Từ ngày 31/7 đến ngày 3/8/2017, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã cử hai cán bộ đi khảo sát, tìm hiểu hoạt động thực tế tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tại hội sở chính, và hai chi nhánh Hà Nội và Thanh Hóa.
Nhằm nắm bắt được tình hình và kết quả hoạt động của NHCSXH sau 15 năm thành lập và tạo cơ sở để hợp tác với NHCSXH, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã cử 02 cán bộ là TS. Nguyễn Thị Vũ Hà - Phó trưởng phòng NCKH&HTPT và TS. Nguyễn Phú Hà - Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng tham gia đoàn khảo sát.
Ngày đầu tiên, ngày 31/7/2017, tại Hội sở chính, đoàn khảo sát đã được nghe giới thiệu về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của NHCSXH cũng như kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH trong 15 năm qua.
TS. Nguyễn Phú Hà - Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng, Khoa TCNH, phát biểu trao đổi tại buổi làm việc tại xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa
Sau đó, đoàn đi khảo sát thực tế tại chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội để hiểu rõ hơn về mô hình tổ chức, mạng lưới hoạt động, kết quả nhận nguồn vốn uỷ thác địa phương, kết quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, chất lượng tín dụng... đến 30/6/2017 của chi nhánh thành phố Hà Nội. Cùng với các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Tạp chí Tài chính, các cán bộ của trường đã có những thảo luận, trao đổi với Ban Giám đốc chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội nhằm phát huy hơn nữa các đóng góp của NHCSXH cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đoàn khảo sát làm việc với các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại Điểm giao dịch xã Quảng Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa
Trong các ngày làm việc tiếp theo, đoàn khảo sát đi khảo sát thực tế tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá, Phòng giao dịch huyện Quảng Xương - chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hoá và Điểm giao dịch xã tại huyện Quảng Xương. Qua khảo sát thực tế, các cán bộ giảng viên nhà khoa học đã có cái nhìn rõ hơn về các đặc thù riêng của NHCSXH về các điểm giao dịch xã; tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức chính trị - xã hộ và sự tham gia của chính quyền địa phương.
Đoàn khảo sát làm việc tại UBND xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa
Cũng trong đợt làm việc này, thay mặt Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, TS. Nguyễn Thị Vũ Hà và TS. Nguyễn Phú Hà đã có những trao đổi với TS. Trần Hữu Ý - Giám đốc Trung tâm Đào tạo của NHCSXH về cơ hội hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và NHCSXH trong thời gian tới.
“Ngân hàng Chính sách xã hội đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách tại Việt Nam trong gần 15 năm qua (10/2002-6/2017). Trong thời gian này, đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, nguồn vốn được vay đã nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3,3 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 9,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho các hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng Sông Cửu Long. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Hoạt động hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm từ 26% (năm 2003) xuống còn dưới 5% (năm 2015) và 10% (2016 - áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều). Dù bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chương trình cho người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và tăng cường để việc thoát nghèo của người dân thực sự bền vững.” (Trích Báo cáo của NHCSXH tại Buổi làm việc ngày 31/7/2017) |