Trang tin tức sự kiện
 
Năm 2010: năm của thị trường chứng khoán?

TS. Nguyễn Đức Thành
Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia HN) - năm 2010 sẽ hứa hẹn một năm thành công đối với các NĐT trên thị trường chứng khoán.


So sánh giữa thị trường chứng khoán với 3 thị trường tài sản khác gồm: vàng, bất động sản và ngoại hối, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hứa hẹn nhiều tiềm năng nhất trong năm 2010 bởi 3 thị trường còn lại đều có mức độ rủi ro nhất định.
* Năm 2009 là năm thành công lớn của TTCK với mức tăng 179,15 điểm của VN-Index và tăng 63,05 điểm của HNX-Index so với năm 2008. Theo ông, yếu tố nào đã tác động mạnh đến TTCK trong năm qua?
TS. Nguyễn Đức Thành: Sự thăng trầm rất mạnh của thị trường trong năm qua cũng được coi là một hiện tượng và tôi cho rằng năm 2009 có nhiều NĐT thắng cuộc hơn so với những NĐT thất bại.
Yếu tố cơ bản để nâng đỡ thị trường chứng khoán trong năm qua là sự ổn định dần của nền kinh tế vĩ mô. Có những thời điểm thị trường rơi vào hoảng loạn do chưa hiểu rõ về chính sách nhưng cũng có những giai đoạn đi lên trong sự lạc quan. Càng về cuối năm, những tin xấu về vĩ mô được gạt sang một bên làm cho thị trường có một sự bùng phát trở lại.
Một yếu tố khác nâng đỡ thị trường, tôi cho rằng dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong năm 2009 là rất lớn với hơn 630.000 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng trên cả hai sàn. Điểm đáng chú ý trong năm qua là dòng tiền nội địa đã đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Đó là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường và tạo ra sự thăng trầm rất mạnh trong năm qua.
* Cả hai đợt hồi phục của thị trường trong năm qua đều mang dấu ấn của sự nới lỏng về dòng tiền. Vậy ông nhìn nhận thế nào về yếu tố này trong năm 2010?
TS. Nguyễn Đức Thành: Xét trên khía cạnh mở rộng các kênh tín dụng cho TTCK trong năm 2010, tôi đồng tình với quan điểm của một số chuyên gia cho rằng tín dụng cho TTCK sẽ không còn dễ dãi như năm 2009.
Mục đích của việc mở rộng tín dụng năm 2009 không phải cho TTCK mà để giúp cho hệ thống sản xuất nói chung. Năm 2010 yếu tố bi quan, lo ngại về nền kinh tế cũng không còn như trước, yếu tố lo ngại mới nảy sinh có thể là những bất ổn vĩ mô mới, trong đó liên quan đến thâm hụt vãng lai và lạm phát.
Cần phải nói thêm rằng TTCK không phải là tâm điểm của các chính sách trong việc kích thích hay siết chặt mà nó chỉ được coi như hệ quả của chính sách kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ không có sự thắt chặt thái quá đối với tín dụng, thay vào đó sẽ là sự thận trọng và điều này sẽ khiến thị trường khó có được những giai đoạn tăng nóng từ dòng tiền. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác hỗ trợ cho thị trường và đó có thể là sự trở lại của dòng vốn ngoại.
* Ông có cho rằng năm 2010 sẽ đánh dấu sự trở lại của dòng vốn ngoại?

TS. Nguyễn Đức Thành: Vai trò của dòng vốn ngoại trong năm 2010 sẽ được cải thiện tốt hơn so với 2 năm vừa qua. Bên cạnh dòng vốn đầu tư gián tiếp (sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến TCCK) còn có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ảnh hưởng gián tiếp đến TTCK). Nếu FDI đổ vào mạnh sẽ giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế cũng như cung cầu trên thị trường ngoại hối, qua đó gián tiếp tác động đến thị trường từ những yếu tố vĩ mô khác.
Hai yếu tố này đến hay đi sẽ phụ thuộc vào chính bản chất của nền kinh tế Việt Nam và có thể nói năm 2010 là năm nền kinh tế sẽ sáng sủa dần lên so với 2 năm qua. Ngoài ra, yếu tố chính sách cũng sẽ góp phần tác động đến việc thu hút dòng vốn ngoại. Chính vì vậy, năm 2010 được cho là năm phục hồi của bản thân giới doanh nghiệp nhưng sẽ là một năm buộc các nhà hoạch định chính sách cần phải có những bước đi thận trọng đối với chính sách về kinh tế vĩ mô.
* Trong số 4 thị trường tài sản: Vàng, BĐS, chứng khoán và ngoại hối, ông đánh giá thị trường nào có nhiều tiềm năng nhất trong năm 2010?
TS. Nguyễn Đức Thành: Tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ là một thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng nhất trong năm 2010.
Nếu so sánh với các thị trường khác, thị trường BĐS đã tăng rất mạnh trong năm 2009 và giờ đang trong xu hướng điều chỉnh có chủ định của giới chính sách nhằm ngăn chặn về khả năng mất cân đối mới.
Đối với thị trường ngoại hối, trong nửa đầu năm 2010 sẽ còn khó khăn bởi có thể sẽ tiếp tục khan hiếm ngoại tệ khi các dòng vốn ngoại chưa được cải thiện nhiều. Đầu tư vào thị trường này sẽ mang tính rủi ro cao vì nhà nước không muốn thị trường này bị thao túng nên sẽ có những chính sách điều chỉnh.
Đối với thị trường vàng, mức độ rủi ro cũng tương tự như thị trường ngoại hối và còn một rủi ro rất lớn nữa đến từ giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới sẽ phụ thuộc vào giá USD nên độ rủi ro đến từ cục diện toàn cầu và cả bản thân chính sách của Chính phủ Mỹ.
* Xin cảm ơn ông!


Tuấn Trường (ghi) - INFOTV