Trang tin tức sự kiện

Tăng tỷ giá 1% lúc này là phù hợp

Tăng tỷ giá được dự đoán là sẽ tăng nhập siêu và ảnh hưởng đến lạm phát
Sáng nay 7/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) tăng thêm 1% từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.


Theo ý kiến của chuyên gia tài chính cũng như ghi nhận trên thị trường, việc điều chỉnh tỷ giá 1% là phù hợp với thị trường cũng như các mục tiêu kinh tế xã hội trước mắt và hiện tại giao dịch ngoại hối trên thị trường chưa ghi nhận hiện tượng đổ xô bán như trước đây.
Theo Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, tăng tỷ giá lên 1% của NHNN được đánh giá là bất ngờ nhưng đều có nguyên nhân sau.
Thứ nhất là do nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp (DN) đang tăng bởi trong quý I/2015 nhập khẩu lớn, khiến nhu cầu ngoại tệ ngày càng căng thẳng mà neo tỷ giá cứng sẽ gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Thứ hai là hơn 20 nước trên thế giới đã phá giá tiền của họ, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam gặp bất lợi khi cạnh tranh về giá. Nếu neo tỷ giá cũ, hàng Việt Nam khó có thể cạnh tranh khi vào Mỹ - nước đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam năm 2014. Nguy cơ mất khả năng cạnh tranh xuất khẩu sẽ đè nặng nên áp lực tỷ giá của Việt Nam.
Thứ ba là Chính phủ vừa phát hành trái phiếu bằng USD ở Ngân hàng Vietcombank. Mục tiêu của động thái này nhằm phục vụ nhu cầu ngoại tệ cho phát triển và trả nợ. Vì thế, nhu cầu ngoại tệ cả ở của Chính phủ và DN ngày càng lớn, khiến chúng ta cần nới tỷ giá để tăng được nguồn cung.
Theo ông Hiếu, tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến gia tăng nhập siêu mà còn ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, tính chất hai mặt của tỷ giá cũng sẽ khiến Việt Nam hưởng lợi trong cán cân thanh toán, Việt Nam sẽ bù đắp thâm hụt khi lượng kiều hối về Việt Nam năm 2015 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên.
Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN, ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ dễ mua ngoại tệ hơn thay vì neo tỷ giá cứng dưới tỷ giá ngoài thị trường. Khi nguồn cung dự trữ ngoại hối dồi dào, thì việc tiếp cận ngoại tệ của các NHTM với NHNN và DN với NHTM sẽ ngày một dễ dàng hơn. “Tăng tỷ giá sẽ khiến NHNN, NHTM dễ mua USD hơn trước đây khi người bán tăng thêm, đồng thời sẽ có nguồn cung dồi dào cho DN nhập khẩu và các cá nhân. Vậy là bài toán lợi ích đến từ nhiều phía”, ông Hiếu nói.
Do năm 2015, áp lực trả nợ lớn, nhu cầu ngoại tệ của Chính phủ, DN cao, nhập siêu tăng nên. Nên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, điều chỉnh tỷ giá 1% trong lúc này sẽ chỉ làm hạ nhiệt thị trường và giảm bớt áp lực về nhu cầu ngoại tệ còn các yếu tố khiến tỷ giá cần tăng thêm vẫn còn và có thể NHNN sẽ phải điều chỉnh tỷ giá thêm 1 lần nữa.
“Đầu năm, NHNN phát đi thông tin cả năm 2015, chỉ điều chỉnh tỷ giá không quá 2%. Tuy nhiên, theo quan điểm riêng tôi, NHNN nên dự phòng phương án tăng điều chỉnh tỷ giá thêm 1% nữa vào cuối năm, cả năm lên 3%. Việc điều chỉnh tỷ giá tăng như nào cần theo thị trường và đảm bảo cân bằng. Nếu giữ cứng tỷ giá trong khi tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn sẽ hình thành hai thị trường, phát sinh hiện tượng mua USD ngân hàng bán ra thị trường tự do hưởng chênh lệch của nhóm đầu cơ khiến rủi ro và khó quản lý”, ông Hiếu phân tích.
Theo khảo sát của PV Dân trí tại một số chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… hiện tượng bán ra và mua vào ngoại tệ đồng USD không có nhiều bất thường dù sáng ngày 7/5 NHNN phát đi thông báo điều chỉnh tỷ giá. Hiện tượng người dân, DN đổ xô đi bán USD kiếm lời ghi nhận tại một số chi nhánh không diễn ra. Đồng thời việc mua vào USD vẫn được diễn ra bình thường, dù một số chi nhánh có hiện tượng ít hơn so với trước do tâm lý chờ đợi và nghe ngóng.

Nguyễn Tuyền (Nguồn: http://dantri.com.vn/)

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành