Trang tin tức sự kiện
 
TPP - Điều gì ở phía trước?

Các đại biểu tham gia tọa đàm
Đó là chủ đề tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Công ty Cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (gọi tắt là IDT) và Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tổ chức APEX phối hợp tổ chức sáng ngày 25/2/2014.


Tham dự buổi tọa đàm có: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT- ĐHQGHN, TS. Nguyễn Trúc Lê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT- ĐHQGHN, ông Phạm Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT), ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tổ chức APEX, cùng các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp… quan tâm đến vấn đề này.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đại diện ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay. TPP sẽ tạo ra sân chơi với đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Sau nhiều phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên không chính thức, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 3, các nội dung đàm phán trong TPP được dự đoán sẽ không chỉ giới hạn trong các nội dung về tự do hóa thương mại mà còn mở rộng tới nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội khác.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu khai mạc tọa đàm


TPP được đánh giá là cơ hội lớn để phát triển kinh tế, thương mại cho mọi quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, TPP cũng đem đến cho Việt Nam không ít các thách thức. Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi và chia sẻ các quan điểm xung quanh hiệp định này.
Tọa đàm diễn ra gồm 2 phần, phần 1 với chủ đề “TPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT (Trường ĐHKT) chủ trì, cùng các chuyên gia TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Trịnh Minh Anh - Phó vụ trưởng phụ trách Văn phòng UBQG về HTKTQT, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV.
Trong phần này, các chuyên gia đều cho rằng TPP là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại, hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy các nước cải cách thể chế.

Tại phiên 1 của tọa đàm. Từ phải qua: TS. Trịnh Minh Anh, TS. Võ Thí Thành, PGS.TS Hà Văn Hội, TS. Cấn Văn Lực

TPP được đánh giá là hiệp định mẫu mực cho thế kỷ XXI, không chỉ vì nó là hiệp định lớn mà còn ở tầm vóc và sức ảnh hưởng của nó. Một số nội dung đàm phán nổi bật, nhạy cảm khi tham gia TPP là: thương mại hàng hóa, vấn đề đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, công đoàn, các rào cản kỹ thuật (Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại - TBT, Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật - SPS), chống tham nhũng, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác.
Phần 2 của tọa đàm - “TPP và quyền sở hữu trí tuệ” với sự tham gia của TS. Đỗ Khắc Chiến - chuyên gia sở hữu trí tuệ, ông Phạm Thành Long - luật sư và là Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm, TS. Nam Phạm - giáo sư kinh tế của ĐH Washington DC, Hoa Kỳ.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn luôn là lĩnh vực đàm phán quan trọng và gây nhiều tranh cãi. Yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo hộ ở mức cao hơn Hiệp định Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ TRIPS trước đây càng khiến các nhà đàm phán Việt Nam phải đau đầu với bài toán hài hòa lợi ích các bên.

Tại phiên 2 tọa đàm. Từ phải qua: TS. Nam Phạm, TS. Đỗ Khắc Chiến, ông Phạm Thành Long, PGS.TS Hà Văn Hội

Sau 3 giờ diễn ra với nhiều ý kiến và câu hỏi được trao đổi, tọa đàm “TPP - Điều gì ở phía trước” đã kết thúc thành công. Tổng kết tọa đàm, PGS.TS. Hà Văn Hội nhấn mạnh:
TPP có thể coi là Hiệp định của thế kỷ 21 với nội dung cam kết rộng, tự do hóa toàn diện trong đó nổi bật là cắt giảm thuế quan gần như toàn bộ trong thương mại hàng hóa, kèm theo các điều kiện xuất xứ hàng hóa chặt chẽ. Tiếp đó là việc đầu tư dựa trên nguyên tắc tiếp cận mở, đồng thời mở ra khả năng cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và chính phủ của các quốc gia tham gia TPP,… Điều này mở ra những cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam:
Về cơ hội, thứ nhất, với việc gia nhập TPP, thuận lợi dễ nhận thấy nhất là chúng ta sẽ có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư… giữa các quốc gia thành viên trong hiệp định này. Hầu hết các quốc gia thành viên đều là những quốc gia phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao, việc tham gia TPP sẽ là điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép, quần áo hay các thiết bị điện…
Thứ hai, khi Việt Nam trở thành thành viên trong Hiệp định TPP sẽ tác động khả năng thương mại của Việt Nam đối với các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác khác. Điều này sẽ làm gia tăng các dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khả năng hiện đại hóa và nâng cấp các lĩnh vực dịch vụ.
Thứ ba, tham gia TPP hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản… là những quốc gia có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới.  
Thứ tư, trong điều kiện Việt Nam đang hoàn hiện cơ chế kinh tế thị trường thì việc tham gia vào Hiệp định TPP sẽ là cú hích quan trọng để Việt Nam cải cách thể chế và thị trường nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.  

Các phiên tọa đàm nhận được rất nhiều câu hỏi từ đại biểu tham dự


Tuy nhiên, bên cạnh như cơ hội mới do TPP mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất, khi tham gia Hiệp định TPP bắt buộc các thành viên phải cắt giảm thuế, hầu hết các mặt hàng có mức thuế bằng không và do vậy các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong TPP sẽ tạo ra những rào cản kỹ thuật (kể cả lao động và môi trường), quyền lợi của nhà đầu tư…. mặc dù TPP rất hấp dẫn nhưng không phải dễ dàng để đạt được.  
Thứ ba, quyền Sở hữu trí tuệ trong TPP đề cập tới tất cả các nội dung như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nguồn gen và tri thức truyền thống.... Có thể nói, những quy định của TPP về SHTT cao hơn, chế tài khắc nghiệt hơn hẳn so với các hiệp định trước đây, tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Ông Phạm Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty IDT phát biểu bế mạc tọa đàm


Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên

Để đón bắt và tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, theo ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần: (1) Xây dựng kế hoạch, chủ động tìm hiểu thị trường, đặc biệt với Hoa Kỳ, đối tác quan trọng nhất đối với Việt Nam trong TPP, đó là hướng để tận dụng lợi ích từ TPP; (2) Chủ động xây dựng năng lực, vì trong quá trình xây dựng TPP có một ý tưởng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, trong chuỗi cung ứng toàn cầu; (3) Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với đoàn đàm phán để tăng hiệu quả đàm phàn, phản ánh đúng nhất lợi ích của doanh nghiệp. 

Đại diện Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả
Trong bài phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Phạm Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty IDT cho biết, đây là chương trình đầu tiên trong một chuỗi các sự kiện mà IDT và Trường ĐHKT sẽ phối hợp tổ chức về các vấn đề liên quan đến TPP.
Dự kiến tháng 3, Trường ĐHKT và Công ty IDT sẽ phối hợp tổ chức hội thảo “Tác động của TPP tới một số ngành chủ yếu”.
 
Công ty IDT hoạt động trong các lĩnh vực: đầu tư tài chính, đào tạo, xây dựng và triển khai các dự án trên nền tảng công nghệ internet. Ngày 10/12/2013, Trường ĐHKT - ĐHQGHN và IDT đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Tọa đàm lần này chính là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai đơn vị.


_________________

BÀI LIÊN QUAN:

Đỗ Chiêm