Trang tin tức sự kiện

Minh Trị Duy tân: Ý nghĩa hiện đại cho Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu

Trong tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản, thời kỳ cải cách Minh Trị, hay Minh Trị Duy tân có một ý nghĩa trọng đại. Đó là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản.


Những thành tựu của thời kỳ Minh Trị đã trở thành khung khổ và nền móng cho sự phát triển của nước Nhật hiện đại, đưa quốc gia này giành được những kỳ tích trên con đường phát triển, xây dựng đất nước. Nhờ có thành tựu của công cuộc cải cách mà Nhật Bản có thể tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành cường quốc tư bản đầu tiên ở châu Á. Mặc dù 150 năm đã trôi qua nhưng những giá trị thời kỳ Minh Trị Duy tân vẫn đáng để nhiều quốc gia tham khảo. Trong bối cảnh đó, những trao đổi, thảo luận và chia sẻ về bài học kinh nghiệm được rút ra từ Minh Trị Duy tân của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản được trình bày trong cuốn sách “Minh Trị Duy tân: 150 năm  nhìn lại” đã mang đến những góc nhìn mới, những giá trị mới cho Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu hiện nay.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với ba tiến trình cơ bản: tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập ngày càng sâu hơn và rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Để bứt phá ra khỏi nhóm nước với mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, những cải cách của Minh Trị Duy tân với tinh thần đoàn kết và đồng thuận dân tộc cho phát triển, xây dựng thể chế và năng lực xã hội để tiếp nhận có chọn lọc những cái mới, cái tiên tiến từ bên ngoài nhưng vẫn phát triển được nội lực và duy trì được bản sắc và độc lập dân tộc có một ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, những bài học mà cuộc cải cách Minh Trị mang lại vẫn có ý nghĩa lớn đối với quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế của Việt Nam, với các bài học như phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may và một số ngành công nghiệp khác, từ đó cải thiện cơ cấu thương mại; tiếp thu công nghệ, tri thức nước ngoài để thực hiện công nghiệp hoá đất nước; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; sự hợp lý và nhất quán trong việc ban hành chủ trương, chính sách của Nhà nước; nhanh chóng thích nghi về thể chế khi hội nhập kinh tế quốc tế…

Theo đánh giá của GS.TS. Trần Văn Thọ, cơ cấu kinh tế của Việt Nam ngày nay rất giống với Nhật Bản vào giữa thập niên 1950 khi mà có tới khoảng 42% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và khu vực cá thể hộ gia đình chiếm tới hơn 39% GDP. Do đó, nếu Việt Nam có chiến lược, chính sách đúng đắn và tham khảo kinh nghiệm của Nhật trong thời đại phát triển thần kỳ đó thì thập niên 2020, Việt Nam có khả năng phát triển cao độ trong một thời gian dài. Trên cơ sở đưa ra một khung phân tích về các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế, các điều kiện để phát triển bền vững, tránh được bẫy thu nhập trung bình cũng như xem xét các yếu tố làm nên thời đại phát triển thần kỳ (1955-1973) của Nhật Bản, Trần Văn Thọ đưa ra một vài hàm ý đối với Việt Nam:

Thứ nhất, thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, lao động, đất đai cần phát triển lành mạnh để các nguồn lực được phân bổ đến những doanh nghiệp, những ngành đầu tư có hiệu quả nhất.

Thứ hai, phát huy lợi thế của nước đi sau, tích cực du nhập công nghệ từ các nước tiên tiến. Tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và tích cực du nhập công nghệ sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm mới hoặc thay đổi thiết bị, thay đổi dây chuyền sản xuất của những sản phẩm đã có.

Thứ ba, chủ thể chính của hoạt động đầu tư này phải là doanh nghiệp tư nhân. Trong việc mưu tìm lợi nhuận chân chính và chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư kinh doanh của mình, doanh nghiệp tư nhân nên có động cơ khám phá thị trường, tìm kiếm công nghệ mới nhưng thận trọng trong việc phiêu lưu vào các lĩnh vực mà họ chưa tích lũy nguồn lực cần thiết.

Đánh giá ý nghĩa hiện đại của Minh Trị Duy tân trong các chính sách thương mại và công nghiệp, sự thay đổi lợi thế so sánh của Nhật Bản sau cuộc cải cách, đồng thời tiến hành tính toán Chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu cho nhóm các ngành được chia theo chuẩn SITC Rev.3 của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu và ThS. Trần Thị Mai Thành cho rằng Việt Nam đã có những sự cải thiện về lợi thế so sánh song chưa rõ rệt, sự chuyển dịch lợi thế so sánh tương đối chậm, do đó Việt Nam cần đưa ra các chính sách phù hợp với đặc thù của Việt Nam và các cam kết quốc tế như: lựa chọn ngành ưu tiên hợp lý để phát huy lợi thế so sánh tĩnh trong thời kỳ đầu phát triển, song song với việc học hỏi, tiếp thu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, mở cửa cảng biển, tự do hóa ngoại thương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy lợi thế so sánh động trong các ngành công nghệ cao vào thời kỳ sau.

Ngoài ra, trong cuốn sách, các nghiên cứu còn xem xét các vấn đề kinh tế - kinh doanh Nhật Bản. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học tại Việt Nam và Nhật Bản về ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đại.

Với những hàm ý chính sách nêu trên, cuốn sách vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang ý nghĩa văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu hiện nay. Bài học của cải cách Minh Trị vẫn hiện hữu trong các nền kinh tế hiện đại kết nối các quốc gia với nhau qua cách tiếp cận tương đồng về văn hóa.

 

 >> Thông tin về cuốn sách: Minh Trị Duy tân

 

>> Về các tác giả chính của sách:

 
 GS.TS. Trần Văn Thọ tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản; từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản; nguyên là ủy viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản. Từ năm 2000 đến tháng 3 năm 2020, ông là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Waseda, Nhật Bản. Hiện nay ông là thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Tokyo.

GS.TS. Nguyễn Văn Kim: tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử, chuyên ban Lịch sử Thế giới, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1985; bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1999, được công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2005; Giáo sư năm 2015; Chuyên nghiên cứu về lịch sử và các vấn đề kinh tế - xã hội Nhật Bản thời cận thế; quan hệ thương mại, bang giao châu Á thế kỷ XVI-XVIII. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Toàn cầu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Đối ngoại, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu: tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế năm 2009 tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản; học hàm Phó Giáo sư năm 2017. Bà từng làm việc tại một số công ty đa quốc gia và Bộ Công thương Việt Nam trước khi trở thành giảng viên và hiện nay là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tự do hóa thương mại và đầu tư trong ASEAN và châu Á, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh





Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành