Trang Nghiên cứu
 
Hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19: Nghiên cứu thực tiễn hành vi ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Dịch Covid-19 bùng phát và đã gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế quốc dân. Tuy mới chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng dịch bệnh khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.


Một nghiên cứu của giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (TS. Nguyễn Thu Hà và ThS. Hoàng Đàm Lương Thuý cùng cộng sự) đã nghiên cứu về thực tiễn hành vi ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, đã được công bố trên tạp chí: Management & Marketing, số 16, năm 2021 với nhan đề: “Towards an economic recovery after the Covid-19 pandemic: empirical study on electronic commerce adoption of small and medium enterprises in Vietnam”.

Bài nghiên cứu tập trung vào việc xác định những yếu tố ảnh hưởng và mức độ tác động của những yếu tố này đến ý định ứng dụng nền tảng thương mại điện tự dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Kết quả cho thấy khả năng tương thích về công nghệ là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất tới ý định thực hiện thương mại điện tử, xếp sau đó là năng lực quản trị và những sức ép từ môi trường bên ngoài. Về mặt ý nghĩa, nghiên cứu đã mang lại nhiều đóng góp trên cả 2 khía cạnh: lý thuyết về thương mại điện tử và hành vi ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh mới tại Việt Nam.

Những kết quả của nghiên cứu đưa ra một số hàm ý quan trọng dành cho những nhà quản lý và nhà nghiên cứu:

Đối với các nhà quản lý, thương mại điện t là một trong những phương thức đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự phát triển của mạng Internet đã làm thay đổi bản chất của nền kinh tế và hiện tại, kết nối toàn cầu trở thành điều kiện bắt buộc dành cho các doanh nghiệp khi bước vào thị trường nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, công tác ứng dụng công nghệ đang trở nên rộng rãi. Tuy nhiên, khi số lượng các doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ tăng nhanh, sự cạnh tranh về công nghệ cũng như kinh doanh ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Do đó, việc xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ là cần thiết và hiệu quả trên thị trường Việt Nam.

Các nhà quản lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có nhận thức cơ bản về một số yếu tố ảnh hưởng như: (i) Tính thương thích của công nghệ, (ii) Sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, (iii) Các áp lực bên ngoài, (iv) Sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong đó, Tính thương thích của công nghệ và sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo doanh nghiệp có mức độ tác động mạnh nhất. Cụ thể, các nhà quản lý cần có được những kỹ năng quản trị hiệu quả và năng lực thấu hiểu xem công nghệ đó có tính năng phù hợp với doanh nghiệp của mình hay không. Do đó, các nhà quản lý cần phải cập nhật những kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin một cách thường xuyên để có thể theo kịp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế cũng như mang tới cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ mà họ mong muốn.

Các nghiên cứu tiền nhiệm đã chỉ ra mối quan hệ đồng biến giữa hiểu biết của các nhà quản lý về thương mại điện tử và sự thành công của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Ghobakhloo vàTang, 2013; Mohtaramzadeh và các cộng sự, 2017). Nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải nghiêm túc đánh giá và tạo ra những chiến lược chấp nhận thương mại điện tử phù hợp, bao gồm: đầu tư hiệu quả vào thương mại điện tử, đào tạo bài bản và thúc đẩy nhân viên hoặc các khách hàng về các vấn đề công nghệ để có thể đẩy nhanh quá trình chấp nhận. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần phải có những sự cam kết với công tác ứng dụng thương mại điện tử ở cấp độ doanh nghiệp, theo chiều dọc từ quản lý đến nhân viên. Uu tiên cải thiện những yếu tố nội tại bên trong doanh nghiệp luôn được coi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công tác chấp nhận và sử dụng công nghệ hiện nay.

Đối với các nhà nghiên cứu, một vài hàm ý nhằm phát triển các nghiên cứu trong tương lai cũng được đưa ra:

Thứ nhất, nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và có thể phải chấp nhận nhưng câu trả lời mang tính định kiến về quan điểm của từng doanh nghiệp. Do đó, quan điểm này có thể bị giới hạn và quá tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận. Những nghiên cứu trong tương lai có thể dựa trên kết quả của nghiên cứu này về những quan điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với ứng dụng thương mại điện tử. Từ đó, xây dựng những nghiên cứu nâng tầm những quan điểm tiền nhiệm và mở rộng nghiên cứu những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng như: đạo đức, xu hướng thị trường hay những nguồn lực ảnh hưởng đến thị trường khác.

Thứ hai, dựa vào những tính chất riêng biệt và đặc điểm kinh doanh của từng doanh nghiệp, những phương án tiếp cận thương mại điện tử sẽ khác nhau và kết quả nghiên cứu có thể sẽ thay đổi. Điều này đặt ra tính cấp thiết của việc thực hiện những nghiên cứu mang tính vĩ mô hơn để tìm ra một hệ thống đồng bộ dành cho thương mại điện tử tại Việt Nam.

Cuối cùng, nghiên cứu được thực hiện ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Thực tế này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phải thực hiện việc bán hàng thông qua những nền tảng trực tuyến. Do đó, những nghiên cứu trong tương lại cần phải loại bỏ yếu tố dịch Covid-19 và khảo sát trong điều kiện bình thường, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh gây ảnh hưởng toàn cầu; để đảm bảo tính đại diện và mức độ tin cậy của dữ liệu nghiên cứu.

 

>> Xem bài báo: Towards an economic recovery after the Covid-19 pandemic: empirical study on electronic commerce adoption of small and medium enterprises in Vietnam. Management & Marketing, số 16, năm 2021



- Về các tác giả của bài báo:
 

TS. Nguyễn Thu Hà hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.  TS. Nguyễn Thu Hà có 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn về marketing, thực hành phát triển sản phẩm mới, quản trị chất lượng chuỗi cung ứng tại doanh nghiệp. Tác giả đã có hơn 40 công bố nghiên cứu, trong đó có 10 công trình trên các tạp chí có uy tín quốc tế như: Supply Chain Management: An International Journal, International Journal of Productivity and Quality Management, International Journal for Quality Research, Management & Marketing: Challenges for the Knowledge Society…Hướng nghiên cứu chính: Quản trị Marketing, Trải nghiệm khách hàng, Hành vi người tiêu dùng, Quản trị chất lượng dịch vụ.

 

ThS. Hoàng Đàm Lương Thuý tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị bán lẻ và Marketing, trường Đại học Bournemouth - Vương Quốc Anh. Hiện tác giả đang giảng dạy tại bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính: Quản trị Marketing, Trải nghiệm khách hàng, Hành vi người tiêu dùng, Marketing trong thời đại số.

 NCS. ThS. Nguyễn Khánh Huy hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Hướng nghiên cứu chính: Năng suất lao động, Quản trị chất lượng, Chất lượng dịch vụ trong thời đại số.

Lương Thúy


Các tin khác

<123>