Thông tin cho sinh viên
 
Nhật ký ngày 9/11/2011

Với Khoa KTCT, các thành viên được gắn kết cả trong học tập và cuộc sống
Hôm nay đi tập thật buồn, cảm giác lại một giá trị mất đi. Thằng bạn thân chả hiểu vì lí do gì mà không cười lấy một tiếng, mặc dù nó đã cố gắng trêu bạn thật nhiều. Có lẽ hôm nay lại là ngày lạnh lùng với nó. Nó thở dài. Đạp xe thật chậm, chậm hết mức có thể, cái điều mà lâu nay nó đã bỏ bẵng. Nó cảm thấy con đường từ lớp tập về nhà như dài vô tận…


Đêm. Đèn điện hai bên đường sáng choang, thẳng tắp, xa tít. Nó cố tình không mặc áo khoác, để mặc cho cái lạnh len lỏi vào tận xương tủy. Nó chỉ hi vọng cái lạnh da thịt giúp nó quên đi cái lạnh đang tràn ngập tâm hồn. Lâu lắm rồi, đúng, từ rất lâu rồi, nó đã bỏ quên nốt lặng trong bản giao hưởng của cuộc đời. Và hôm nay, nó lại được chạm tay vào miền ký ức thầm lặng của một cô bé biết suy tư…
Nó thích cái cảm giác lang thang trên đường vào những ngày đông giá rét, để được hưởng cho bằng hết cái lạnh thấu xương. Nó yêu mùa đông có lẽ bởi mùa đông có sinh nhật của nó. À phải rồi, chỉ còn một tháng nữa là nó tròn 19 tuổi, bước sang tuổi 20…
Ngày xưa nó từng được nghe chị nó kể về khủng hoảng tuổi 20 Nó cười nhạt. Giờ nó sắp bước sang tuổi 20, nó mới thấy thấm thía điều đó. Kể từ hồi ấy, nó chưa hề tái khủng hoảng. Chạm vào miền ký ức đã rêu phong, trái tim nó lại vang lên buốt nhói. Tiếng gọi của gia đình với nó thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nó muốn được nắm tay cả bố và mẹ đi bộ trên con đường xóm thanh tịnh, muốn được ăn bữa cơm cùng gia đình với đầy đủ mọi thành viên, nó muốn… muốn rất nhiều. Vì nó biết, ước muốn của nó là hoang đường.
Bố mẹ nó ly hôn khi nó học lớp 11. Rồi mẹ con nó chuyển về quê ngoại sống. Từ trước tới giờ nó luôn hồn nhiên vô tư, nhưng dường như cú sốc tâm lý này đã đánh gục nó. Nó đã từng bị trầm cảm. Nó khao khát được yêu thương. Bố nó hai tháng sau cưới vợ, mẹ nó nhanh chóng có “bồ” mới, dường như bỏ mặc nó giữa cô đơn.
Ngày thi đại học, mẹ nó lặn mất tăm, bố nó cũng chẳng nhớ. Nó lủi thủi bắt xe đi thi. Trước ngày thi, nó đã say. Đó là lần say đầu tiên trong đời. Lúc đó, nó thật ngu ngốc suy nghĩ rằng, đưa chân đi thi cho xong chuyện. Rồi nó trượt thật. Thiếu mất 0,5đ. Nó đã từng rất cố gắng học tập, nó đã từng thề rằng sẽ học với tất cả niềm đam mê để đỗ vào Đại học Dược Hà Nội - một trường danh tiếng mà nó mơ ước từ lâu. Nó muốn chứng minh rằng nó vững như cây phong, cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì, nó sẽ không gục ngã. Thế mà chỉ vì một phút yếu lòng, mọi nỗ lực của nó đều tan biến. Nó biết rằng nó đã sai khi không thực sự cố gắng. Hối hận chỉ làm nó thêm cay đắng.
Rồi nó “đệ đơn” xin học NV2 vào ĐHQGHN, cái trường nghe tên cũng oai oai. Tiếc là chỉ còn 2 khoa thiếu chỉ tiêu: KTCT và KTPT. Nhắm mắt chọn bừa, nó chấm KTCT. Đi học đại học  thấy… quá bình thường, chẳng giảng đường rộng mênh mông như nó xem trên phim, chẳng những gốc cây cổ thụ cho sinh viên ngồi đọc sách, chẳng thư viện ngập tràn sách, vì nó học ở cơ sở 2!
Về quê, mọi người hỏi: “Cháu học trường gì?”, nó trả lời: “Dạ, cháu học Đại học Kinh tế ạ!” - “À, Kinh tế Quốc dân à?”. Nó lại phải giải thích: “Dạ không, Đại học Kinh tế của ĐHQGHN ạ!”. Giải thích nhiều đến phát chán, lần sau nó nghệu ngạo: “Cháu học ĐHQGHN ạ!.
Chưa hết, người ta còn hỏi: “Cháu học khoa gì?” - “Dạ, cháu học Khoa KTCT ạ!”. Rồi nó được “tấn công” bởi một tràng các câu hỏi mà nó đành ngậm tăm: “Khoa này là Khoa Triết à?”, “Chắc là suốt ngày nghe về Mác - Lênin!”, “Kinh tế chính trị! Ôi trời, tớ dốt nhất môn này đấy, vì nó…chán òm”, “Ai mà học giỏi môn KTCT là… bị điên đấy!”, “Cháu học xong cái này ra làm gì?”…
Có những người “phũ” hơn: “Học cái tử tế ra còn chẳng ăn ai, cái này học xong để mốc bằng à?”, “Thôi năm sau thi lại trường khác, sức học của mày thiếu gì trường, sao phải đâm đầu vào những thứ vô bổ như vậy?”… Chưa hết, lớp nó có hai mươi hai mống, ngoài hai đứa “thần kinh có vấn đề” đăng ký NV1 thì còn lại đều… rớt từ khoa khác/trường khác xuống. Lớp đã ít, tinh thần lại chẳng có gì khá khẩm, nó tự hỏi liệu mình có sai không?
Nhập học được một tháng, nó về quê cũ thăm ông bà nội. Nó giật mình. Lâu rồi nó không về thăm ông bà, nó đúng là một đứa cháu bất hiếu. Từ ngày nó chuyển đến quê ngoại, nó dường như cắt đứt liên lạc với nơi mà nó đã từng gắn bó suốt thời thơ ấu - nơi nó sinh ra và lớn lên. Trầm cảm đã khiến nó trở nên vô cảm.
Lẽn bẽn chào ông, nó kể cho ông bà nghe về trường đại học của nó. Ông nó cười thật hiền, bảo cháu tiếp nối sự nghiệp của ông rồi, học cái này rất thú vị đấy! Nó ngơ ngác rồi chợt bừng tỉnh, ừ nhỉ, ông nó là thầy giáo dạy triết! Thể nào nó cứ đâm đầu vào đăng ký KTCT khi bàng quan với sự lựa chọn. Thật lòng, nó không ưa gì những lúc ông giảng “đạo”: nào là phải sống thế nọ, phải nghĩ thế kia, nào là phải nhìn một sự vật hiện tượng dưới nhiều góc độ, cái gì cũng có hai mặt, nào là đừng vội đưa ra đánh giá cho một vấn đề/một con người mà phải chờ thời gian để kiểm chứng, nào là phải biết quý trọng những gì mình đang có và phải biết phấn đấu những gì mình muốn có bằng tất cả lòng quyết tâm, nào là… vân vân và vân vân. Nó nghe ông nói đến phát chán.
Tuy chưa học triết nhưng nó được nghe nhiều anh chị kể môn này khô khan “vô đối”, thằng nào được 8 điểm triết là điên nặng… Lại cộng thêm sự lê thê của “triết lý mang tên ông nội” làm nó ngán đến tận cổ. Nhưng nó không thể phủ nhận rằng, những suy nghĩ mà ông "áp đặt" cho nó… rất đúng!
Càng ngày nó càng thận trọng hơn trong từng suy nghĩ, nó biết nghĩ đến mặt trái trước khi hành động, nó biết “nếm nước dùng” trước khi “nêm gia vị”. Nó yêu ông nhiều hơn mỗi ngày. Chính ông đã khuyên nó chỉ tập trung duy nhất vào việc học hành để thi đỗ đại học, còn bà để ông lo, vì bà nó vốn bị cao huyết áp kinh niên, dễ bị tai biến bởi những cú sốc tâm lý.
Nghĩ lại những chuyện đã qua, nó khóc. Khóc vì không tập trung cao độ cho kì thi đại học, khóc vì phụ sự kỳ vọng của ông. Nhưng nó thầm hạnh phúc vì vẫn còn một người đồng cảm với nó, nó thầm tự hào vì là cháu nội của một thầy giáo dạy triết…
Mỗi tháng, nó về quê nội một lần để thăm ông bà. Khi đã là sinh viên, nó thấy những cuộc nói chuyện giữa nó và ông nội đã “nâng lên một đẳng cấp mới”. Nó không còn ngáp ngủ mỗi lần ông “giảng đạo”, nó cũng không bị mấy cái roi mây hay vụt ruồi “lên lớp”, mà giờ đây, nó nghe ông nói như nuốt từng lời. Ông nó không dạy nguyên lí Mác cho nó, cũng không giảng giải thế nào là giá trị thặng dư hay tỷ suất lợi nhuận.. Cái mà ông nó truyền cho nó là nhiệt huyết tuổi trẻ. Ông nó cho nó học cách quý trọng thời gian, cách suy ngẫm sâu sa một vấn đề. Ông nó khuyên nó học tất cả những gì mà nó đam mê. Nó đã suy nghĩ thoáng hơn, không còn nhìn đời bằng “nửa con mắt”. Nó lao đầu vào học cái mà nó yêu: võ và ngoại ngữ.
Được làm những điều mình thích, nó tỏ ra là một “tay chơi thứ thiệt”. Ở lớp ngoại ngữ nào nó cũng xếp nhất nhì lớp, những bài quyền nó đi khiến người khác phải thầm khâm phục. Nhưng nó không kiêu ngạo. Nó hiểu được trình độ mà nó đạt được không phải là đẳng cấp cao, nó còn phải nỗ lực hơn nữa, hoàn thiện bản thân hơn nữa. Nó mong muốn sau này được đi du lịch vòng quanh thế giới mà không cần phiên dịch viên, nó thích kết bạn ở nhiều quốc gia, nó thích giao lưu thi đấu để rèn luyện ý chí bản thân… Cuộc đời của nó trở nên tươi mới và rực rỡ.
Nó không còn bàng quan với KTCT. Tuy nó học không giỏi nhưng nó tự thấy rằng, nó yêu khoa của mình. Nó không bỏ một buổi nào của thầy Thái Sơn về phần 1 của môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; nó say sưa nghe cô Thùy Anh giảng về bản chất bóc lột của tư bản của môn Kinh tế chính trị đại cương; nó hiểu sinh viên nên có cách tiếp cận mới về nghiên cứu kinh tế trong môn Lịch sử Kinh tế của thầy Thông…
Nhớ buổi liên hoan chia tay K52 ở nhà “sếp Cua” (anh Nguyễn Minh Cường), nó cảm thấy đây đúng nghĩa là một gia đình tuyệt vời. Anh chị em trong nhà đều yêu thương nhau thật lòng. Nó vẫn nhớ như in lời tâm sự trong của "ông Cua" khi hai "ông cháu" ngồi ở cầu thang: “Khoa mình có truyền thống là đoàn kết nhất trường đấy! Và đến khóa các cháu phải biết gìn giữ và phát huy truyền thống này!” Nó thầm cảm ơn ông trời tốt bụng đã cho nó đầu quân vào mái nhà KTCT để có thể hiểu một cách sâu nhất mọi vấn đề - cái mà không một ngành nào đào tạo. Nó thấy tự hào về truyền thống của khoa với nhiều thủ khoa được vinh danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều người hiện nay giữ các chức vụ cao, có công việc tốt. Gần nó nhất là "ông Cua" rất được nhiều người tôn trọng trên nhiều phương diện; chị "Hằng Lee" năng nổ, không những học giỏi mà “chơi” cũng rất nhiệt tình; các anh chị K54 giữ nhiều vị trí chủ chốt trong các hoạt động ở trường.
Lớp nó cũng tỏ ra không vừa trong học tập và hoạt động Đoàn - Hội. Bản thân nó cũng đang nỗ lực chứng minh ý chí, quyết tâm của mình. Phải chăng đúng như chị Hằng nói, có lẽ cảm giác đầu vào thấp kém nên anh chị em nhà KTCT luôn nỗ lực phấn đấu để chứng tỏ bản thân?
Thế mà năm nay, trường lại đổi tên khoa. Nghe cô Dậu tâm sự, việc đổi tên này đã thành chu kỳ, nhưng cái tên KTCT sẽ là tất yếu được gìn giữ. Nó hy vọng, những gì thuộc về giá trị sẽ không bị mất đi. Nó hy vọng mọi người sống với nhau thật vui vẻ và ấm áp tình người. Nó sợ làm người khác bị tổn thương.
Nó mong muốn mỗi sáng thức dậy là một nụ cười thật tươi để sẵn sàng cho những gì đang đến. Nó tự hào vì nó được sống một cuộc sống tràn ngập niềm vui. Lâu lắm rồi nó không biết buồn là gì. Không phải vì cuộc sống của nó suôn sẻ cả, mà là nó lao vào học tập và lao động hăng say. Nó sống như thể chưa từng được sống, nó muốn tạo thật nhiều giá trị cho đời. Nó không cảm thấy động lực sống của nó là quá cao xa, chỉ đơn giản, nó yêu cuộc sống này. Nó không muốn nhắm mắt đưa chân sống cho qua ngày hay lao đầu vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, cái mà nó muốn tạo ra là sự ngưỡng mộ và yêu mến khi người ta nhắc đến tên nó.
Con đường về nhà trọ còn xa, nhưng nó biết điểm đến là đâu. Cũng giống như con người sống trong cõi đời này vậy. Nếu biết được mục tiêu của mình thì việc phấn đấu sẽ dễ dàng hơn và thành công sẽ trở nên ý nghĩa. Bằng không, cuộc đời sẽ vô vị và buồn chán. Sự “đều đều” không tạo được một bản nhạc hay. Kết hợp được cả nốt trầm và nốt thăng, cần lắm những nốt lặng sẽ là một kiệt tác - bản giao hưởng của cuộc đời.

Vũ Lê Mai (QH-2010-E, Khoa KTCT)