Sáng 2/8/2016, các sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi giao lưu với đoàn sinh viên Trường Đại học Ngôn ngữ ứng dụng Munich tại phòng 510 nhà E4.
Tham đoàn Trường ĐH Ngôn ngữ ứng dụng Munich có GS. Andreas Stoffers - Giám đốc Viện Nghiên cứu ASEAN và các sinh viên thuộc chương trình cử nhân về Giao tiếp đa văn hoá và Giao tiếp trong Kinh doanh quốc tế. Về phía Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có TS. Nguyễn Cẩm Nhung - Phó chủ nhiệm Bộ môn Tài chính quốc tế cùng với các giảng viên và sinh viên chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế quốc tế của khoa.
Trong chương trình giao lưu, nhóm sinh viên Đức đã có bài trình bày thú vị về giao tiếp đa văn hoá, tập trung vào sự khác nhau về mặt văn hoá giữa Đức và Việt Nam dựa trên mô hình của Hofstede. Sự hiểu biết về những khác biệt trong văn hoá giữa các quốc gia sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sinh viên ngành kinh tế quốc tế vì những kiến thức này cho phép sinh viên có thể làm việc nhóm hiệu quả, và ra các quyết định trong môi trường kinh doanh quốc tế năng động hiện nay.
Trong phần trình bày của mình, sinh viên Trường Đại học Kinh tế tập trung vào xem xét các tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đối với ngành dệt may dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Dựa trên việc phân tích ảnh hưởng thông qua mô hình SMART, nhóm sinh viên đã chỉ ra được các tác động của các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới” này, từ đó đưa ra các đề xuất và hàm ý đối với Việt Nam.
Phần trình bày của sinh viên Trường ĐH Ngôn ngữ ứng dụng Munich
Sau chương trình hội thảo, sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã giới thiệu đến các sinh viên nước bạn khuôn viên của ĐHQGHN trong hoạt động “Campus tour”.
Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu, ngày 1/8/2016, sinh viên hai trường đã có chuyến đi thực tế đến Công ty B.Braun tại Thanh Oai, Hà Nội, và sẽ tham quan, giao lưu tại Đại Sứ quán tại Việt Nam vào ngày 3/8/2016.
Chương trình giao lưu bổ ích này giúp sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế có cơ hội giao lưu với sinh viên quốc tế, học hỏi về sự khác biệt văn hoá và những vấn đề nổi cộm trong hội nhập kinh tế hiện nay.