi” đâu, rất mệt là đằng khác, để ngủ gục trên bàn hay lăn mình lên giường lúc nào không biết, mặc cho máy tính vẫn đang chạy ầm ầm. Nhưng đó cũng là những phút giây chúng tôi tìm thấy những cái mới mẻ, hay ho trong chính đứa con tinh thần của mình; để cười sảng khoái nhận ra những khuyết điểm ngớ ngẩn trong câu chữ của bản thân và “cộng sự” khi chúng tôi bước đến những ngày hoàn thiện bài lần cuối. Chúng tôi, thật sự, đã cười rất nhiều dù là mệt mỏi biết bao nhiêu. Bài hát “Qua đêm nay” được ca suốt nhiều tuần, mà mãi mới có một ngày đêm thật sự qua, trả lại cho chúng tôi giấc ngủ dài thật bình yên. Nghiên cứu tiếp theo sẽ là món quà tinh thần lớn lao cho người làm ra nó!
Và tôi sẽ nhớ lắm những đêm dài ấy, sẽ nhớ lắm những chiều bơ vơ ấy, sẽ nhớ lắm những lần tranh luận ấy, sẽ nhớ lắm những lần “Nhất định phải bỏ thôi” nhưng rồi lại hùng dũng bước tiếp con đường ấy, sẽ nhớ lắm sự động viên của “người bạn lớn” luôn tận tình hướng dẫn chúng tôi mỗi khi chúng tôi nản chí. Sẽ nhớ lắm…
Hôm nay nhận được thành quả này, tôi không biết mình nên nói gì. Vì những gì trong tim thì thường khó nói. Đành ngớ ngẩn viết ra những dòng rất dài này theo cảm xúc, theo trí nhớ của trái tim mình. Nghiên cứu khiến chúng tôi đôi lúc “phát cuồng”, để nhận ra quá nhiều bài học cho sự lớn khôn. Và sẽ chẳng có gì hạnh phúc hơn, nếu tác phẩm bạn tạo ra đem lại giá trị thực sự nào đó, cho khoa học, cho thực tiễn đời sống.
Nếu chưa làm được điều đó, thì hãy cứ bắt đầu, biết đâu, bạn biết đấy, không ai nói trước được điều gì. Nghiên cứu, chỉ cần bạn đam mê thật sự, hễ đi là đến, dù có rất nhiều khó khăn!Nếu bạn hỏi bài học gì là lớn nhất cho bản thân, thì ít nhất với tôi, đó là tư duy độc lập, phản biện, biết tự tạo niềm hứng khởi và ý chí cố gắng dù đến phút cuối cùng.
Con đường còn rất dài phía trước, đích đến còn ở rất xa, nhưng đơn giản là niềm tin của bạn ở đó, của chúng tôi ở đó...

Và xin cảm ơn gia đình, thầy cô, bạn bè/anh/chị và các em yêu quý, cả những người xa lạ, những người giúp chúng tôi đi đến ngày hôm nay và đi xa hơn nữa!

Thu Huyền (Khoa KT&KDQT)