Trang tin tức sự kiện

Đào tạo liên thông bậc cử nhân - thạc sĩ với Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan: một hướng đi đúng để tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế

Từ ngày 9 đến 12/6/2010, đoàn đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế dẫn đầu đã đến Bangkok, Thái Lan thăm và ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Công nghệ Châu Á (AIT).


Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Thành Hưng - Tham tán thương mại, ông Nguyễn Quang Anh, Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Nepan.

Mục đích của chuyến đi là ký kết chương trình liên thông cử nhân - thạc sĩ Quản trị Kinh doanh giữa Trường Đại học Kinh tế và AIT, phát triển các chương trình nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và chuyên môn của đội ngũ giảng viên giảng dạy Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị Kinh doanh (QTKD) đạt trình độ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế.

Trước lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, Trường Đại học Kinh tế đã có buổi trao đổi và làm việc với lãnh đạo và giảng viên Khoa Quản trị - AIT về chi tiết chương trình hợp tác liên thông đào tạo cử nhân - thạc sĩ QTKD. Theo đó, sinh viên theo học chương trình sẽ học toàn bộ chương trình cử nhân 4 năm tại Việt Nam, trong năm cuối, Trường ĐHKT sẽ phối hợp đưa vào một số môđun Chương trình thạc sĩ của AIT vào giảng dạy, và sinh viên được coi như hoàn thành năm thứ nhất Chương trình đào tạo thạc sĩ QTKD của AIT. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được chuyển tiếp sang Thái Lan học trong 1 năm để hoàn thành chương trình và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh do AIT cấp. Như vậy, so với chương trình học thạc sĩ thông thường 2 năm tại AIT, sinh viên tốt nghiệp bậc học cử nhân ngành QTKD tại Trường Đại học Kinh tế giảm bớt được thời gian là 1 năm. Để thực hiện được chương trình liên thông, 7 môn học trong chương trình học cử nhân QTKD đạt trình độ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế đã được AIT chấp nhận để liên thông. Các môn học này bao gồm Quản trị nguồn nhân lực, Kế toán quản trị, Tài chính công ty, Marketing, Hành vi tổ chức, Quản trị sản xuất và tác nghiệp, Kinh doanh quốc tế. Đây là minh chứng cho thấy chương trình đào tạo cử nhân QTKD đạt trình độ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế đang từng bước đạt trình độ của khu vực và tiếp cận trình độ quốc tế.

Chương trình đào tạo cử nhân QTKD đạt trình độ quốc tế (thuộc Đề án Xây dựng và phát triển 16 ngành, 23 chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn ở ĐHQGHN đạt trình độ quốc tế, gọi tắt là Đề án 16 + 23.) là một trong các chương trình nhiệm vụ chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm phát triển nguồn nhân lực cao, đạt trình độ quốc tế.

Chương trình không chỉ là cơ hội tốt để sinh viên có thể theo học chương trình thạc sĩ, lấy bằng quốc tế ở một trường đại học uy tín trong thời gian ngắn nhất mà còn tạo điều kiện nâng cao năng lực giảng dạy và chuyên môn cho các giảng viên Trường Đại học Kinh tế tham gia chương trình. Giảng viên tham gia giảng dạy 7 môn đã được lien thông với ĐH AIT sẽ được cử sang AIT để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và trực tiếp giảng dạy các môn chuyên môn dưới sự hỗ trợ của các giảng viên của AIT. TS. Barbara Igel - Chủ nhiệm Khoa Quản trị, AIT khẳng định “Chúng tôi đã từng có rất nhiều đối tác đề cập đến việc hợp tác chương trình liên thông BBA, MBA nhưng chưa tìm được đối tác phù hợp. Trường Đại học Kinh tế là đối tác đầu tiên Khoa Quản trị - AIT triển khai hợp tác chương trình liên thông này”.

Sau phần thảo luận và trạo đổi với Ban chủ nhiệm và các thành viên Khoa Quản trị, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ và GS. Said Irandoust - Hiệu trưởng AIT đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Lễ ký kết này đánh dấu một bước phát triển cao hơn trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và AIT. GS. Said Irandoust vui mừng bày tỏ tại lễ ký kết: “Đây là sự hợp tác mà hai bên cùng có lợi. Tất cả chúng ta đều hướng tới lợi ích cao nhất của sinh viên. Chúng tôi rất vui vì đã lựa chọn được đối tác phù hợp và tin tưởng sự hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ thành công tốt đẹp”.

 PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ thay mặt Trường Đại học Kinh tế cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của AIT và tin tưởng “Việc hợp tác với AIT sẽ không chỉ giúp đưa Chương trình đào tạo cử nhân QTKD trình độ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế tiếp cận được đến trình độ khu vực, mà còn là một bước tiếp cận với trình độ quốc tế. Chúng tôi tin rằng sinh viên của chúng tôi, thông qua chương trình liên thông cử nhân - thạc sĩ QTKD với AIT, sẽ trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN và Châu Á trong tương lai gần”.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Tham tán thương mại của Việt Nam tại Thái Lan, người đã có công rất lớn trong việc xúc tiến hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế và AIT - vui mừng chúc mừng Trường Đại học Kinh tế cho thành công bước đầu trong mối quan hệ hợp tác với AIT và cho rằng: “Đây là hướng đi đúng đắn của Trường Đai học Kinh tế - ĐHQGHN trong quá trình xây dựng và phát triển thành trường đại học đạt chuẩn quốc tế. Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hiện nay đang rất thiếu các chương trình hợp tác tương tự. Vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình liên thông BBA - MBA giữa Trường Đại học Kinh tế  và AIT”.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Viện Công nghệ Châu Á (Thái Lan)

 

Từ trái qua phải: Bà Nguyễn Thị Bình Minh, TS. Phạm Thùy Linh, ông Nguyễn Thành Hưng, PGS. Phùng Xuân Nhạ, GS. Said Irandoust, TS. Barbara Igel, TS. Pritam K. Shrestha và TS. Hoàng Lê Tiến.

__________________
BÀI LIÊN QUAN:

>> UEB and AIT to launch unified BBA-MBA program


Nguyễn Bình Minh (P.NCKH&HTQT)

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành