Trang tin tức sự kiện
 
Ấn tượng và mong muốn

GS.TSKH Lê Văn Viện
Đưa vào chương trình đào tạo hệ thống các môn học mới và các chuyên đề về Quản trị Kinh doanh và Kinh tế Đối ngoại.


Nhận lời mời của Ban Giám hiệu Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi về nhận công tác Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị bắt đầu từ năm 1989 và kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1993. Lúc bấy giờ tôi đang giữ trách nhiệm Trưởng ban Kinh tế của Thành ủy Hà Nội nên chức Chủ nhiệm Khoa mà tôi nhận trách nhiệm chỉ là kiêm nhiệm. Toàn bộ công việc quản lý nội bộ của Khoa lúc bấy giờ đều do các đồng chí Phó Chủ nhiệm khoa cùng một số đồng chí Chủ nhiệm bộ môn đảm đương.
Từ tháng 12/1986, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, tiến trình đổi mới được diễn ra sôi động trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế. Lúc bấy giờ, Trường ĐHKT của chúng ta ngày nay có tên gọi chính thức là “Khoa Kinh tế Chính trị”có nhiệm vụ đào tạo cán bộ giảng dạy về môn học Kinh tế Chính trị và cán bộ nghiên cứu kinh tế ở tầm vĩ mô.
Đứng trước tình hình đổi mới của đất nước, một yêu cầu khách quan lúc bấy giờ đặt ra cho Khoa Kinh tế Chính trị là phải có những đổi mới mạnh mẽ cho phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Trước tình hình đó, với tư cách là Chủ nhiệm khoa, tôi đã lắng nghe ý kiến của tất cả các anh chị em giảng viên trong Khoa, cùng nhau trao đổi thẳng thắn, chân tình trên tinh thần khoa học, tìm hiểu nhu cầu về cán bộ kinh tế của xã hội, tìm hiểu chương trình đào tạo cán bộ kinh tế của một số trường đại học kinh tế trên thế giới, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Bộ Đại học và các đồng chí lãnh đạo các ban có liên quan của Trung ương Đảng để tìm hướng đi cho Khoa.
Lúc bấy giờ, sau Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12/1986 là thời kỳ bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, vì vậy việc mở ra hướng đào tạo về Quản trị Kinh doanh là đáp ứng yêu cầu đào tạo một đội ngũ những người quản lý kinh tế theo cơ chế mới, cơ chế thị trường, thực chất là bắt đầu một công việc hoàn toàn mới mẻ góp phần đào tạo đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong điều kiện mới.
Thời kỳ đó cũng là thời kỳ Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ra đời và bắt đầu có hiệu lực. Một hiện tượng rất mới mẻ là doanh nhân nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới ban hành. Tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng đào tạo một đội ngũ cán bộ có trình độ đại học về kinh tế đối ngoại. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của xã hội, Khoa Kinh tế Chính trị đồng thời mở thêm hướng đào tạo về ngành Kinh tế Đối ngoại nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đó.
Để thực hiện những định hướng đào tạo mới mẻ và quan trọng đó, đương nhiên phải biên soạn lại và biên soạn mới một loạt chương trình các môn học thể hiện được nội dung khoa học cần thiết của hai chuyên ngành nói trên. Để làm được điều đó, trước hết là nhờ vào tinh thần đổi mới, sáng tạo và vô cùng nhiệt tình của đội ngũ giảng viên trẻ. Anh chị em giảng viên đã làm mọi việc cần thiết để tự đào tạo, tự tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tự hoàn thiện mình để đáp ứng được yêu cầu rất cao trong công việc giảng dạy những môn học mới.
Được sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo Nhà trường và sự động viên của các cơ quan quản lý cấp trên, tập thể anh chị em giảng viên của Khoa Kinh tế Chính trị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nói trên.
Đa dạng hóa hình thức đào tạo
Trong xã hội lúc bấy giờ một không khí đổi mới tư duy kinh tế vô cùng sôi động đã bao trùm khắp mọi nơi. Các cán bộ làm công tác quản lý kinh tế ở các địa phương đang khao khát những kiến thức mới về quản trị kinh doanh theo cơ chế thị trường, về kinh tế quốc tế, về xuất nhập khẩu, về đầu tư nước ngoài, về hội nhập quốc tế…
Khoa Kinh tế Chính trị đã nhạy bén bắt kịp nhu cầu chính đáng, cấp thiết của xã hội khi mở thêm hệ đào tạo mở rộng và tại chức ở Hà Nội và một số ngành, địa phương. Ngoài ra, Khoa còn mở các lớp ngắn hạn nhằm bồi dưỡng kiến thức cho nhiều cán bộ đang công tác. Việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo đã đem lại kết quả nhiều mặt: một là, các thầy cô giáo có điều kiện được phục vụ kịp thời, truyền bá những kiến thức của mình cho các cán bộ đang làm công tác thực tế; hai là, có điều kiện để liên hệ với công tác thực tế ở địa phương nhằm bổ sung cho kiến thức thực hành của mình.
Trong những năm qua, Trường ĐHKT đã lớn mạnh vượt bậc và đang là một địa chỉ đáng tin cậy của sinh viên và các bậc phụ huynh. Ngày nay, được trở thành sinh viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN là mong muốn của nhiều người.
Trong điều kiện hiện nay, khi xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế đã trở thành một thực tế không thể đảo ngược, thì việc hội nhập với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đã trở thành điều tất yếu. Chúng ta chỉ có thể hội nhập khi chất lượng sinh viên tốt nghiệp của chúng ta không thua kém các nước khu vực và quốc tế.
Có rất nhiều việc cần phải làm trong quá trình phấn đấu để đạt tới mục tiêu mà một trong những việc chúng ta có thể làm ngay là “liên kết” với các trường đại học ở các nước phát triển trong lĩnh vực đào tạo rút ngắn được thời gian tìm hiểu để xây dựng chương trình mới, áp dụng phương pháp dạy và học mới theo xu hướng gắn lý thuyết với thực hành, phát huy tính độc lập suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo của sinh viên. Đó là xu hướng giáo dục và đào tạo mà cả thế giới đang hướng tới.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của Trường ĐHKT, tôi xin chân thành kính chúc tất cả các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên và các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Kính chúc tập thể Nhà trường chúng ta cùng toàn thể các gia đình sức khỏe và hạnh phúc.
GS.TSKH Lê Văn Viện
Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị giai đoạn 1989-1993

(Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)