Trang tin tức sự kiện
 
Xây dựng mô hình ĐHKT như một hệ sinh thái - Chúng ta đang ở đâu?

Vậy là tôi đã kết thúc chặng đường đại học 4 năm tại ngôi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hòa chung vào niềm vui của lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trường, là một cựu sinh viên của trường, đây là một cơ hội cho tôi có thể giãi bày đôi dòng tâm sự và sự tâm huyết của cá nhân đối với sự phát triển của ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng và nền giáo dục quốc gia nói chung.


Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm khai giảng năm học đầu tiên (2007) khi thầy Phùng Xuân Nhạ (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKT) phát biểu rằng: “Trường của chúng ta là một trường trẻ. Tôi nói trẻ ở đây là trẻ từ Hiệu trưởng trẻ xuống”. Câu nói có chút hài hước nhưng ẩn chứa một thông điệp sâu sắc rằng những gì trẻ thường có tốc độ tăng trưởng và đổi mới tốt hơn, một cây non chắc chắn lớn nhanh hơn một cây già, và nền kinh tế của các nước mới nổi thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với những nền kinh tế đã phát triển.
Trong lễ khai giảng năm 2009, cô Đỗ Vũ Phương Anh, một giảng viên kiêm nhiệm của trường đã chia sẻ: “Các em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ! Sáng nay, trời đã bước vào thu. Mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội và các em cũng đang đi qua những mùa thu đẹp nhất của đời mình”. Quả thực trường đại học 4 năm đối với chặng đường của một con người không phải là dài nhưng nó đã để lại những dấu ấn thực sự quan trọng.
Nhắc đến những khoảng khắc và những lời chia sẻ tâm huyết ấy lại khiến tôi thấm thía được ý nghĩa và giá trị của chặng đường đại học. Trong suốt 4 năm, khi thường xuyên có trao đổi với các giảng viên và lãnh đạo trong trường về định hướng phát triển của khoa và trường nói chung, tôi xin có đôi dòng chia sẻ về ý tưởng mô hình phát triển đại học như một hệ sinh thái mở của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Sự thực thì các nền kinh tế lớn mạnh, các trường đại học, các tập đoàn… không phải là tồn tại mãi mãi ở vị trí đỉnh cao. Đế chế Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ một thời lừng lẫy bây giờ chỉ còn là “vang bóng một thời”. Nói không xa như thành phố Hội An của Việt Nam đã từng là một mắt xích trong con đường tơ lụa thật sầm uất nhất Đông Nam Á, bây giờ cũng chỉ còn như hoài niệm của lịch sử. Sự sụp đổ của Wordlcom, Enron, Deawoo, Lehman Brother cũng để lại nhiều bài học cho cái gọi là “quá lớn để sụp đổ”. Sự lên xuống thứ bậc của các trường đại học cả Việt Nam và thế giới cũng có thể xem như một tín hiệu tốt như một quá trình thanh lọc và phát triển…
Bài viết này không đề cập và tiếp cận đến các vấn đề vĩ mô mà chỉ xin nêu ra một ý tưởng của việc phát triển của một trường đại học như một “hệ sinh thái”.
Hệ sinh thái là gì? Theo tôi, nó là một cơ chế cho phép các thực thể tham gia vào nó không chỉ có môi trường phát huy tốt nhất mà nó còn phát triển cân đối hài hòa với các thực thể khác. Nó tạo sự đấu tranh, tương hỗ, thanh lọc không ngừng để đưa hệ đến những nấc thang phát triển cao hơn.
Vì sao Microsoft Windows ra đời lại có sức mạnh to lớn đến vậy (có thể thay đổi cách thức con người giao tiếp và làm việc trên thế giới)? Theo tôi một lý do quan trọng cho thành công này chính là do Windows đã tạo dựng nên một “hệ sinh thái” trên các máy tính cá nhân. Theo đó các nhà phát triển phần mềm dựa trên nền tảng Windows mà viết các phần mềm chạy trên đó. Windows trở nên quyền lực vì sự phát triển của nó không chỉ tự thân (theo kiểu tăng trưởng sinh học) mà còn được hàng triệu các lập trình viên từ các công ty khác nhau ngày đêm viết các phần mềm chạy trên nền tảng này. Do đó có sự tăng trưởng theo kiểu cơ học (tăng lên theo cấp số nhân hoặc thậm chí là cấp số mũ) và trở thành nền tảng chưa thể thay thế suốt từ khi ra đời (1985), nhờ nó đã tận dụng được sức mạnh và nguồn lực của toàn xã hội (ít nhất là ngành IT) cho sự phát triển của nó.
Một ví dụ về một hệ sinh thái khác là iTunes và App Store của hãng Apple. iTunes ra đời đã làm triệt tiêu thị trường băng đĩa nhạc, mở ra công nghiệp âm nhạc trực tuyến. Còn App Store đã định nghĩa lại quan niệm về điện thoại thông minh cùng với sự ra đời của Iphone vì App Store cho phép người dùng truy cập vào hàng trăm nghìn ứng dụng rất đa dạng và không hạn chế của App Store. Theo đó chiếc điện thoại có cấu hính phần cứng như nhau mà có những ứng dụng khác nhau tùy biến theo như cầu người dùng, và nó tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn kĩ sư phát triển ứng dụng phù hợp với các đối tượng khác nhau. Đó chính là một hệ sinh thái mở và thật tuyệt vời.
Facebook là một hệ sinh thái mạnh nhất những năm gần đây nhờ việc nó xây dựng được một cơ chế tương tác của email, blog, chat… và cho phép mọi người kết nối đơn giản và không giới hạn. Nó cũng cho phép cài hàng ngàn các các ứng dụng chạy trên nền tảng Facebook (game, music…) mà những ứng dụng này không trực tiếp được phát triển bởi Facebook mà bởi rất nhiều các công ty phát triển phần mềm khác. Nhờ vào những đặc điểm này mà trong khi có nhiều công nghệ (nền nảng) mất đi nhưng những hệ sinh thái này vẫn tồn tại và phát triển mạnh (tất nhiên cũng không là mãi mãi nhưng ít nhất không bị lỗi thời trong giai đoạn dài).
Còn rất nhiều các nền tảng hệ sinh thái khác trong công nghệ thông tin như Wikipedia, Wordpress, Firefox, Android, Google Search Engine, Điện toán đám mây… Tuy nhiên bài viết này không phải là phân tích về công nghệ mà vì tất cả chúng ta không ai không dùng máy tính nên tôi tiếp cận dưới góc nhìn ICT để hình dung về một hệ sinh thái.
Hệ sinh thái - nơi mà tài nguyên của bạn trở thành vô hạn khi bạn chỉ cần xây dựng một cơ chế, một nền tảng để tận dụng nguồn lực của toàn xã hội. Cơ chế này cho phép các thực thể tham gia vào nó tùy biến theo nhu cầu cá biệt và đáp ứng nhu cầu rất linh động và công bằng.
Vậy tại sao một trường đại học lại cần một mô hình phát triển như một hệ sinh thái? Tôi chỉ ra ít nhất 5 lý do sau:
Các đối tượng tham gia vào một trường đại học (theo nghĩa hiện đại) là rất đa dạng: từ sinh viên, cao học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, chuyên gia, doanh nghiệp và doanh nhân… Do vậy các đối tượng trong một hệ sinh thái cần một sự tương tác mạnh mẽ hơn nhằm trao đổi và tận dụng nguồn lực (tài nguyên dư thừa) một cách tốt nhất. Cá nhân tôi cho rằng độ kết dính của các đối tượng này trong trường đại học ở Việt Nam là chưa cao. Đơn cử như nguyện vọng của sinh viên chưa được nhà trường quan tâm hoặc thấu hiểu đúng mức, trong khi các sinh viên cũng ít ai biết được tầm nhìn mà nhà trường định hướng cho tổ chức của mình. Các lực lượng tham gia vào hệ thống của một trường đại học tuy có đa dạng nhưng vẫn có những điểm chung nhất định có thể tương tác để bổ sung cho nhau, vì vậy hệ thống trong trường đại học cần có một môi trường ưu đãi cho cơ chế tương tác đó.
Nếu nhìn nhận một trường đại học như một thực thể sống với các sản phẩm là kiến thức (phi vật chất) thì những kiến thức này luôn luôn thay đổi. Những gì một giảng viên nào đó truyền đại trong ngày hôm nay chưa chắc đã đúng trong ngày mai và có thể càng không đúng cho ngày kia bởi thành công trong quá khứ cũng có những mặt trái. Nó làm ta tưởng rằng cách làm trong quá khứ cũng thích hợp với tương lai, nhưng thế giới là động - luôn luôn thay đổi. Các trường đại học chỉ dạy cho sinh viên tư duy hệ thống và óc phân tích (những điều dĩ bất biến) để ứng phó với những biến độ không ngừng của thời cuộc (ứng vạn biến). Do vậy, nó cần một cơ chế phát triển tương đối linh động như một hệ sinh thái để đáp ứng nhu cầu thay đổi (thay máu) liên tục trong nội tại bản thân nó.
Các đối tượng tham gia vào trường đại học ngày càng tham gia vào nhiều hệ sinh thái con khác, do vậy, nó cần một cơ chế tương tác cao hơn. Các sinh viên không chỉ học mà trải nghiệm nhiều trong các hoạt động xã hội hoặc thực tế tại doanh nghiệp. Các giảng viên không chỉ giảng dạy đơn thuần mà làm nhiều trong khối doanh nghiệp, các dự án ngoài đại học… Việc này giúp hệ sinh thái trở nên đa dạng hơn và là một đặc điểm của giáo dục hiện đại nhưng cũng đặt ra một thách thức không nhỏ trong việc tạo dựng một hệ sinh thái có cơ chế để hấp thụ được các tài nguyên đó và kết hợp trong một sức mạnh có định hướng.
Cơ chế của một hệ sinh thái cho phép các thực thể tham gia vào nó có sự tự do tương đối (trong tư duy và hành động). Sự tự do là điều kiện quan trọng cho phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt trong giáo dục thì tự do lại là yếu tố đặt lên hàng đầu để tri thức có thể sáng tạo và lan tỏa được.
Khi được sự tham gia đông đảo và đa dạng bởi nhiều thành phần đối tượng, tự bản thân hệ thống (hệ sinh thái) sẽ chạy và quan trọng nó được sự thừa nhận rộng rãi và đóng góp mở của các lực lượng liên quan, thậm chí nó có thể vươn đến hấp thụ được các tài nguyên dư thừa trong xã hội (tài nguyên tri thức).
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để xây dựng được một hệ sinh thái đúng nghĩa? Theo tôi có 3 vấn đề cốt yếu đó là: Con người - giá trị cá nhân, Lãnh đạoVăn hóa tổ chức.
Thứ nhất, hệ sinh thái của một trường đại học có thể rất khác so với hệ sinh thái trong công nghệ vì cốt yếu của một trường đại học là con người và tri thức, trong đó con người luôn theo đuổi những giá trị khác nhau, nó có tâm tư, tình cảm và đôi khi là cả những yếu tố mà khoa học công nghệ không bao quát hết được. Do vậy nó cần được đối xử và vận hành một cách rất “nhân bản” tức là dựa trên chính những nhu cầu và giá trị mà các cá nhân muốn hướng tới. Đây là một thách thức lớn đối khi hệ sinh thái có thể bồi đắp và phát triển được các giá trị rất đa dạng và thậm chí là rất khó nắm bắt của các thực thể trong hệ.
Thứ hai là yếu tố lãnh đạo. Trong hệ sinh thái này thì con người là quan trọng nhất và dẫn dắt trước hết phải là những lãnh đạo xuất sắc. Bởi trong một hệ sinh thái, mọi thứ trở nên rất mở và đặt ra những yêu cầu cao trong lãnh đạo và quản lý, có xu hướng chuyển từ tập quyền sang phân quyền, từ chỉ đạo sang chia sẻ.
Thứ ba là yếu tố văn hóa. Nếu như các hệ sinh thái khác chú trọng đến xây dựng hạ tầng thì hệ sinh thái đại học lại chú trọng đến yếu tố văn hóa như là linh hồn của tổ chức. Một văn hóa dựa trên sự chia sẻ, gắn kết và cộng hưởng, nó đề cao giá trị con người và môi trường tự do, bình đẳng. Khi hệ sinh thái đạt đến trình độ phát triển cao thì chính văn hóa mạnh của tổ chức mới là sản phẩm cuối cùng giúp hệ duy trì và phát triển.
Lấy ví dụ đơn giản cho việc hình thành hệ sinh thái như việc ĐHKT - ĐHQGHN thành lập những trung tâm như CFIS, VEPR, CEDS, CITE, CIMS… cũng là dấu hiệu của mầm mống cho một hệ sinh thái. Những tổ chức này như những đơn vị sự nghiệp có thu, với chức năng, tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập và con dấu riêng nhưng sự phát triển của nó vẫn nhắm vào một tầm nhìn chung của ĐHKT - ĐHQGHN.
Một ví dụ đơn giản như việc tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập trường ĐHKT - ĐHQGHN với những hoạt động như cuộc thi này đã tạo cơ hội cho một cựu sinh viên như tôi đóng góp những suy nghĩ và tâm huyết của mình đối với sự phát triển của trường. Đây là một trong những hoạt động tốt cho việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái khi nó có thể tạo ra môi trường mở cho mọi người cùng tham gia xây dựng chính hệ sinh thái đó. Đôi khi những giải pháp này có thể đơn giản nhưng lại tỏ ra hiệu quả vì nó tạo hiệu ứng marketing lan truyền và quan trọng tạo nên “cơ chế phát triển mở” để phát huy nguồn lực.
Kết luận
Một hệ sinh thái không phải là một phép cộng đơn thuần mà nó phải tạo ra những giá trị cộng hưởng vượt bậc. Nó tối ưu các nguồn lực và không gò bó trong một giới hạn nào. Nó tạo môi trường để phát huy sáng tạo cá nhân và hướng những giá trị đó tới một tầm nhìn chung của tổ chức - một nền tảng linh động mà bền vững.
Trường ĐHKT - ĐHQGHN những năm gần đây đã và đang có sự đổi mới sâu sắc, đặc biệt là chương trình chuẩn đầu ra và xây dựng văn hóa cộng đồng là một trong những hoạt động góp phần xây dựng một hệ sinh thái trong tương lai không xa.
Là một cựu sinh viên có nhiều trăn trở với sự phát triển của nhà trường, tôi rất kỳ vọng rằng với những nỗ lực của lãnh đạo, giảng viên và sinh viên ĐHKT - ĐHQGH, trường của chúng ta sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt là chú trọng đến môi trường và cơ chế phát huy dân chủ, năng động để bồi đắp những sáng tạo và giá trị của từng cá nhân cũng như tạo sức mạnh tổng hợp của cả tổ chức.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành, lời tri ân sâu sắc tới lãnh đạo và giảng viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Trên con đường tri thức và xây dựng sự nghiệp của mình, tôi vẫn sẽ luôn trân trọng và biết ơn ĐHKT - ĐHQGHN đã cho tôi những hành trang quý báu và bổ ích. Là sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tôi luôn ý thức sâu sắc rằng, chặng đường phía trước còn dài và còn rất nhiều việc phải làm, tất cả mới chỉ là bắt đầu của mọi cái bắt đầu và khi cánh của này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập trường, tôi xin chúc cho Trường ĐHKT - ĐHQGHN sẽ có những thành tựu và sự phát triển to lớn hơn nữa trên chặng đường mới.

Bùi Gia Tuân (Cựu sinh viên QH-2007-E QTKD) Giải Nhì cuộc thi viết "Trường Đại học Kinh tế và tôi"