Trang tin tức sự kiện

Hội thảo “Đồng Văn - Tiềm năng và phát triển”

TS. Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài, Giảng viên Khoa KT&KDQT, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thuyết trình tại hội thảo.
Ngày 12/9/2011 vừa qua, tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Hội thảo “Đồng Văn - Tiềm năng và phát triển”.


Dự hội thảo có các đồng chí: Triệu Tài Vinh - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội), các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...


Đ/c Triệu Tài Vinh, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhấn mạnh: Sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng Văn - Tiềm năng và phát triển” xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn của Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng nhằm khẳng định vị thế đặc biệt và trọng yếu của Hà Giang trong sự phát triển của đất nước, và cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Hội thảo cần đề ra được cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư phát triển công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu, có lộ trình, giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, đề án phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi chất đốt, phát triển cây vụ đông, cây dược liệu, cây cảnh quan, xây dựng nông thôn mới...; đề xuất cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững.

Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, nằm ở cực Bắc của Tổ quốc. Diện tích tự nhiên gần 445 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 31,6%. Địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 - 1.500 m so với mặt biển. Khí hậu khắc nghiệt nhiều năm nhiệt độ xuống dưới 00C, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 150 - 200C. Dân số toàn huyện có trên 65.000 người gồm 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 87%. Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Đồng Văn đã từng bước tháo gỡ khó khăn và giành được những thắng lợi nhất định. Kinh tế tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2010 với tốc độ bình quân 13,6%/năm. Tuy nhiên, Đồng Văn vẫn là một huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, kém phát triển, và đang đối diện với nhiều vấn đề về tự nhiên, kinh tế và xã hội có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả vùng miền núi phía Bắc.

Sau khi nghe báo cáo tổng quan, báo cáo đề dẫn giới thiệu về tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, các đại biểu dự Hội thảo đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận về một số giải pháp nhằm phát triển cây vụ đông, cây dược liệu, cây cảnh quan; Nâng cao năng suất trong nền nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi theo quy mô trang trại và xây dựng nông thôn mới; Quy hoạch chi tiết các lĩnh vực, các ngành - nghề truyền thống; Phát triển nguồn nhân lực; và Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn v.v. Bài tham luận của PGS.TS. Vũ Văn Tích (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) đã tập trung phân tích một số chủ đề như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 4 huyện vùng cao núi đá nói riêng, trong đó huyện Đồng Văn được xác định là “vùng lõi” của công viên địa chất toàn cầu (CVĐC); Bảo tồn và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch; Giải quyết vấn đề chất đốt cho người dân; và Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào thiết kế công trình xanh.

Trong nội dung trình bày, TS. Phạm Hùng Tiến (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) đã khái quát hóa các mô hình sản xuất chuỗi giá trị các sản phẩm truyền thống và dịch vụ du lịch; Phương pháp xây dựng cụm ngành nghề tại địa phương; Tổng hợp các nhóm chính sách kinh tế tại địa phương nhằm thu hút đầu tư; và Phân tích NQ-30a dưới góc độ phát triển dịch vụ văn hóa - du lịch.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định Hội thảo “Đồng Văn - Tiềm năng và phát triển” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà quản lý. Hội thảo thống nhất đề nghị Chính phủ đưa ra quan điểm quy hoạch CVĐC toàn cầu; sớm thống nhất dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CVĐC; Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các huyện, xã tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng từ đá; Việc quy hoạch, phát triển công trình xây dựng phải có ngôn ngữ, kiến trúc riêng mang nét đặc trưng của Hà Giang; Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đưa các nhà khoa học đến tác động vào CVĐC toàn cầu, ứng dụng tiến bộ khoa học trên Cao nguyên đá, xem xét hỗ trợ Hà Giang quy hoạch Bảo tàng địa chất ở CVĐC toàn cầu, gắn kết với các nhà khoa học Liên minh Châu Âu (EU); Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN giúp Hà Giang đánh giá lại cơ chế chính sách hiện có trên địa bàn Hà Giang và CVĐC toàn cầu, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tổng cục Du lịch tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch Hà Giang, CVĐC toàn cầu, liên kết các Tour, tuyến du lịch nổi tiếng trong nước với CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các điểm dừng chân; các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu... Tỉnh Hà Giang đánh giá cao, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học, nhà đầu tư, cụ thể hóa bằng chủ trương, chính sách để Đồng Văn, Cao nguyên đá và Hà Giang phát triển.  

Thay mặt nhóm triển khai nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Giang, GS.TS. Nguyễn Cao Huần (Trưởng Ban Khoa học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) đánh giá cao tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ Văn hóa - Du lịch tại Cao nguyên đá Đồng Văn và nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa khoa học, thực tiễn quan trọng, nhằm mục đích cung cấp bổ sung luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở 4 huyện vùng cao núi đá. Ông hứa sẽ mời thêm các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của ĐHQGHN phối hợp với tỉnh Hà Giang chuẩn bị hội thảo tiếp theo vào tháng 10/2011, tham gia nghiên cứu đề xuất những giải pháp để kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực trên cơ sở bản thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự hội thảo.


Phạm Hùng Tiến

Tag:


Video
QC trái 1
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành