PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn. Ảnh: Phạm Thuý
Giá dầu thế giới tăng khiến giá cả trong nước tăng theo, giá rét bất thường khiến cuộc sống người dân nghèo điêu đứng, thậm chí những "điều tốt" như tiền đầu tư nước ngoài đổ vào nhưng nhiều quá cũng góp phần lạm phát...
Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN HỒNG SƠN - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - gọi đó là những "cú sốc" không lường trước trong quá trình vận hành xã hội. Ông nói:
- Những rủi ro không biết trước như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tâm lý... là điều không tránh khỏi của bất cứ xã hội, thời đại nào. Trong vận hành kinh tế cũng vậy.
Chúng ta ngoài chuyện phải gánh những rủi ro bất trắc của chính mình còn phải lường đến những bất trắc xảy ra từ bên ngoài tác động vào. Ví dụ thị trường dầu lửa thế giới "sốt" cao thì thị trường VN bị ảnh hưởng. Thậm chí, chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài, mở cửa thị trường chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... thì cũng phụ thuộc nguồn đầu tư nước ngoài.
Những diễn biến nằm ngoài tính toán của ta về nguồn tiền này cũng có thể đem lại rủi ro. Những câu chuyện khủng hoảng kinh tế châu Á mười năm trước, chuyện giá dầu tăng, chuyện USD về nhiều... là minh chứng cho những "cú sốc" bất thường từ bên ngoài dội đến. Chuyện dịch bệnh như tiêu chảy cấp, cúm gia cầm hay thiên tai như lũ lụt, giá rét... là những "cú sốc" từ trên trời giáng xuống. Xã hội phát triển càng nhanh, càng qui mô thì những "cú sốc" càng có thể nhiều và nguy hại.
* Thưa ông, những vấn đề kinh tế như giá dầu tăng, thu hút tiền đầu tư nước ngoài... là những chuyện diễn ra có quá trình và chúng ta đều biết trước?
- Đúng vậy. Cũng giống như lũ lụt, giá lạnh... chúng ta đều nhìn thấy trước, thậm chí quen thuộc với chúng. Chúng ta quen đối phó với chúng khi chúng ở những cấp độ bình thường và chưa quá khả năng tự đề kháng của ta. Nhưng nếu những biến động đó tăng vượt mức chịu đựng, mức "quen thuộc" thì những công cụ và khả năng đề kháng thông thường ở ta chưa đủ hiệu lực chống đỡ. Và khi đó thiệt hại có thể khôn lường.
Những biện pháp mang tính đối phó thường rất tốn kém và ít hiệu quả. Ví dụ giá dầu tăng nhưng chúng ta chưa có liệu pháp, phương án đối phó với chuyện tăng quá cao và giữ giá quá lâu như vừa qua. Tiền đầu tư nước ngoài thật ra là điều ta mong phấn đấu, nhưng lại chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để hấp thụ một lượng vốn quá lớn, đa dạng và nhiều tính chất như vậy.
Giá rét thì mùa đông nào cũng có, nhưng năm nay ta đã không ứng phó được với mức độ dưới 0oC, kéo dài tận miền Trung và diễn ra nhiều ngày. Những "cú sốc" được hình thành từ sự không lường trước cả về loại hình, mức độ, tần số hay tính chất... của các hiện tượng kinh tế, xã hội và thiên nhiên.
* Chúng ta đã đối phó với các "cú sốc" đó tốt chưa?
- Để đo lường chất lượng của công tác đối phó thì chính là việc giảm thiểu ngày một tốt hơn những thiệt hại do "cú sốc" gây ra. Thậm chí có thể biến những "cú sốc" thành vô hại và không cần xem là "sốc" nữa. Xét về những "cú sốc" kinh tế của năm qua, thực chất chúng ta đã phải chịu thiệt hại không nhỏ. Những thiệt hại đó cũng chưa hoàn toàn khắc phục hay chấm dứt.
Với những "cú sốc" đã giải quyết dứt điểm thì thực chất là do sự kiện đó tự chấm dứt. Ví dụ như bão lụt. Mặt khác, tuy có thể thiệt hại đã ít hơn nhưng về chất lượng của giải pháp thì chưa được. Cũng là bão lụt. Thật ra đó là hiện tượng bình thường, năm nào cũng có và xảy ra đúng kỳ, đúng điểm. Thế nhưng năm nào thiếu đói cũng đe dọa vùng lũ. Năm nào vùng lũ cũng có bằng ấy phương thức khắc phục và nguy cơ thiếu đói của mùa lũ chưa biết bao giờ chấm dứt.
Giải pháp của chúng ta từ trước đến nay gần giống như biện pháp chiến tranh của quân đội là "bao vây, tiêu diệt" mang tính sự vụ. Đòi hỏi ở Nhà nước là phải tìm cách chấm dứt, hóa giải bão lụt ở đây. Hoặc ít nhất cũng phải tìm phương thức hỗ trợ người vùng lũ đủ sức mạnh không bị thiếu đói vì bão lũ hay có những chỗ dựa hữu hiệu khi bão lũ, chứ không phải trông vào lượng lương thực vận chuyển cực nhọc từ Hà Nội, miền Nam cũng như lòng từ thiện của bà con cả nước.
Chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng kho dự trữ lương thực ở vùng lũ, những quĩ, những chính sách bảo hiểm, những cơ chế đặc thù cho vùng lũ. Có thể xây dựng những địa điểm, cách thức trú ngụ tránh lũ... Sao cho bão lũ dần dần không còn là "cú sốc" đau khổ của bà con và cả nước.
* Theo ông, chúng ta cần đối phó với những "cú sốc" đó như thế nào?
- Giá dầu thế giới phải hằng ngày có bộ phận chuyên theo dõi, đo lường sẽ nắm bắt và phân tích bằng những công cụ nhanh, hiện đại. Nếu giá dầu tăng đến một ngưỡng "vàng" chẳng hạn, lập tức họ đưa ra những cảnh báo sớm nhất kèm theo khuyến cáo ứng phó cho cơ quan điều tiết thị trường, doanh nghiệp và có thể cả dân chúng.
Nếu giá dầu tiếp tục leo thang đến mức "đỏ” thì những cơ quan nghiên cứu phải phân tích được nguyên nhân, dự báo được diễn biến và tối thiểu là những kịch bản của thị trường hay các tác động kinh tế - xã hội trong nước.
Tóm lại nguyên tắc số 1 là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Ví dụ quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý tỉ lệ ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán cũng là một cơ chế cảnh báo. Nếu ngân hàng cho vay vượt quá mức này thì nút báo động sẽ reo. Các lĩnh vực quan trọng như đầu tư gián tiếp nước ngoài, lạm phát cũng rất cần có những cơ chế cảnh báo như vậy.
* Ngoài cảnh báo, chúng ta còn có thể làm gì trước khi "cú sốc" xảy ra, thưa ông?
"Giải pháp của chúng ta từ trước đến nay gần giống như biện pháp chiến tranh của quân đội là "bao vây, tiêu diệt" mang tính sự vụ. Những biện pháp mang tính đối phó thường rất tốn kém và ít hiệu quả"
- Nguyên tắc thứ hai là xây dựng cơ chế bảo hiểm cho các đối tượng dễ tổn thương. Ví dụ cho người nghèo, nông thôn trước những "cú sốc" thiên tai, lạm phát; cho doanh nghiệp, cho thị trường có những sản phẩm, hàng hóa nhạy cảm. Quĩ bình ổn xăng dầu mà chúng ta đang xây dựng là một ví dụ.
Khi có lãi thì bỏ tiền vào quĩ, khi lỗ thì trích quĩ để bù hoặc để kiềm chế giá bán rồi tăng từ từ. Như vậy doanh nghiệp không quá lỗ, thị trường không quá "sốc" và xã hội có thời gian để thích nghi với giá dầu cao. Với người nghèo thì quí giá nhất là hệ thống an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nông dân, bảo hiểm nông nghiệp...
Ngoài ra, những vùng thường xuyên bị bão lụt có thể có quĩ lương thực, tiền bạc riêng. Các giải pháp tại chỗ dựa vào hai nguyên tắc trên cũng sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ nạn giá rét này trước hết cơ quan dự báo phải nắm được cơ bản diễn biến thời tiết và đưa ra những cảnh báo. Các cơ quan hữu quan, các địa phương nắm được tình hình phải có những biện pháp ứng phó bảo vệ hoa màu, gia súc. Ngành y tế, giáo dục phải có cách thức bảo vệ sức khỏe con người...
Những giải pháp đó phải được xây dựng từ trước. Nếu thiệt hại vẫn xảy ra thì hệ thống an sinh xã hội vào cuộc cứu những người bệnh, những gia đình chết lúa, chết trâu. Và quan trọng nữa là sau đợt rét này, chúng ta phải biết làm gì để nếu lần sau có xảy ra thì mất mát không còn như vậy nữa.