Đa dạng hóa hình thức thực tập thực tế, hình thành các tour quốc tế, tăng thời gian thực tập và xem xét cấp chứng chỉ hoàn thành kỳ thực tập cho sinh viên nếu đạt chuẩn bộ kỹ năng là những ý kiến được đề xuất tại buổi họp Đổi mới thực tập thực tế cho sinh viên ĐHKT diễn ra ngày 20/12/2018.
Buổi họp do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị trong Trường.
Mở đầu buổi họp, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã chỉ ra một số hạn chế của chương trình thực tập thực tế của Nhà trường như sinh viên chưa thực sự học hỏi được nhiều khi đi thực tập, nhiều nơi sinh viên chỉ đến thực tập như “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa được trực tiếp làm việc. Ông nhấn mạnh, trong đào tạo thì lý thuyết và thực hành không bao giờ tách biệt nhau, nếu như chỉ tập trung đào tạo trên lớp mà chưa chú tâm vào thực hành thì sinh viên sẽ rất khó làm việc tốt khi ra trường.
Ông cũng chỉ ra rằng, mỗi ngành học đều có kỹ năng riêng, do vậy các khoa cần xây dựng bộ kỹ năng và yêu cầu sinh viên đạt được sau khi thực tập, Nhà trường sẽ cấp chứng chỉ cho sinh viên nếu đáp ứng được các tiêu chí của bộ kỹ năng đó.
Góp ý về đề xuất trên, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế cho hay, việc làm cho sinh viên cảm thấy thích thú khi đi thực tập là vô cùng quan trọng, tại một số nước sinh viên muốn đi thực tập phải trả tiền vì chất lượng của kỳ thực tập. Tại nước ta, thực trạng sinh viên đến “pha trà rót nước” đang diễn ra khá phổ biến, vì thế chúng ta cần thống nhất với các đối tác để sinh viên trực tiếp được làm việc, nếu doanh nghiệp yêu cầu trả phí đào tạo Trường có thể hỗ trợ.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi mong muốn xây dựng các tour quốc tế
Về phía Phòng Đào tạo - ThS. Ngô Thị Hà thì cho rằng thực tập trước đây đâu đó vẫn chưa tách hẳn ra với lý thuyết, tức là chúng ta mới chỉ cho sinh viên học gì và làm đấy chứ chưa đa dạng về hình thức. Ví dụ như chương trình thực tập sinh của Nhà trường cũng nên tính là đi thực tập, sinh viên tự tìm kiếm được nơi thực tập trên 1 tháng cũng nên được tính điểm; đặc biệt sinh viên tham dự hội thảo, có bài nghiên cứu khoa học, tham gia tổ chức sự kiện của trường, tham gia công tác Đoàn - Hội cũng nên xem xét là thực tập. Điều này sẽ tạo ra sự thoải mái cho sinh viên, không nhất thiết phải làm việc A tại công ty B cho dù sinh viên đã biết công việc đó và không có cảm hứng làm.
ThS. Ngô Thị Hà cho rằng nên đa dạng hình thức thực tập
Đại diện Khoa Kế toán Kiểm toán, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy thì thông tin thêm, một số trường đại học khác cho thời gian thực tập nhiều hơn ở ĐHKT và thường chia làm 2 giai đoạn là thực tập tổng hợp với thực tập chuyên môn. Vì vậy, ĐHKT nên thay đổi mô hình thực tập theo hướng phân chia làm 3 giai đoạn đó là: tổ chức orientation week, tổ chức đi khảo sát thực tế để sinh viên lựa chọn nơi thực tập, song hành cùng doanh nghiệp xây dựng và đánh giá bộ kỹ năng. Làm tốt được việc này, sinh viên sẽ vừa đầy đủ kiến thức vừa thành thạo kỹ năng làm việc, chuẩn đầu ra sẽ cao hơn và các em cũng dễ tìm kiếm việc làm hơn.
Tại buổi họp, đại diện các khoa đều có ý kiến thảo luận, khuynh hướng chung là phải thay đổi mô hình thực tập thực tế hiện nay, phận biệt rõ thế nào là thực tập - thế nào là thực tế và thế nào là thực hành. Khoa Kinh tế Chính trị, TS Trần Quang Tuyến đặt giả thuyết liệu sinh viên ngành Kinh tế muốn thực tập tại ngân hàng thì có được không? Có nên đổi mới phương thức báo cáo thực tập không, nếu vẫn báo cáo theo kiểu “càng dày càng cao điểm” liệu có đánh giá được năng lực sinh viên?
Lãnh đạo các khoa đóng góp ý kiến
Kết thúc cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đồng ý chủ trương thay đổi mô hình và phương thức thực tập thực tế, ông giao cho Phòng Đào tạo và các khoa nhanh chóng xây dựng bộ kỹ năng của từng ngành và mong muốn các giảng viên sát sao hơn nữa với sinh viên trong quá trình thực tập. Đặc biệt, Hiệu trưởng ĐHKT đồng tình với việc đa dạng hóa loại hình thực tập như tham gia hội thảo hay cuộc thi Business Challenge và xem xét cấp chứng chỉ cho sinh viên khi hoàn thành tốt thực tập.
Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của Hiệu trưởng và lãnh đạo các khoa, thực tập thực tế ở Trường ĐHKT năm học mới sẽ có nhiều đổi mới, tạo nét khác biệt với các trường cùng đào tạo về kinh tế khác, hướng tới nâng chuẩn đầu ra và có việc làm thu nhập cao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.