Đây là vấn đề cốt lõi được đặt ra trong Hội thảo Trao đổi phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả cho các chương trình chất lượng cao diễn ra ngày 18/1/2018 do Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHQGHN - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chủ trì.
Hiện tại, các chương trình dạy học nói chung trên cả nước ta vẫn mang nặng lối giảng dậy “thầy giảng trò nghe”, phương pháp dạy và học đó tương đối thụ động và chưa kích thích hết được khả năng sang tạo của người học đặc biệt là sinh viên hệ đại học.
Qua các phần trình bầy của các thầy giáo có kinh nghiệm tại ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, có một số vấn đề được thẳng thắn chỉ ra về hạn chế của sinh viên khi đi xin việc đó là kỹ năng soạn thảo văn bản kém, kỹ năng giao tiếp chưa tốt, không biết lập kế hoạch làm việc và thiếu kiến thức thực tế.
Với mục đích nâng cao chất lượng giảng dậy, kích thích được khả năng sáng tạo trong học tập, để sinh viên có thể đứng vững ngay được trong thị trường lao động khi vừa ra trường, nhà trường cũng đã lắng nghe và ghi nhận tất cả các đóng góp của các giảng viên và sinh viên qua các kênh online.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo, một trong các giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhiều khóa học ở các bậc đào tạo, đã trình bày báo cáo đề dẫn. Báo cáo đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao được chất lượng đào tạo chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập và những thách thức đối với các trường đại học Việt Nam khi thị trường lao động đòi hỏi những sản phẩm đào tạo chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Báo cáo đề dẫn cũng trình bày những tồn tại hạn chế trong thực tế đào tạo của chương trình cử nhân chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế khi có sự đa dạng giữa điểm đầu vào của sinh viên qua đó đã đặt ra một giả thiết về việc có nên tổ chức lại chương trình giảng dạy để phù hợp với đối tượng sinh viên hay là thay đổi “phương pháp giảng dạy” nhằm tăng độ “hấp dẫn” và “cuốn hút” cho sinh viên.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh, việc thay đổi phương pháp dạy là một việc làm thường xuyên, liên tục làm sao để luôn bắt kịp với các phương pháp dạy trên thế giới, nhưng tại hội thảo ý kiến đóng góp chủ yếu xuất phát từ giảng viên nên ông rất muốn sinh viên góp ý về cách dạy, cách học để nhà trường tiến hành thay đổi tổng thể, mục đích cuối cùng không gì khác là nâng cao chất lượng đầu ra cho người học.
Ông cũng khẳng định, sửa đổi phương pháp dạy sẽ theo hướng tăng thời gian thực tập thực tế, giảm thời gian học lý thuyết, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sinh viên, nâng cấp một số giáo trình đã lạc hậu. Để có được điều này cần có ý kiến xây dựng từ sinh viên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng chia sẻ rằng sẵn sàng lắng nghe đóng góp của sinh viên kể cả qua kênh trực tiếp lẫn online, để làm một cuộc cách mạng thay đổi phương pháp dạy trong Nhà trường.