Trang tin tức sự kiện
 
2010: Thời điểm nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế Việt Nam

Cũng như nhiều nước trên thế giới, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta, đồng thời làm bộc lộ rõ hơn những nhược điểm cố hữu đã tồn tại trong thời hưng thịnh. Do vậy, sau khủng hoảng là lúc nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của đất nước, cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, hướng tới những mục tiêu kinh tế - xã hội cao hơn và được thực hiện có hiệu quả hơn.


 4 năm biến động và nhiều sự kiện
Năm 2006 - năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút từ năm 1999 đến 2004, bắt đầu phục hồi năm 2005, tiếp tục phát triển năm 2006 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,23%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngồi (FDI) thực hiện tăng 24,2% so với năm trước.
Năm 2007, cả nước đứng trước thời cơ mới khi Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO, là năm chính quyền các tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phân cấp mạnh mẽ quyền quản lý nhà nước, nhất là đối với việc cấp phép đầu tư, kể cả FDI. Nhiều ý tưởng mới, sáng kiến của địa phương đã nở rộ; hàng chục khu cơng nghiệp mới được thành lập.
Năm 2008 là năm khá đặc biệt trong hơn 20 năm nước ta chuyển hướng theo kinh tế thị trường.
Nửa đầu năm phải đối phó với tình trạng lạm phát cao, Chính phủ áp dụng nhóm 8 giải pháp theo hướng thắt chặt tín dụng, kiểm soát lưu thông tiền tệ.
Gần nửa cuối năm, chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ chủ trương ưu đãi tín dụng, bơm tiền vào lưu thông và đầu tư. Đó là 2 nhóm giải pháp đối lập với nhau đã được áp dụng vào hai nửa của năm 2008.
Năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có FDI.
Từ quý I đến quý III, tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư giảm sút nghiêm trọng, nhưng do kết quả các giải pháp của Chính phủ, cùng với sự biến động của kinh tế thế giới theo hướng tích cực, quý IV đã có xu hướng hồi phục, GDP tăng 5,32%.
Tóm lại, trong 4 năm vừa qua, tình hình kinh tế nước ta biến động, 2 năm đầu tăng trưởng ổn định với khí thế hào hứng trong khi chuẩn bị và gia nhập WTO, 2 năm sau gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao và chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Thực trạng đó đã đặt ra nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô, nhất là điều hành của Chính phủ trong tình hình thế giới và trong nước biến động khó lường, không một dự báo nào có thể bảo đảm tính chính xác.
Vì vậy, các giải pháp phải kịp thời thay đổi nhờ các cảnh báo sớm và đáng tin cậy, trong đó chính sách tiền tệ - tín dụng, lãi suất, tỷ giá và hoạt động của hệ thống ngân hàng đóng vai trị ngày càng quan trọng.
Hai nhân tố ảnh hưởng đến Việt Namnăm 2010
Năm 2010 là năm cuối của thập niên đầu thiên niên kỷ mới, năm kết thúc chiến lược kinh tế - xã hội thứ hai kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới 2001-2010, năm chuẩn bị Đại hội lần thứ XI của Đảng ta và soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam về căn bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5%.
Những chỉ tiêu kế hoạch trong từng thời kỳ có tầm quan trọng đối với một quốc gia nhưng cũng mới là định hướng, bởi vì nhiều nhân tố khó dự báo đang ở phía trước; như năm 2009 do cơ chế thông qua quyết định kế hoạch nằm ở Quốc hội nên Chính phủ đã phải trình Quốc hội điều chỉnh ngay khi các chỉ tiêu tăng trưởng vừa mới được thông qua (!).
Năm 2010, GDP tăng trên hay dưới 6,5% tùy thuộc vào hai nhân tố: 1) biến động tình hình thế giới và quan hệ đối ngoại của Việt Nam; 2) thiên tai, dịch bệnh và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Nhân tố thứ nhất, thế giới trong năm 2010 sẽ diễn ra theo chiều hướng nào?
Mặc dù vẫn có ý kiến cảnh báo rằng, đừng quá lạc quan với tình hình kinh tế thế giới trong năm 2010, bởi còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới để lại, nhưng phần lớn dự báo đều theo chiều hướng tích cực.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển năm 2010 đạt 1,3% (trong đó Mỹ 1,5%, Nhật Bản 1,7%, các nước khu vực đồng euro 0,3%), của các nước đang phát triển trên 5%, của châu Á 7,3%. Trung Quốc vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ tăng trưởng 9%, Ấn Độ 6,4%.
Phần lớn các nước đều cơ cấu lại nền kinh tế, điều chỉnh định hướng phát triển bao gồm chiến lược đối ngoại, để khắc phục những nhược điểm đã được bộc lộ rõ hơn trong khủng hoảng. Các tập đoàn lớn (TNCs) cũng cấu trúc lại doanh nghiệp, điều chỉnh hoạt động kinh doanh và đầu tư trên cơ sở đánh giá lại các thị trường tiềm năng.
Từ trong khủng hoảng, đã có những đòi hỏi đầy trọng lượng về việc cấu trúc lại các định chế tài chính quốc tế, nhất là IMF và WB, sửa đổi một số thể chế quốc tế theo hướng bảo đảm công bằng hơn khi tỷ trọng GDP của các nước đang phát triển, trong đó có bốn nước lớn mới nổi - Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) tăng lên rõ rệt trong tổng GDP toàn cầu; cần có giải pháp để thay thế vai trị của USD trên thế giới.
Có thể khẳng định rằng, năm 2010 là năm mở đầu cho kinh tế thế giới được cấu trúc lại trong phạm vi từng quốc gia và các định chế toàn cầu để thích ứng với tình hình sau khủng hoảng. Thế giới cũng phải đối phó với nhiều vấn đề cũ và mới.
Mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng nạn thất nghiệp trở thành vấn đề lớn của nhiều nước.
Bóng ma thiếu lương thực lại xuất hiện, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) công bố số liệu 1,02 tỷ người trên hành tinh đối mặt với nạn đói, tăng 100 triệu người so với năm trước, đang đe dọa mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới đã được các nước cam kết từ năm 2000 là năm 2015 giảm 1/2 số người đói nghèo toàn cầu.
Thị trường thế giới sẽ được phục hồi, nhưng giá cả nhiều hàng hóa sẽ biến động mạnh. Trong khi đó, thị trường tiền tệ thế giới biến động theo chiều hướng nào trong năm 2010 còn tùy thuộc vào hoạt động của các ngân hàng trên toàn cầu, trong đó không ít ngân hàng lớn bị phá sản trong thời kỳ khủng hoảng.
Cùng với các vấn đề kinh tế, mặc dù trong năm 2009, tình hình chính trị thế giới đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực, nhiều hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đã được tổ chức, nhưng bất ổn về chính trị vẫn chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn, vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều, chiến tranh ở Afganistan, an ninh ở Iraq, các vụ khủng bố đẫm máu ở Philippines, quan hệ căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia…
Tình trạng nóng lên của trái đất đã được người dân trên thế giới hy vọng về giải pháp toàn cầu thông qua 15.000 người đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Copenhagen (Đan Mạch), nhưng do bất đồng giữa các quốc gia giàu và nghèo chưa được giải quyết, nên chỉ đạt được một thỏa thuận không mang tính ràng buộc, mà Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Mon đánh giá "chỉ là một bước khởi đầu cho một hiệp định ràng buộc về cắt giảm khí thải nhà kính".
Những năm gần đây, người Việt Nam rất phấn khởi và tự hào về vị thế nước ta đã được nâng lên rõ rệt trong ASEAN, ở châu Á và trên thế giới. Năm 2009, một số nước đã nâng lên tầm quan hệ chiến lược trong quan hệ với nước ta.
Vấn đề đặt ra cho năm 2010 và các năm tiếp theo là điều chỉnh chiến lược đối ngoại đối với từng lĩnh vực, như thương mại, đầu tư, ODA, du lịch, dịch vụ; từng đối tác song phương như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và đa phương, mà quan trọng nhất là chuẩn bị tốt nhất hành trang của đất nước để bảo đảm lợi ích dân tộc và hiệu quả kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bắt đầu từ năm 2015, tận dụng tốt nhất cơ hội khi đã là thành viên WTO, góp phần tích cực vào việc nghiên cứu về ý tưởng biến APEC thành FTA châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ý tưởng hình thành FTA Đông Á.
Những vấn đề khái quát hóa trên đây mới chỉ gợi ra một số nét chấm phá về thế giới. Để có thể hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nước ta thì cần có những nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu từng chiều cạnh của tình hình, mới có được những dữ liệu làm cơ sở khoa học cho các dự báo kinh tế.
Nhân tố thứ hai, điều kiện tự nhiên như bão lụt, hạn hán, nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển dâng cao, dịch bệnh khó lường trước; vấn đề đặt ra là chủ động các giải pháp phòng, tránh, mà những năm vừa qua nước ta đã thực hiện khá thành công, được dư luận thế giới đánh giá cao. Các giải pháp đó cần được hoàn thiện từ cảnh báo sớm đến phòng tránh và ứng phó kịp thời, trong đó cần dành đủ vốn đầu tư để hiện đại hóa các trang thiết bị của những cơ quan chức năng.
Bốn vấn đề tồn tại cần được tháo gỡ
Từ kinh nghiệm của hai năm vừa qua, có thể khẳng định rằng, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đóng vai trị quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Một là, thể chế kinh tế cần được hoàn chỉnh nhanh hơn và đồng bộ hơn. Năm 2010 là năm thứ tư kể từ khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, đồng thời là năm nước ta tiến gần hơn thời điểm về cơ bản bỏ hàng rào quan thuế để thực hiện cam kết trong khung khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tuy thế vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết về thể chế kinh tế theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư.
Trở ngại lớn nhất là quan điểm, nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách đã làm nảy sinh tình trạng "ông chẳng bà chuộc" trong các văn bản pháp luật, tính hệ thống - một nhược điểm lớn của luật pháp nước ta tuy đã được phát hiện từ nhiều năm nay nhưng xem ra vẫn chưa được khắc phục.
Chủ trương phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố cấp phép các dự án FDI làm cho tính năng động, sáng tạo và quyền tự chủ của địa phương được đề cao, nhưng cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhất là vì lợi ích cục bộ của địa phương đã phá vỡ tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
Hai là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần được hiện đại hoá nhanh để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Cũng vẫn là chuyện cũ được lặp lại: đường bộ, đường sắt, cảng biển…, những vấn đề đã được đề cập đến từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.
15 năm đã qua, nhưng hệ thống giao thông của nước ta dường như chuyển động rất chậm, chưa có được một con đường cao tốc đúng nghĩa, tốc độ của đường sắt vẫn vào loại chậm nhất thế giới. Trong khi xe cộ, hàng hoá, du lịch tăng nhanh thì tình trạng ách tắc giao thông, chậm trễ giải phóng hàng hoá ở cảng biển trở nên nghiêm trọng hơn.
Ba là, lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công thấp cần được chuyển sang nguồn nhân lực có trình độ cao. Việc lôi kéo những tập đoàn lớn, công nghệ cao như Intel, LG, Canon… vào nước ta là một thành công đối với FDI, nhưng cũng đặt ra vấn đề nghiêm túc cho đất nước là phải thật sự chuyển hướng hệ thống đào tạo đại học, chuyên nghiệp và dạy nghề để đáp ứng được nhu cầu về công nhân lành nghề, kỹ sư, cán bộ quản lý.
Sự chậm trễ của ngành giáo dục là nguyên nhân chính làm nảy sinh nhược điểm mới về nguồn nhân lực của nước ta, mà nếu không sớm được khắc phục thì có nguy cơ dẫm vào vết xe đổ của một số nước đi trước là đất nước sẽ sập bẫy của các quốc gia thất bại, khi đã vượt ngưỡng của nhóm nước có thu nhập thấp của thế giới mà tăng trưởng kinh tế vẫn dựa trên cơ sở thâm dụng vốn và lao động.
Bốn là, xây dựng có hiệu lực hơn "nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân". Những tiếng kêu từ người dân bình thường và các doanh nghiệp về thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng của công chức là quá nhiều và quá phổ biến. Chủ trương cải cách nền hành chính quốc gia đã được coi như một nhiệm vụ quan trọng từ nhiều năm nay, nhưng xem ra những tiến bộ vẫn còn quá ít và tiếng kêu thì vẫn còn nhiều (!).
Tính nghiêm trọng của vấn đề có liên quan đến tương lai của quá trình phát triển đất nước, bởi đã có những tính toán cả về khoản chi phí khổng lồ đã bị đánh mất, cũng như sự giảm sút vài ba điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế do bộ máy công quyền gây ra.
Đã đến lúc một vị Bộ trưởng trình Quốc hội về Chiến lược phát triển ngành, ví dụ về giao thông thì không chỉ là mục tiêu đến năm 2030 nước ta có 5.000 km đường cao tốc, bởi vì mục tiêu xa vời đó không có ai chịu trách nhiệm cả. Đến lúc đó, những thành viên Chính phủ và các đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu. Quan trọng hơn là vị Bộ trưởng phải cam kết với Quốc hội và toàn dân năm 2010 làm mấy trăm km đường cao tốc, đến cuối năm trình Quốc hội kết quả.
Có như vậy, các vị Bộ trưởng mới có điều kiện cụ thể chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Quốc hội mới có thể giám sát công việc điều hành của Chính phủ, kể cả việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ.
Đó là 4 vấn đề chủ yếu đã tồn tại từ nhiều năm đang đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết nhanh chóng và cơ bản.
Thời điểm nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của đất nước
Cũng như nhiều nước trên thế giới, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của nước ta, đồng thời làm bộc lộ rõ hơn những nhược điểm cố hữu đã tồn tại trong thời hưng thịnh.
Do vậy, sau khủng hoảng là lúc nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của đất nước, cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân, hướng tới những mục tiêu kinh tế - xã hội cao hơn và được thực hiện có hiệu quả hơn.
Chiến lược 2011- 2020 được hình thành như thế nào tùy thuộc vào việc tổng kết và giải quyết những vấn đề đã được phát hiện về tính kém hiệu quả của mô hình tăng trưởng trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Không dễ giải quyết trong một vài năm các nhược điểm về cơ cấu kỹ thuật, vùng lãnh thổ, thành phần kinh tế của nước ta, nhưng cũng không thể không tìm mọi giải pháp với quyết tâm chính trị cao để trong một thời gian nhất định nền kinh tế nước ta có được cơ cấu hiện đại và hợp lý, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sản phẩm Việt Nam có năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Những vấn đề đó có liên quan đến việc chuyển nhanh hơn và đồng bộ hơn từ tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên thâm dụng vốn và lao động sang tăng trưởng theo chiều sâu là chủ yếu, nhờ vào khoa học và công nghệ với nguồn nhân lực có trình độ cao.
Do vậy, thể chế Nhà nước, khoa học và công nghệ, đào tạo và giáo dục trở thành những nhân tố quyết định cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả.
Đối với thế giới, đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua rào cản tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài, để có tư duy của một nước có vị thế đang tăng lên ở châu Á và thế giới, với tư cách là thành viên WTO tham gia bình đẳng vào phân công và hợp tác quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, trước hết là xây dựng thể chế toàn cầu:
(1) Chuẩn bị tốt hơn để chủ động đề ra chủ trương, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất tham gia Vòng đàm phán Doha, nhằm kết thúc Vòng đàm phán này có lợi cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
(2) Tìm mọi phương thức thích hợp với từng đối tác trong đàm phán song phương để họ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì điều đó có lợi cho việc các doanh nghiệp nước ta trong trường hợp phải đối đầu với những vụ kiện bán phá giá.
(3) Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc theo dõi, kịp thời phát hiện những vi phạm từ các đối tác để tận dụng tư cách là thành viên WTO đòi hỏi họ phải thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đối với Việt Nam.
Năm 2010 cũng cần làm chuyển động lại việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 5/2/2007 và Nghị quyết 16/2007 của Chính phủ ngày 27/2/2007 ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập WTO, mà do phải giải quyết những vấn đề cấp bách của năm 2008 và 2009 nên dường như ít được nhắc đến.
Trong đó đòi hỏi ráo riết hơn sự chuyển động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, bắt đầu từ tư duy tiếp cận với thế giới về một nhà nước hiện đại, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân, khuyến khích mọi ý tưởng mới, hỗ trợ mọi sáng tạo; cho đến tư duy của các nhà quản lý doanh nghiệp hướng đến việc quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế và của công chức nhà nước cho đến công nhân ở các doanh nghiệp luôn hướng đến chất lượng và hiệu quả trong từng công việc, từng sản phẩm, để góp phần làm cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.


GS. TSKH Nguyễn Mại Theo Báo đầu tư