Trang tin tức sự kiện
 
Tiếp lửa truyền thống cho sinh viên!

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, Khóa 1
Đối với GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, những ký ức về Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN là những kỷ niệm không bao giờ quên. Bởi đó là nơi ông bắt đầu niềm say mê với ngành học đã chọn, được trưởng thành nhờ sự dạy dỗ của những người thầy tài năng và tâm huyết, là điểm khởi đầu cho sự nghiệp khoa học và quản lý thành công của ông sau này.


Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông trăn trở: “Chúng ta phải làm thế nào để truyền cho sinh viên ngọn lửa nhiệt tình với khoa học, với cuộc sống, khắc sâu được niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Trường trong các thế hệ sinh viên, khơi dậy ở các em tinh thần trách nhiệm với việc học tập và lý tưởng cống hiến cho xã hội”.
Sự khởi đầu tình cờ
Có lẽ những trăn trở đó bắt nguồn từ câu chuyện của chính ông khi là sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN. Là học sinh lớp chuyên của Trường THPT Phan Bội Châu, ban đầu ông có chút băn khoăn lo lắng khi được tuyển vào Khoa Kinh tế Chính trị - không phải ngành học mà mình yêu thích. Một trong những lý do khiến ông quyết định ở lại chính là do đến muộn buổi khai giảng và không được nghe bài phát biểu của GS. Trần Phương - một nhà khoa học nổi tiếng mà ông và nhiều sinh viên rất ngưỡng mộ. Ông đã quyết tâm theo học ngành này để được gặp lại và trở thành học trò của thầy Trần Phương.
Tình yêu đối với ngành Kinh tế Chính trị đã dần đến qua những câu chuyện và bài giảng của người thầy ấy. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng tâm sự: “Trong câu chuyện của thầy Phương, thầy đã gợi mở và thổi bùng khát vọng tuổi trẻ của chúng tôi, chỉ cho chúng tôi thấy tầm quan trọng và hướng đi của ngành Kinh tế Chính trị, đó là đào tạo tham mưu về chính sách, hướng đến những gì lớn lao, vĩ mô. Thầy Phương thực sự là người truyền lửa cho sinh viên trong những ngày đầu ấy. Chính tâm huyết và tình yêu với khoa học mà GS. Trần Phương truyền lại đã khiến Khoa Kinh tế Chính trị trở thành tập thể có tinh thần học tập, nghiên cứu cao nhất trường. Lớp thành lập các tổ nghiên cứu khoa học, tranh luận sôi nổi, say mê, thậm chí gay gắt về bộ “Tư bản” của C. Mác, tranh luận các vấn đề “người lao động làm thuê, lần mò vết tích giá trị thặng dư…”
Nhớ lại ngày học ở Khoa Kinh tế Chính trị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thời của ông, sinh viên năm thứ 2 đã được đi thực tập, tham quan thực tế và có thầy cô ở viện nghiên cứu đi cùng để hướng dẫn. Nhưng sinh viên phần lớn vẫn phải tự mày mò, tự tìm hiểu, nghiên cứu để có những phát hiện mới. Các thầy như GS. Trần Phương, GS. Đào Văn Tập dành nhiều ưu tiên cho sinh viên, luôn cố gắng chăm sóc, hỗ trợ sinh viên từ chỗ ăn ở cho đến các điều kiện học tập.
Ông nói: “Nhờ sự tạo điều kiện đó, sinh viên từ rất sớm đã yêu thích việc nghiên cứu. Thậm chí, từ năm thứ 2, các sinh viên đã có bài báo đăng trên tạp chí Kinh tế, tạp chí Thương mại, tập san Thương mại - một mơ ước ngay cả đối với giảng viên lúc bấy giờ. Nhiều người cho rằng thành tích đó có được là do thầy Phương đã quá “ưu ái” sinh viên. Nhưng tôi và các bạn thì không nghĩ vậy. Đó là kết quả của thực tế nghiên cứu mà chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức thực hiện, được uốn nắn, rèn giũa từng chút một cộng với sự động viên lớn từ chính các thầy. Và quan trọng hơn tất cả, chúng tôi đã thực sự được truyền “lửa” từ chính những người thầy như GS. Trần Phương và cố GS. Đào Văn Tập.”
Cho đến giờ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng không bao giờ quên những kỷ niệm và bài học quý giá ấy và đó cũng là lý do khiến ông không ngừng yêu mến, gắn bó với Khoa Kinh tế Chính trị và sau này là Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Nhân duyên Trường - Viện
Khoa Kinh tế Chính trị xây dựng được vị trí và uy tín lớn trong hệ thống giáo dục của đất nước trước hết là nhờ uy tín và tài năng của những nhà khoa học và quản lý hàng đầu như GS. Trần Phương. Ông là Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Ủy ban KHXHVN (nay là Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện KHXHVN), đồng thời kiêm nhiệm là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Kinh tế Chính trị.
Cố GS. Đào Văn Tập, lúc bấy giờ là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế kiêm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa. Sau này, đến năm 1978, cố GS. Đào Văn Tập, khi đó là Viện trưởng Viện Kinh tế thay GS. Trần Phương giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị.
Trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ mà Ban Khoa giáo Trung ương giao cho Khoa Kinh tế Chính trị là từng bước khắc phục những khó khăn của đơn vị mới thành lập, nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trong Trường ĐHTHHN nói riêng, trong hệ thống đào tạo đại học của Việt Nam nói chung. Lãnh đạo của Khoa xác định, việc đầu tiên cần làm là phải xây dựng ngay một đội ngũ cán bộ tốt về phẩm chất, giỏi về chuyên môn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, 5 cán bộ của Viện Kinh tế được lựa chọn kiêm nhiệm và 3 cán bộ trong biên chế của Trường ĐHTHHN đã bắt tay vào xây dựng nên Khoa Kinh tế Chính trị.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn này được xác định là: tập trung hoàn thành các chương trình môn học và biên soạn tập bài giảng, đồng thời tham gia nghiên cứu các đề tài của Viện Kinh tế, Trường ĐHTHHN và của các địa phương. Ngay trong thời kỳ đầu, những mầm mống đầu tiên của quan hệ hợp tác giữa Khoa với Viện được hình thành và nhanh chóng tiến đến những hoạt động hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả cao.
Chính nhờ nền móng này mà tất cả các giai đoạn về sau, đặc biệt khi Trường ĐHKT chính thức được thành lập, sự phối hợp giữa hai bên càng trở nên hiệu quả và chất lượng hơn. Trường ĐHKT cũng đã đưa hoạt động hợp tác này trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường, ghi rõ trong các văn bản chính thức: “Đổi mới và nâng cao căn bản chất lượng của các quan hệ hợp tác trong nước, đặc biệt là với Viện Kinh tế thuộc Viện KHXHVN, các trường đại học kinh tế lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp...
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Trường ĐHKT ngày nay và Viện KHXHVN có sự gắn bó mật thiết. Điều đáng nói trước tiên phải là sự phối hợp, gắn kết giữa Nhà trường và Viện qua các chương trình đào tạo có tính đến các vấn đề của Viện. Tiếp nữa là trong đội ngũ nhân sự của Nhà trường có rất nhiều thầy cô từng công tác ở Viện. Ngoài ra, sự trao đổi về nghiên cứu khoa học, hợp tác trong các chương trình kinh tế, hội thảo... vẫn diễn ra thường xuyên.

Kể lại ngọn nguồn lịch sử như vậy để hiểu hơn mối quan hệ khăng khít và mật thiết giữa Viện KHXHVN và Trường ĐHKT ngày nay. Cả một chặng đường dài từ năm 1974 đến nay, từng thế hệ lãnh đạo đã vun đắp nhân lực, trí lực cho sự phát triển của Khoa để rồi Khoa trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục nói chung và của Nhà trường nói riêng. Cho đến giờ nhìn lại, khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Trường ĐHKT ngày nay, tôi cảm thấy công sức của các thế hệ đi trước đang được đền đáp xứng đáng”.
Tiếp lửa truyền thống
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Trường ĐHKT hiện là một trong số ít các đại học có thể tham gia tư vấn chính sách của Nhà nước. Trên thực tế, không có quá hai trường trong cả nước có thể làm được việc này. Hiện nhiều trường cùng ngành đang không gắn đào tạo với nghiên cứu nên khó có thể tạo được mối quan hệ với các viện hay tham gia tư vấn cho Nhà nước. Do đó, định hướng phát triển thành một đại học nghiên cứu vươn lên tầm quốc tế là một chủ trương đúng đắn của Nhà trường trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Tôi xin lưu ý, điều quan trọng của các thầy cô chính là làm thế nào để truyền “lửa” cho sinh viên. Có vậy những định hướng của Nhà trường mới thực sự phát huy được tác dụng.”
Sinh viên ngày nay đang có quá nhiều lựa chọn, giống như truyền hình có nhiều game-show vậy. Khó có thể trách họ bởi họ có quá ít thời gian. Nhưng chính vì ít thời gian nên càng phải dành sức và tập trung cho học tập. Mỗi sinh viên phải thực sự tích lũy, nhặt nhạnh để vun cho mình một lượng tri thức lớn nhất có thể. Và chính các giảng viên của Trường ĐHKT chứ không phải ai khác, cần phải tạo động lực cho các em để hướng các em đến với định hướng nghiên cứu của Nhà trường.
Ông chia sẻ: “Không biết tôi có cũ quá không khi cho rằng, việc ghi chép bài trên lớp sẽ tốt hơn cho sinh viên. Tôi không phủ nhận những mặt tích cực của Internet, máy tính... Nó giúp mọi người tiếp cận được với kho tàng tri thức nhân loại. Nhưng nếu không biết sử dụng, ỷ lại vào nó thì bạn sẽ khó giữ lại được gì trong trí óc của mình. Tôi cho rằng, mỗi sinh viên hãy tạo cho mình thói quen ghi chép.”
Kết thúc buổi trò chuyện, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nói: “Hiện nay, tôi rất mừng vì Nhà trường có những cán bộ trẻ như anh Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế. Nhà trường cần những con người có khả năng tư vấn mềm cho Chính phủ để làm nòng cốt, từ đó phát triển mạnh hơn nữa. Theo tôi, Nhà trường hãy mạnh dạn đầu tư, tuyển dụng những người giỏi và không ngừng khích lệ cho sinh viên vì chính họ sẽ là những người có thể làm rạng danh Nhà trường trong tương lai.”

Xem bản in tại đây>>>

Cao Mạnh Tuấn (Thực hiện)

Trích Kỷ yếu 5 năm thành lập Trường ĐHKT