Trang Nghiên cứu
 
Hiệp định EVFTA và tác động đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19

Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, ngay trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép chưa từng có từ việc gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương và tác động của đại dịch covid-19 đã đặt ra những cơ hội to lớn cũng như tạo ra hàng loạt thách thức đối với Việt Nam - quốc gia chịu tác động trực tiếp với vai trò là chủ thể của hiệp định. TS. Vũ Thị Thanh Hương, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về kinh tế quốc tế đưa ra những nhận định về hiệp định này cũng như đề xuất những chính sách ở tầm vĩ mô mà Việt Nam cần thay đổi để hưởng lợi từ EVFTA - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết cao và phạm vi cam kết rộng.


Thứ nhất, đối với nền kinh tế, EVFTA là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường trên các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang diễn biến bất lợi cho nền kinh tế. Ngoài việc hàng hóa của Việt Nam xâm nhập thị trường châu Âu, thì thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi về giá trị hàng hóa của châu Âu, trong đó có sản phẩm công nghệ.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, EVFTA là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, dệt may, cà phê, hạt điều, gỗ, thủy sản... Một điểm đặc biệt của EVFTA đối với cam kết về chỉ dẫn địa lý là ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký chỉ dẫn địa lý, các bên còn cam kết bảo hộ cho nhau một danh mục các chỉ dẫn địa lý (169 chỉ dẫn địa lý của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU). Hiệp định cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng thế mạnh hàng hóa châu Âu, hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiệp định ra đời cũng giúp các doanh nghiệp giảm các nguy cơ pháp lý,… Tuy nhiên, EVFTA cũng tạo ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam như cần đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm, xuất xứ, môi trường,…

Trong bối cảnh đại dịch covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, những cơ hội và thách thức mà EVFTA mang lại đối với Việt Nam vẫn không xoay chuyển theo chiều hướng khác, bởi nó chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như mối quan hệ Việt Nam - EU đã được thiết lập qua hơn ba thập kỷ về hiệp định thương mại, lợi thế so sánh và tính bổ sung trong quan hệ thương mại giữa hai bên, từ cam kết sâu rộng mà hai bên dành cho nhau, từ bản chất nền kinh tế… Chúng ta cần nhìn nhận theo khía cạnh tích cực, đó là sẽ có nhiều cơ hội mới nảy sinh, là thời điểm quan trọng để Việt Nam nâng tầm dấu ấn của mình và tiếp tục tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu sang EU… Để làm được điều đó, TS. Vũ Thanh Hương đề xuất các khuyến nghị chính sách sau:

Đối với các doanh nghiệp: Cần nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định, hàng rào về kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ, các quy định về môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu, tuyên truyền về xuất xứ sản phẩm; chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA ngay trong thời điểm đại dịch covid-19…

Đối với Chính phủ: Cần cung cấp thông tin về hiệp định để các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau nắm bắt và chủ động hội nhập, đặc biệt trong việc thông tin về quy tắc xuất xứ. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí; hỗ trợ vốn vay và các chính sách tài chính, chuyển đổi số một cách nhanh chóng; tận dụng các sản phẩm và chính sách công nghệ của châu Âu…

Đây là những khuyến nghị rất có ích để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gia nhập thị trường châu Âu một cách chủ động.

 
 
>> Thông tin về chương trình:

Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam Chuyên mục: Dòng chảy kinh tế, phát sóng trên kênh VOV1.

Khách mời: TS. Vũ Thanh Hương - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Chủ đề: Đứt gãy chuối cung ứng toàn cầu vì Covid-19 và tác động của EVFTA