Trang tin tức sự kiện
 
Tọa đàm trực tuyến “Phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch Covid-19”

Toạ đàm hướng tới sự chia sẻ và trách nhiệm của các nhà khoa học kinh tế
Ngày 7/4/2020 Khoa Kinh tế Chính trị, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm khoa học “Phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh dịch Covid-19”.


Tọa đàm được tổ chức trực tuyến nhưng đã có sự tham gia đầy đủ của toàn thể CBGV Khoa Kinh tế Chính trị cùng đại diện khách mời. Không khí khoa học buổi toạ đàm đã được diễn ra với tinh thần trách nhiệm, chia sẻ và đồng lòng, chung sức của các nhà khoa học trước những vấn đề kinh tế - xã hội mà đại dịch Covid-19 gây ra với thế giới cũng như Việt Nam.

Xoay quanh chủ đề này đã có gần 20 tham luận đề dẫn và phát biểu hết sức độc lập, không trùng lặp, phản ánh những góc nhìn đa chiều, gợi mở của các nhà khoa học tập trung vào các khía cạnh khác nhau như: Bức tranh toàn cảnh về đại dịch Covid-19 và đánh giá những tác động đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới; Cơ sở lý luận, nhận diện rủi ro và đánh giá về phản ứng chính sách kinh tế vĩ mô bước đầu của Việt Nam và thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Đề xuất các giải pháp chính sách kinh tế - xã hội nhằm hạn chế, khắc phục những tổn thất, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đất nước.

Các giảng viên chia sẻ nhiều quan điểm học thuật mang dấu ấn cá nhân

Buổi toạ đàm cũng ghi nhận rất nhiều các ý kiến mang sắc thái riêng của nhà khoa học như: Covid-19 cần được coi là cuộc khủng hoảng mang tính toàn diện, do đó, cần thông tin chính xác, minh bạch và đặc biệt chú trọng đến đối thoại xã hội; Suy nghĩ về vấn đề “Chỉ có bác sĩ mới cứu được nền kinh tế”; Sự điều tiết của “Bàn tay vô hình” không chỉ trong xã hội mà trước hết là trong tự nhiên; Nhìn lại mô hình kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường có điều tiết của các nước trên thế giới và mô hình phúc lợi của các quốc gia trong bối cảnh đại dịch; Vấn đề đặt ra đối với an ninh lương thực nói riêng và an ninh phi truyền thống nói chung; Chính sách giáo dục của Việt Nam trong kỷ nguyên số và yêu cầu cấp bách đối với đổi mới, sáng tạo; Nguy cơ “đứt gánh” của chuỗi giá trị toàn cầu; Lãi suất giảm trong nghịch lý lạm phát tăng; “Hiệu ứng cánh bướm” và phân hoá giàu nghèo trong tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ…

Toạ đàm khoa học là mở đầu cho chuỗi các NCKH khác của giảng viên và sinh viên

Là chủ đề thời sự toàn cầu, đang có rất nhiều những nghiên cứu, bình luận của giới khoa học về hậu quả kinh tế - xã hội mà đại dịch Covid-19 mang đến. Buổi toạ đàm khoa học này cũng chỉ là một phần trong các nghiên cứu của giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị. Hy vọng sẽ sớm có những đóng góp nhất định dưới dạng các báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành, website Khoa Kinh tế Chính trị và đề tài nghiên cứu của các giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị liên quan đến Covid-19 trong thời gian tới. Gần gũi và thiết thực hơn, mỗi giảng viên ở các góc độ khác nhau và tuỳ theo tính chất môn học đã và đang đưa vào bài giảng những tình huống thực tế và phong phú, khai thác những tác động nhiều chiều của đại dịch Covid-19, đàm luận và trao đổi của sinh viên, học viên về khía cạnh khác nhau liên quan đến đại dịch này.

Các giảng viên trẻ tích cực thảo luận về cách đưa các tình huống thực tế của Covid-19 vào bài giảng

Khoa Kinh tế Chính trị cũng đang khẩn trương triển khai chuỗi toạ đàm khoa học sinh viên có liên quan đến đại dịch Covid-19 dành cho sinh viên chất lượng cao khoá QH-2019-E ngành Kinh tế. Các buổi toạ đàm sẽ diễn ra trong 2 tuần cuối tháng 4/2020 với sự tham gia của các khách mời trong nước và quốc tế.

Xuất hiện đầy bất ngờ và đó cũng là cách mà đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, kể cả số ít những quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào. Tác động từ khía cạnh y tế cộng đồng, dịch tễ là rất lớn, đang đặt ra rất nhiều câu hỏi cần giải đáp từ giới khoa học y khoa nhưng sự tác động từ một cuộc suy thoái (thậm chí là đại suy thoái) kinh tế toàn cầu thì chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn không xuất phát từ lý do kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hội nhập sâu rộng, chuỗi giá trị toàn cầu đang vươn lên mạnh mẽ, các mối liên hệ trở lên đan xen và chặt chẽ hơn bao giờ hết. Tổn hại lớn nhất thuộc về các cường quốc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y học cũng như kinh tế. Sự lúng túng không kịp trở tay của nhiều nước đang gây những hậu quả xã hội cần nhiều năm để phục hồi.

Công cuộc chống dịch và kiểm soát đại dịch lớn chưa từng có trên quy mô toàn cầu của Chính phủ Việt Nam đang nhận được khích lệ, sự tin tưởng và ủng hộ vô cùng lớn từ phía người dân, doanh nghiệp trong nước cũng như cộng đồng thế giới. Là những CBGV, những nhà khoa học trong cộng đồng người Việt, mỗi CBGV của Khoa Kinh tế Chính trị tuy đang phải trải qua một vài bất tiện trong công việc, giảng dạy, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày nhưng việc giảng dạy, học tập trực tuyến, các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng cộng đồng vẫn diễn ra tại mỗi đầu cầu với sự hỗ trợ của công nghệ. Niềm vui vẫn lan toả mỗi ngày, những cảm nhận ấm áp dành cho nhau trong tập thể vẫn len lỏi trong những công việc nhỏ bé, âm thầm.


Hương Lan (Khoa KTCT)