Trang tin tức sự kiện
 
Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế khảo sát sâu tại Tây Ninh

Đoàn làm việc tại khu công nghiệp TMTC
Từ ngày 9/1 đến 13/1/2018, Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN do TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại địa bàn tỉnh Tây Ninh để thu thập dữ liệu cho việc thực hiện đề tài cấp Nhà nước liên quan tới việc xây dựng và phát triển khu kinh tế qua biên giới.


Hoạt động này nằm trong khuôn khổ đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội” (KX.01/16-20). Đề tài do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm.

Thành phần đoàn công tác gồm có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển cùng với các thành viên nhóm nghiên cứu.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh

Trong chuyến công tác, Nhóm Nghiên cứu đã có buổi làm việc với Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh. Nội dung làm việc tập trung vào việc thảo luận và điều tra khảo sát về: (i) nhu cầu, thực trạng và các điều kiện hình thành khu kinh tế qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh; (ii) những khó khăn, thuận lợi mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh, thương mại và đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như (iii) đề xuất, kiến nghị về mô hình và lộ trình thực hiện xây dựng khu kinh tế qua biên giới tại địa phương.

Thời gian qua, Tây Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài tốt. Năm 2017, Tây Ninh thu hút đầu tư nước ngoài gần 1 tỉ USD và hiện đang đứng thứ 15 trong cả nước so với cả tỉnh, thành trong nước về lượng vốn thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế và chuẩn bị có cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Tân Nam, ngoài ra còn có nhiều cửa khẩu chính và phụ khác.

 

Buổi làm việc giữa nhóm nghiên cứu và UBND tỉnh và các cơ quan ban, ngành tỉnh Tây Ninh

 

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đoàn công tác Trường ĐH Kinh tế

Tại buổi làm việc, nhóm nghiên cứu đã đặt các câu hỏi về chủ trương phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, đánh giá tình hình hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu, tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá, thương mại giữa Tây Ninh và Campuchia, đồng thời xem xét và thảo luận về từng điện hình thành khu kinh tế qua biên giới. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số tư vấn chính sách cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong việc xác định ngành mục tiêu và hướng phát triển chiến lược.

Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác cũng có cơ hội đi thực tế và làm việc với Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, cửa khẩu BaVet, Khu công nghiệp TMTC, cũng như phỏng vấn các doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh để đánh giá tiềm năng và tính khả thi của việc hình thành Khu kinh tế qua biên giới. Tại các điểm khảo sát, đoàn công tác đã tìm hiểu thực trạng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Tây Ninh, xem xét nhu cầu của các đối tượng liên quan, cũng như đánh giá các điều kiện hình thành khu kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

 

Đoàn nghiên cứu làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Tây Ninh

 

Trao đổi, thảo luận với Ban Quản lý Khu công nghiệp TMTC

 

 

Làm việc với Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Xa Mát

Thông qua hoạt động điều tra khảo sát và phỏng vấn sâu đoàn công tác đã thu thập được rất nhiều tư liệu, ý kiến quý báu từ các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp. Đây là điều kiện quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt đề tài "Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các Khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam”; từ đó đưa ra những tham vấn có tính khoa học, khách quan và có tính thực tiễn cao cho Chính phủ trong việc lựa chọn thí điểm xây dựng và phát triển khu kinh tế qua biên giới tại Việt Nam.


Thanh Mai (KT&KDQT)