Trang Nghiên cứu
 
Tác động của tiền lương tối thiểu đến việc làm của lao động nữ: Bằng chứng tại các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam

Bài nghiên cứu thực nghiệm của TS. Nguyễn Xuân Đông với tiêu đề “Do Minimum Wages Increase Female Employment? Evidence from Vietnamese Manufacturing Firms” được đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, Q3 The International Trade Journal đã xem xét tác động tạo ra việc làm của tiền lương tối thiểu đối với lao động nữ trên cơ sở sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam.


Để lượng hóa tác động của tiền lương tối thiểu đến việc làm, đặc biệt là lao động nữ, bài nghiên cứu đã sử dụng mô hình động với tác động không thay đổi theo thời gian và không quan sát được ở cấp doanh nghiệp. Theo Arellano và Bond (1991), biến phụ thuộc trễ một kỳ được sử dụng làm biến giải thích, vì vậy sẽ tạo ra mô hình sai lệch lần một có biến công cụ kiểu GMM như trong mô hình Arellano-Bond. Bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền lương tối thiểu có mối quan hệ đồng biến với việc làm lao động nữ. Tác động tạo ra việc làm này lớn nhất trong các ngành công nghiệp ô tô, cơ khí nhưng lại thấp nhất ở những ngành dệt may, da giày. Kết quả nghiên cứu dựa trên mô hình định lượng cho thấy các doanh nghiệp có năng suất yếu tố tổng hợp càng cao thì càng tăng tỷ trọng lao động nữ, tăng tiền lương trả công nhân viên, từ đó tăng sử dụng lao động nữ. Tuy nhiên, tác động tạo ra việc làm cho phụ nữ này lại có xu hướng giảm đi khi Việt Nam áp dụng mức lương tối thiểu vùng chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Tỷ trọng lao động việc làm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 3,5% năm 2010 lên 4,4% vào năm 2016, trong khi đó tỷ trọng lao động việc làm của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại giảm nhẹ. Tỷ lệ thiếu việc làm ở phụ nữ có xu hướng giảm từ 3,64% năm 2010 xuống còn 1,83% năm 2016. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân dẫn tới tăng việc làm ở Việt Nam trong giai đoạn này rất quan trọng. Nguyễn Việt Cường (2013) đã sử dụng phương pháp khác biệt trong khác biệt và áp dụng vào phân tích dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình năm 2004 và 2006 đã chỉ ra rằng tiền lương tối thiểu năm 2005 đã làm giảm tỷ trọng lao động chính thức, tuy nhiên Hansen và cộng sự (2016) đã đề cập việc chính sách tiền lương tối thiểu của Việt Nam có những thay đổi tích cực trong những năm gần đây. Đặc biệt, trước năm 2012, Việt Nam áp dụng chính sách phân biệt mức tiền lương tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, bài nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến việc làm dành cho phụ nữ có xét đến sự thay đổi chính sách này. Với việc sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo từ năm 2010 đến năm 2016, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tiền lương tối thiểu tăng lên có tác động làm tăng việc làm cho phụ nữ. Tác động tạo ra việc làm này cao hơn ở các ngành có công nghệ trung bình (ngành cơ khí, công nghiệp ô tô) và thấp hơn ở những ngành có công nghệ thấp (như ngành dệt may, da giày). Hơn nữa, tác động tạo ra việc làm này lại cũng giảm đi khi Việt Nam áp dụng mức tiền lương tối thiểu vùng chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có năng suất yếu tố tổng hợp càng cao thì càng tăng tỷ trọng lao động nữ, tăng tiền lương trả công nhân viên, từ đó tăng sử dụng lao động nữ. Về con số cụ thể, tiền lương tối thiểu thực tế tăng 10% thì sẽ làm tăng việc làm 1%. Biên độ của tác động đến việc làm cho phụ nữ là 7,274. Điều này cho chúng ta biết rằng cứ tăng 1% tiền lương tối thiểu thực tế làm tăng 7,3% tỷ trọng lao động nữ trong doanh nghiệp. Phát hiện này cũng tương tự như tác động tạo ra việc làm đối với trường hợp của Ấn Độ (Menon và Rodgers 2017).

Như vậy, mục tiêu chính sách gì có thể đạt được thông qua việc tái phân bổ lại thu nhập cho những người lao động ở những doanh nghiệp năng suất hơn? Việc tái phân bổ này có thể không góp phần xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển như Việt Nam - nơi mà những ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao có sử dụng lao động không phải là phụ nữ nghèo. Những phụ nữ nghèo làm công ăn lương có xu hướng làm ở những ngành có công nghệ thấp và thâm dụng lao động hoặc những doanh nghiệp trong nước có chi phí tuân thủ có thể cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc tái phân bổ này có thể góp phần làm giảm sự đối kháng trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chưa thấy rõ được việc tăng tiền lương tối thiểu hoặc áp dụng mức tiền lương tối thiểu chung cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở Việt Nam có phải là một cách công bằng nhất để đạt được mục tiêu chính sách hay không. Do thiếu dữ liệu chi tiết nên bài nghiên cứu này không đánh giá được tác động đến những người lao động giản đơn cũng như tác động lâu dài của tiền lương tối thiểu. Vì vậy, đây có thể là một hướng nghiên cứu thú vị cho các nghiên cứu tiếp theo về tiền lương tối thiểu.

 
>> Xem chi tiết: Dong Xuan Nguyen (2021), Do Minimum Wages Increase Female Employment? Evidence from Vietnamese Manufacturing Firms, The International Trade Journal, 35(5), pp. 439-456.
________________
 

 Tác giả của bài viết:

 

TS. Nguyễn Xuân Đông tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản năm 2016.

Hiện ông là Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như Kinh tế quốc tế, Thương mại quốc tế, Kinh tế vĩ mô.

 

UEB_net


Các tin khác

<123>