Trang tin tức sự kiện
 
Báo cáo kinh tế Việt Nam 2008: Công nghiệp tụt hậu về công nghệ

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên đầu tư, nhưng việc hoạch định chính sách phát triển đã không thực hiện được vai trò dẫn hướng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực có sức cạnh tranh cao. Phân tích của tiến sĩ Tô Trung Thành về năng lực cạnh tranh công nghiệp, như một tiêu bản cho thấy các bất cập trong chính sách phát triển kinh tế.


Việt Nam trong suốt gần một thập niên đầy những biến động về xu thế cạnh tranh toàn cầu, dường như không có bất kỳ một sự thay đổi nào về năng lực cạnh tranh về công nghệ xét cả về giá trị gia tăng công nghiệp và hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu.
Giá trị gia tăng công nghệ thấp
Bảng bên dưới cho thấy trong giai đoạn 2001 - 2007, giá trị tuyệt đối gia tăng công nghiệp của Việt Nam tăng bình quân 11,8%, tương đương với Trung Quốc, cao hơn hai lần so với các nước ASEAN khác.
Tuy nhiên, bình quân một lao động ở Việt Nam tạo ra 3.557 USD giá trị gia tăng công nghiệp, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, ít hơn một nửa so với Trung Quốc, bằng 1/3 so với Indonesia, và 1/5 so với Malaysia, Thái Lan và thậm chí Philippines. Nếu lấy chỉ số GDP bình quân đầu người ngang giá sức mua (PPP) làm cơ sở mốc phát triển tương đương, Việt Nam năm 2007 có mức phát triển như Trung Quốc (năm 1998) và Indonesia (năm 1999), nhưng lại có tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp/GDP vẫn thấp hơn so với những nước này, và chỉ tương đương với Philippines (năm 1994) và Thái Lan (năm 1986).
Năng lực cạnh tranh công nghệ: tụt hậu
Xét về cơ cấu, giá trị ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào ngành sử dụng tài nguyên thô, hàm chứa ít công nghệ (chiếm tới hơn 50%). Tỷ trọng ngành có hàm lượng công nghệ trung bình và cao luôn đứng ở mức 25%, so sánh với hơn 60% ở Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, sau quá trình tăng mạnh giá trị gia tăng công nghiệp của các nước này qua các năm.
Năng lực cạnh tranh Việt Nam còn được thể hiện ở tỷ trọng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, trong mối tương quan so sánh với các nước khác. Tỷ trọng cao của những ngành khai thác tài nguyên thô trong cơ cấu xuất khẩu cho thấy khả năng cạnh tranh của những ngành công nghiệp còn rất khiêm tốn. (xem bảng)
Trên lý thuyết, quốc gia có cơ cấu cân bằng sản xuất khi tỷ trọng sản xuất và xuất khẩu của ngành có hàm lượng công nghệ trung bình và cao bằng nhau. Ở Việt Nam, trong khi đó, xuất khẩu ngành có hàm lượng công nghệ trung - cao chỉ chiếm chưa tới 20% tổng giá trị xuất khẩu.
Nếu so sánh với các nước tại thời điểm có trình độ phát triển tương đương (thông qua chỉ tiêu GDP bình quân đầu người ngang giá sức mua), Việt Nam năm 2006 vẫn có năng lực công nghệ thấp hơn nhiều so với các nước ở thời điểm trên dưới một thập kỷ trước. Ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 8,4% giá trị xuất khẩu, bằng 1/2 Trung Quốc (năm 1998), Thái Lan (năm 1986) và bằng 1/3 Malaysia (năm 1980). Trong khi đó, tỷ trọng ngành có hàm lượng công nghệ thấp của các nước ở thời điểm phát triển tương đương đều thấp hơn nhiều so với Việt Nam (năm 2006).
Thiếu chiến lược cạnh tranh hiệu quả
Việt Nam vẫn dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, hàm chứa ít công nghệ, có giá trị gia tăng thấp, mà không thực sự nâng được tầm cạnh tranh quốc tế. Những ngành này tuy mang lại giá trị xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ, v.v… có khả năng cạnh tranh rất dễ bị tổn thương, bị tác động lớn bởi những rủi ro và những ngoại ứng.
Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài tuy nguồn vốn đổ vào nhiều nhưng xu hướng chảy vào chỗ trũng “dịch vụ và bất động sản”. Trong khi đó, vốn đầu tư vào công nghiệp nặng (bao gồm khai khoáng), công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến chỉ chiếm 36% tổng vốn đầu tư, có nghĩa là vốn đầu tư vào ngành công nghiệp còn thấp hơn con số đó.
Vốn đầu tư vào ngành công nghiệp đã ít, cơ cấu lại cũng có vấn đề. Trong những dự án công nghiệp đựợc cấp phép, nhiều dự án lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo để tảng lờ yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không có nhiều những dự án đầu tư vào ngành có hàm lượng công nghệ trung và cao.
Nhập khẩu công nghệ trong thời gia qua chủ yếu là công nghệ không tiên tiến. Tình trạng nhiều tỉnh muốn có nhà máy đường, đã mua công nghệ lạc hậu của Trung Quốc vì rẻ, nhưng thời gian vận hành không lâu cho thấy Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể và nhất quán. Đồng thời với việc nhập khẩu công nghệ là đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ được công nghệ. Trong khi đó số đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ cao ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng năng lực công nghệ.
Một nhân tố quan trọng nữa của phát triển công nghệ là sự sẵn có và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ công nghệ. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ phần trăm của chi phí nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu GDP của Việt Nam (2002) rất nhỏ (0,19%), so với Thái Lan (2003) - 0,26%, Malaysia (2004) - 0,6% và Trung Quốc (1,42%).

Những khuyến nghị:

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu bộc lộ rõ nhất bản chất dễ tổn thương của những ngành công nghiệp thâm dụng lao động nên Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mà cần phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu.

Trong ngắn hạn, hướng dòng vốn FDI và nhập khẩu công nghệ là hai kênh giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ trung và cao. Tuy nhiên, chính sách nhập khẩu công nghệ cao cũng nên được cân nhắc, đảm bảo tính nhất quán và có hệ thống. Chính phủ cần có chiến lược cụ thể quyết định lựa chọn và tập trung vào một số ngành công nghệ cao để bỏ qua một số giai đoạn phát triển công nghiệp. Đi kèm phải là chiến lược đào tạo con người để làm chủ được công nghệ với việc mạnh tay đầu tư đưa sinh viên ra nước ngoài học tập và tiếp thu công nghệ mới.
Muốn có được sức cạnh tranh bền vững, trong dài hạn, không thể chỉ dựa vào nguồn vốn FDI hay nhập khẩu công nghệ mà phải xây dựng công nghệ nội địa, thông qua việc tạo ra động lực khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ: như thiết lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, tự do hoá thương mại, thông thoáng hoá đầu tư. Nâng cao chất lượng nguồn lực con người để cải thiện khả năng hấp thụ những công nghệ mới và hiện đại. Tăng cường và đổi mới chỉ tiêu đầu tư và phát triển cũng là vấn đề cần chú trọng, và nên gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và ngành, chứ không phải từ những ý muốn chủ quan của những nhà nghiên cứu. Vì thế, cần thành lập những kênh có gắn lợi ích tương hỗ giữa những doanh nghiệp hay ngành công nghiệp với các trường đại học hay các viện nghiên cứu, để việc đầu tư nghiên cứu và phát triển thực sự có hiệu quả và gắn với thực tiễn.