Sau 3 chương trình career talk nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo sinh viên, tối ngày 24/4/2012, Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) đã phối hợp với Công ty Quản lý quỹ đầu tư tài chính AI Capital tổ chức buổi career talk thứ 4 với chủ đề “Cơ hội cho sinh viên tài chính - ngân hàng thời khủng hoảng” (How to jump start your career in time of economic crisis?).
Chương trình không chỉ thu hút các sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH) mà còn có sinh viên của các khoa, ngành khác trong Trường ĐHKT, cùng các sinh viên của Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.
Khách mời của career talk lần này là ông Mạc Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritimebank và ông Nguyễn Thế Hoàng - Phó trưởng Phòng Đầu tư Ngân hàng Vietinbank. Như thường lệ, ông Quan Đức Hoàng - Giảng viên thỉnh giảng Khoa TCNH, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AI Capital, đóng vai trò là người điều hành chương trình.
Mở đầu buổi nói chuyện, TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH đã gửi lời cảm ơn tới AI Capital - đơn vị tài trợ độc quyền cho chuỗi chương trình career talk cũng như các vị khách mời đã phối hợp với Khoa TCNH tổ chức một chương trình hết sức ý nghĩa cho sinh viên của khoa. TS. Trần Thị Thanh Tú cũng bày tỏ hy vọng AI Capital và Khoa TCNH nói riêng, Trường ĐHKT nói chung sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng và tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa giúp các sinh viên thêm vững vàng trong công việc sau khi ra trường.
Tại buổi giao lưu, hai vị khách mời đã chia sẻ về con đường đi đến thành công của mình hôm nay. Ông Mạc Quang Huy kể, tốt nghiệp vào thời điểm kinh tế chưa hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường chứng khoán còn chưa hình thành, ông đã phải trải qua nhiều công việc khác nhau như: nhân viên kiểm toán, tư vấn tài chính, ngân hàng đầu tư… tại nhiều công ty Việt Nam lẫn nước ngoài. Để có được vị trí và công việc như hiện nay đó là cả một quá trình trải nghiệm với nhiều thử thách.
Cùng thời với ông Huy nhưng con đường để ông Nguyễn Thế Hoàng tìm đến ngành tài chính - ngân hàng dường như quanh co và khúc khuỷu hơn. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN), tuy nhiên, ông nhận thấy niềm đam mê của mình không phải trong lĩnh vực sư phạm hay ngôn ngữ mà là trong kinh tế. Theo học tiếp đó hai chương trình thạc sĩ trong lĩnh vực tài chính và quản trị kinh doanh tại nước ngoài, sau khi nhận bằng, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau như kiểm soát tài chính quản trị, trợ lý nghiên cứu, chuyên viên phân tích cao cấp. Ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Phòng Đầu tư Vietinbank tháng 9/2011.
Từ trái qua: ông Quan Đức Hoàng, ông Mạc Quang Huy, ông Nguyễn Thế Hoàng
Trong khi hai khách mời của chương trình đều chia sẻ sự bỡ ngỡ sau khi rời giảng đường đại học thì ông Quan Đức Hoàng lại chia sẻ một trải nghiệm ngược lại. Từ khi 14 tuổi, ông đã xác định rõ nghề nghiệp và mục tiêu phấn đấu của mình trong tương lai và sau 5 năm chuẩn bị, khi vừa tròn 19 tuổi, ông bước chân vào ngành tài chính với công việc là một giao dịch viên về trái phiếu.
Ba vị diễn giả đều cho rằng, hiện nay các sinh viên có những thế mạnh và cơ hội rất lớn trong việc chọn ra hướng đi đúng cho mình, đặc biệt là khi nguồn thông tin về việc làm và thị trường phong phú như hiện nay. Chuỗi sự kiện career talk này chính là một trong những cơ hội như vậy. Sinh viên cần tận dụng những thông tin có được và suy nghĩ một cách thật đúng đắn để lựa chọn một con đường sự nghiệp đúng đắn nhất.
Trả lời băn khoăn của nhiều sinh viên về tầm quan trọng của bằng cấp trong tuyển dụng và làm việc ở ngân hàng, các khách mời cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào từng vị trí công việc. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, những chứng chỉ mang tính ứng dụng, chuyên ngành như CPA, ACCA đối với ngành kế toán - kiểm toán hay CFA đối với phân tích tài chính sẽ được đánh giá cao hơn những bằng cấp mang tính học thuật.
Các vị diễn giả cũng trao đổi thêm về nội dung công việc hiện tại mà mình phụ trách giúp các sinh viên có thể hiểu rõ hơn về yêu cầu, tính chất của mỗi công việc liên quan như: sales, marketing, front office, back office… Trong đó, Bộ phận quản trị rủi ro nhận được nhiều sự quan tâm của các sinh viên.
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng trả lời thắc mắc của sinh viên về tiêu chí tuyển chọn vào nhiều vị trí công việc khác nhau. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Thế Hoàng, một thí sinh ứng tuyển vào vị trí chuyên viên phân tích cần có hiểu biết về cung cầu của các ngành, môi trường kinh tế vĩ mô (tăng trưởng GDP, lạm phát, …) và cần thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, biến động kinh tế. Còn theo ông Mạc Quang Huy - cựu Giám đốc khối Tư vấn tài chính của KPMG thì để vào được một trong các công ty kiểm toán lớn Big4 không đòi hỏi các bạn sinh viên phải có thành tích xuất sắc hay ý tưởng sáng tạo, mà quan trọng hơn là phải có tư duy logic, thái độ làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, chi tiết và có đạo đức nghề nghiệp vững vàng.
Sau những chia sẻ cá nhân và trả lời thắc mắc của các bạn sinh viên, ông Mạc Quang Huy và ông Nguyễn Thế Hoàng đã vào vai nhà tuyển dụng phỏng vấn thử hai sinh viên nữ vào vai ứng viên xin việc. Nhìn chung, hai bạn sinh viên được đánh giá là đã khá tự tin khi tham gia phỏng vấn, trả lời tốt đa số các câu hỏi được nhà tuyển dụng đặt ra, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số lỗi nhỏ trong giao tiếp.
Ngoài ra ông Nguyễn Thế Hoàng cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong một thời gian dài ở vị trí người tuyển dụng. Theo đó, trong quá trình tuyển dụng sẽ có một câu hỏi để thử phản xạ của các ứng viên và dựa vào đó, người tuyển dụng giàu kinh nghiệm sẽ quyết định được người nào thích hợp cho các vị trí khác nhau ở “front office” hay “back office”.
Kết thúc buổi nói chuyện, đại diện Khoa Tài chính - Ngân hàng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những chia sẻ thú vị và bổ ích của các khách mời. Buổi giao lưu đã đem lại thêm những hiểu biết thực tế nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các em thêm vững bước khi ra trường làm việc sau này.
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN: