Trang tin tức sự kiện
 
Nghị lực vươn lên của nữ sinh dân tộc

Hà Thanh Tâm (ngoài cùng bên phải) cùng các giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán
Thành công hay thất bại không được quyết định bởi hai chữ may rủi mà là cách chúng ta cố gắng, nỗ lực như thế nào trong cuộc sống. Gặp Hà Thanh Tâm, cô sinh viên dân tộc Tày, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, bạn sẽ ấn tượng bởi sự cố gắng, nghị lực sống phi thường vươn lên trong học tập của Tâm.


Sự khởi đầu khó khăn

Hà Thanh Tâm - một cô sinh viên xinh gái, đáng yêu, nụ cười tỏa nắng được nhiều bạn bè yêu mến nhưng cuộc sống của Tâm không được thuận lợi với cảnh gia đình vất vả nơi vùng quê nghèo.

Thanh Tâm quê ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, một vùng quê đặc biệt khó khăn ở miền núi phía Bắc. Bố mẹ Thanh Tâm đều là người dân tộc Tày, chủ yếu làm nghề nông nên cuộc sống của gia đình có phần khó khăn. Lúc học phổ thông, Tâm đã có dự định không học đại học mà chỉ tốt nghiệp Trung học phổ thông, để giảm phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình, Tâm biết, xuống Hà Nội học sẽ là một gánh nặng vô cùng lớn lên vai bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ Tâm đã luôn ở bên động viên con gái cố gắng thi vào đại học để thay đổi cuộc sống hiện tại, thoát khỏi cảnh lao động vất vả.

Những ngày ôn thi vào đại học Tâm chủ yếu tự ôn ở nhà, tự tìm hiểu những dạng bài, nhìn bạn bè đi học thêm khắp nơi Tâm cũng lo, nhưng Tâm biết chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa là có thể chinh phục được cánh cửa đại học. Ngày Tâm đi thi, bố mẹ vừa vui mừng vừa lo. Vui vì con gái đã quyết định đi học để mở ra một cách cửa mới nhưng cũng lo vì từ đây gia đình sẽ phải vất vả hơn để Tâm yên tâm học hành. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Kế toán Kiểm toán Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, bố mẹ Tâm hạnh phúc khôn xiết, những giọt nước mắt đọng lại trên gương mặt khắc khổ vì tần tảo lo cho cuộc sống gia đình. Nhìn nước mắt bố mẹ rơi, Tâm biết mình cần phải cố gắng hơn học tập hơn nữa, cố gắng hơn nữa.

Ngày xuống Hà Nội nhập học, bố Tâm phải bán đi nhiều thóc trong nhà mới có đủ tiền cùng con xuống thành phố, con nghé chưa kịp cai sữa mẹ bố Tâm cũng phải bán đi. Thấy bạn bè nô nức nhập học, phụ huynh ai nấy cũng lo cho con tươm tất mà bố Tâm không khỏi xót xa, biết làm sao được khi cảnh quê nghèo khó cố gắng lo cho con được chừng nào hay chừng đấy. Ở trong ký túc xá nhà trường, đồ đạc mang theo chẳng có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo cũ và chút đồ cá nhân, Tâm phải làm quen với cuộc sống vội vã nơi phố thị. Những ngày đầu đi học, Tâm nhớ nhà vô cùng, nhớ mảnh ruộng có tấm lưng còng của mẹ, có giọt mồ hôi mặn chát của bố, Tâm không dám tiêu gì đến số tiền ít ỏi mà bố đã phải bán nhiều thứ trong gia đình để đưa cho Tâm. Tâm biết cả bố và mẹ đều hy vọng rất nhiều vào em, hy vọng cô gái có phần yếu ớt, rụt rè ở vùng quê nghèo sẽ vững bước nơi phồn hoa, học tập tốt để đem tri thức về phát triển vùng quê bao năm khốn khó này.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ

Vì điểm xuất phát không được thuận lợi nên ngay từ những kỳ học đầu tiên, Thanh Tâm đã lập kế hoạch cho quá trình học tập của mình. Tâm chia sẻ: Sau khoảng 1 tháng đầu làm quen với môi trường mới, mình đã bắt đầu đi tìm việc làm thêm, ở Hà Nội tìm việc làm thêm cũng không quá khó nên mình bắt đầu với các công việc đơn giản như phát tờ rơi, đi bán hàng và đi gia sư. Mỗi công việc lại cho mình thêm một chút kỹ năng sống và thu nhập để chi tiêu hằng ngày, hằng tháng bố mẹ vẫn gửi tiền cho mình nhiều thì 1 triệu, ít cũng năm bảy trăm ngàn, mình biết có nhiều lần bố mẹ phải đi vay mượn để gửi xuống nên mình càng thêm cố gắng hơn để bố mẹ đỡ vất vả. Nhiều bữa không có cơm ăn tạm gói mỳ tôm Tâm lại nghĩ “mình còn có mỳ tôm mà ăn, không biết bố mẹ bán hết thóc đi rồi có gì mà ăn không nữa”. Quê mình nghèo lắm, chỉ có trồng lúa, trồng ngô với nuôi con lợn chứ ngoài ra không có gì thu nhập thêm.

Cũng vì không có tiền nên Tâm rất ít khi về nhà, thậm chí để về được nhà Tâm, từ đường nhựa về phải đi bộ 12km đường đất, do đường xấu nên đi xe máy cũng không khác gì đi bộ. Chỉ có Tết hoặc dịp đặc biệt lắm Tâm mới về quê cho dù rất nhớ gia đình, để không lãng phí thời gian đó, Tâm thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, coi đó là xung lực của tuổi trẻ giúp em trưởng thành hơn. Các hoạt động nổi bật có thể kể đến như Giờ Trái đất, tuyên truyền về phòng chống ung thư, câu lạc bộ kế toán Hà Nội, tình nguyện viên vận động hiến máu, tham gia tiếp sức mùa thi…

 Hà Thanh Tâm tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi và hiện giờ đã có một công việc ổn định

Trong số các môn học Tâm kể thích nhất các môn học về đạo đức Bác Hồ, đặc biệt là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Tâm, Bác Hồ là người vô cùng giản dị, mộc mạc và có lối sống thanh bần. Cũng vì xuất thân trong gia đình khó khăn nên em càng thấy việc sống giản dị là cần thiết trong cuộc sống, giảm bớt những ham muốn không cần thiết và vui vẻ với thiên nhiên. Em nhớ nhất câu nói của Bác khi đi tham quan khu di tích Đá Chông K9 đó là “phòng Bác không cần treo tranh, bởi, bức tranh thiên nhiên cây lá là bức tranh đẹp nhất”. Điều đó càng làm cho Tâm thấy mình cần phải học tập và noi theo đức tính giản dị của Bác nhiều hơn. “Với em, sự học không nhất thiết phải học trường này, trường nọ, có cái này cái khác, người giàu có cách học của người giàu, người không có điều kiện học theo cách người không có điều kiện, quan trọng nhất là tính chủ động học và chọn đúng đam mê. Đặc biệt là không nên ép buộc, áp đặt việc học, không quá kỳ vọng, việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng như vậy sự học mới hấp dẫn và bền vững”. Tâm chia sẻ.

Tâm cũng bộc bạch rằng: Động lực để em học tập chính là lúc nghĩ bố mẹ phải lao động vất vả, những giọt mồ hôi của người nông dân lăn dài trên má vì cuộc sống mưu sinh. Mẹ của Tâm lao động nặng nhọc nên giờ sức khỏe cũng đã yếu, những cơn ho hằng đêm cứ ám ảnh Tâm phải cố gắng trên con đường học tập. Cuộc sống nơi phố thị của Tâm so với bạn bè còn rất khó khăn, chắt chiu từng đồng nhưng Tâm biết ở nhà bố mẹ đang tần tảo trồng ngô, nuôi lợn để gửi cho Tâm tiền ăn học, điều đó càng làm Tâm thêm tin vào bản thân sẽ chinh phục được cánh cửa tri thức, sau này báo hiếu với cha mẹ.

Ước mơ của Tâm sau khi ra trường là tìm được công việc đúng chuyên môn, và giành được học bổng để đi du học nước ngoài. Biết rằng điều đó là rất khó khăn nhưng Tâm luôn giữ quyết tâm trong trái tim mình. Trong thời gian mới ra trường, Tâm được nhận vào làm kế toán tại một công ty và có thu nhập để gửi về cho bố mẹ ở quê, nơi mà từ tết đến giờ em chưa về được lần nào. Tâm tự hứa với bản thân rằng sẽ cố gắng nỗ lực thật nhiều để sau này có thể làm một con đường đẹp hơn cho dân làng Tâm đi ra ngoài đường nhựa được dễ dàng không phải đi đường đất nhấp nhô như bây giờ nữa.

Với những thành tích và sự cố gắng không biết mệt mỏi, Tâm đã 2 lần được nhận học bổng khuyến khích học tập ở trường, Học bổng Vừ A Dính của Đại học Quốc gia Hà Nội, Học bổng Lawrence S.ting của Quỹ Học bổng Lawrence S.ting cho sinh viên nghèo vượt khó và tấm bằng loại Giỏi. Em thực sự là một tấm gương sáng vươn lên trong cuộc sống, rất gần gũi, bình dị để các bạn trẻ học tập, noi theo.

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, chủ nhiệm khoa Kế toán Kiểm toán cho biết, Tâm là một sinh viên rất đặc biệt trong khoa, ngày mới nhập học Tâm rất nhút nhát, ít nói và khó bắt nhịp với cuộc sống ở thành phố. Nhiều lần thấy Tâm khóc vì nhớ nhà, chúng tôi rất đồng cảm, chạnh lòng, nhưng rồi em nghĩ đến sự vất vả của bố mẹ ở quê, nghĩ đến bao cảnh đời còn khốn khó hơn mình em đã đứng lên và bứt phá mạnh mẽ. Trong suốt quá trình học tập, Tâm luôn nằm trong tốp đầu của lớp, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè và năng nổ tham gia hoạt động tình nguyện, được biết khi còn là sinh viên Tâm còn gửi tiền về nhà đỡ đần cho bố mẹ, đi dạy gia sư miễn phí cho một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Tâm là một tấm gương sáng để nhiều sinh viên khác noi theo.

Xem bài gốc tại đây 

Theo Báo Văn nghệ