Rươi còn được gọi với cái tên “Rồng đất” là một đặc sản ở miền Bắc Việt Nam. Đối với các quốc gia châu Âu loài rươi khá xa lạ, và minh chứng chính là sự ngỡ ngàng của hai chuyên gia ĐH Gottingge, Đức đang làm việc tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trong chuyến đi thực tế tại Trang trại Lúa Rươi, huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương ngày 9/8 vừa qua.
Đi cùng hai chuyên gia người Đức còn có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; PGS.TS Trần Thị Hạnh, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Chuyến đi nằm trong khuôn khổ đợt nghiên cứu phát triển kinh tế nông nghiệp của hai chuyên gia Đức Mr. Dieter Koemle, TS. Birgit Gassler đến từ Đại học Gottingen, Đức. Trước đó, hai chuyên gia Đức đã có buổi công bố hai đề án nghiên cứu về Kinh tế Môi trường và Tiêu dùng xanh tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Hai công trình đó đã được đánh giá rất cao về hàm lượng khoa học cũng như giá trị ứng dụng vào trong thực tiễn nền kinh tế Việt Nam, chuyến đi thực tế lần này với chủ đề “Rươi” - một sản vật của đất Tứ Kỳ chính là một thử thách thực sự với hai chuyên gia người Đức khi họ hoàn toàn chưa biết đến loài động vật này, đặc biệt là các món ngon được chế biến từ rươi mà trong từ điển tiếng Đức chưa hề xuất hiện.
Trong số các trang trại nuôi rươi ở Tứ Kỳ, đoàn đã chọn Trang trại Lúa Rươi nức tiếng rươi đồng tự nhiên còn được gọi với cái tên Bãi Rươi. Tận dụng lợi thế của khu vực ven sông Thái Bình đầy phù sa màu mỡ, giữa một bên là sông, một bên là dải đê bao quanh nên được “cách ly hoàn toàn với khu vực bên ngoài, trang trại đã hút hồn du khách về vẻ đẹp thiên nhiên làng quê Việt Nam. Hai nhà nghiên cứu Đức lần đầu được nhìn, tiếp xúc và tìm hiểu thêm về loài rươi, một loài sinh vật giàu giá trị dinh dưỡng nhưng đặc biệt nhạy cảm với môi trường sống xung quanh.
Rồng đất bò ngay trên tay người Đức
Trang trại kết hợp sản xuất trồng lúa một vụ kết hợp trồng cây ăn quả, khai thác rươi, cáy. Gạo được trồng ở đây hoàn toàn hữu cơ và an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt, giống Nhật Japonica nên rất thơm dẻo và ngon hơn những loại gạo thông thường.
Lần đầu tiên hai chuyên gia Đức nhìn thấy Rồng đất
TS. Birgit đề xuất một số giải pháp với bà con để tăng hiệu quả kinh tế cho trang trại, ví dụ như kết nối với một số công ty du lịch để dẫn khách nước ngoài tham quan thực tế, có những trải nghiệm thú vị như bắt rươi, cáy…, kết hợp kinh doanh mặt hàng gạo hữu cơ giống Nhật, rươi tươi, cáy tươi… Bởi theo ông, rươi là loài “đặc hữu” nơi đây nên rất kích thích sự tò mò của du khách nhiều nơi đặc biệt là du khách nước ngoài, bản thân ông rất hào hứng khi lần đầu tiên chạm tay vào con rươi, chúng bò rất nhiều chân trên tay ông gây cảm giác nhột nhột, thích thú.
Những người nông dân chân chất rất thân thiện với người nước ngoài
Rươi chỉ sinh sống ở môi trường sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm, không phải chăm sóc, không phải cho ăn, chỉ cần cải tạo mặt nước tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh trưởng, vậy nên chuyên gia Đức cũng kiến nghị bà con và các cơ quan quản lý nhà nước phải thắt chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh làm ô nhiễm nguồn nước để bảo vệ môi trường cũng như sinh kế làm ăn lâu dài với nghề nuôi rươi.
Chuyên gia Dieter cũng đề xuất bà con tìm hiểu để xuất khẩu gạo sang thị trường EU, một thị trường khá khó tính nhưng nhiều tiềm năng kinh tế, đặc biệt là Đức bởi vì người Đức khá thích ăn lúa gạo bên cạnh lúa mì.
Cái ôm thắm tình hữu nghị nông dân Việt Nam và chuyên gia Đức
Rươi có giá trị kinh tế rất cao. Rươi tươi chất lượng tốt nhất ở thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ ngon nổi tiếng và giá cao hơn cả. Đầu mùa rươi (khoảng tháng 8), rươi ở đây được thương lái thu mua ngay tại chỗ với giá khá cao 470.000 đồng/kg. So với các năm trước, mức giá này đã cao hơn ít nhất 50.000 đồng/kg.
Kết thúc chuyến đi, cả đoàn được thưởng thức đặc sản rươi, cáy hấp dẫn, thơm ngon tại nhà hàng địa phương. Ngoài là món ăn ngon, hấp dẫn đầy hương vị quê hương bánh đậu xanh, rươi con là món cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như đạm, muối khoáng… rất tốt cho phụ nữ đang mang thai và người mới ốm dậy.