Trang tin tức sự kiện

Minh Trị Duy tân: Những bài học cải cách kinh tế còn nguyên giá trị

Ngày 22/11, Hội thảo quốc tế "Minh Trị Duy tân 150 năm:Nhìn từ Việt Nam" đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Hội thảo do 4 trường đại học đồng tổ chức.


Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cùng Trường ĐHKHXH&NV, Trường Đại học Việt - Nhật thuộc ĐHQGHN, Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2018), 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị của Nhật.

Tham dự Hội thảo có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - ông Umeda Kunio, nhiều nhà khoa học nổi tiếng như PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo ĐHQGHN;  GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; GS. Trần Văn Thọ, ĐH Waseda (Nhật Bản); GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Nhật; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN… cùng nhiều nhà khoa học khác của Việt Nam và Nhật Bản.

 
Ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
 
 
Phó Giám đốc ĐHQGHN - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo 
Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ phát biểu chào mừng Hội thảo

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên 1 diễn ra vào buổi sáng, do GS. Nguyễn Văn Kim và GS. Furuta chủ tọa, có tiêu đề “Nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản”, nội dung chính tập trung vào bối cảnh lịch sử của giai đoạn Minh Trị Duy tân và đối chiếu lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Tại đây, các đại biểu đã được nghe 3 tham luận trong lĩnh vực lịch sử và khoa học xã hội - nhân văn, do các học giả GS.TS Nguyễn Văn Kim, GS. Furuta Motoo và PGS.TS Hoàng Anh Tuấn trình bày.

Trong phiên thảo luận buổi sáng, các bài tham luận làm rõ luận giải một số nguyên nhân, tiền đề, động lực đã thúc đẩy phong trào cải cách và đưa cuộc cải cách đến thành công. Có thể nói, trong tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản, thời kỳ Minh Trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhờ có thành tựu của công cuộc cải cách này mà Nhật Bản có thể tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trở thành cường quốc tư bản đầu tiên ở Châu Á. Cải cách Minh Trị với vai trò và ý nghĩa lịch sử của nó, đã trở thành nhân tố thiết yếu trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử Nhật Bản thời kỳ hiện đại. Trên bình diện Châu Á, những thành tựu của công cuộc cải cách còn có nhiều ảnh hưởng với các quốc gia khu vực. Không ít quốc gia Châu Á đã hướng về đảo quốc và muốn đi theo con đường phát triển của Nhật Bản. Các học giả cũng đưa ra nhiều bình luận về các cách đánh giá khác nhau về Minh Trị Duy tân trong giới khoa học xã hội Nhật Bản. Bên cạnh đó, các học giả đã trình bày một số liên hệ với tiến trình phát triển của Việt Nam trong cùng thời kỳ với Minh Trị Duy tân và thảo luận về các nguyên nhân không thành công của Việt Nam.

Trong phiên này cũng có sự tham gia thảo luận của GS.TS Vũ Minh Giang, TS. Võ Minh Vũ, Trường ĐHKHXH&NV, và ông Funayama Tetsu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mitsubishi tại Việt Nam.

Là 1 chuyên gia về lịch sử, GS.TS Vũ Minh Giang không chỉ trình bày bài tham luận của mình, phân tích các góc độ văn hóa giữa người Nhật và người Việt mà còn đưa ra nhiều câu hỏi rất hay, bình luận sắc bén để tập trung giải thích tại sao Việt Nam lúc bấy giờ cũng có nhiều nhà cải cách như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ nhưng chúng ta khó cải cách còn Nhật Bản thì làm được.

 
GS.TS Vũ Minh Giang phát biểu tại Hội nghị

 
 
GS.TS Nguyễn Văn Kim trình bày tham luận tại Hội nghị

Ngoài ra, GS.TS Vũ Minh Giang còn đặt câu hỏi rằng, người Nhật trọng thực học còn người Việt trọng gì? Minh chứng là Nhật Bản không tổ chức thi khoa bảng thời phong kiến mà nhân tài thường do vua chọn lựa trực tiếp qua quá trình làm việc, còn Việt Nam khoa bảng rất nhiều, chọn người tài qua thi cử, và thậm chí bây giờ vẫn vậy. Điều này cho thấy là Việt Nam đang trọng bằng cấp hơn thực học, đây là 1 trong những hạn chế làm cho chúng ta chưa phát huy được hết nội lực.

Cuộc cải cách Minh Trị (Minh Trị Duy tân) đã mang tới những thay đổi mạnh mẽ về cả chính trị, kinh tế và xã hội trong lòng nước Nhật. Những thành tựu của thời kỳ Minh Trị đã trở thành khuôn khổ và nền móng cho sự phát triển của nước Nhật hiện đại. Hội thảo đã nhìn lại cuộc cải cách Minh Trị của Nhật Bản cách đây 150 năm nhưng vẫn còn rất nhiều ý nghĩa với sự phát triển của nhiều quốc gia trong thời đại ngày nay.

 
 
 
 

Ở phiên thứ 2, nội dung tập trung vào các cải cách về kinh tế của Minh Trị Duy tân, phiên 2 do PGS.TS Nguyễn Anh Thu và GS. Trần Văn Thọ làm chủ tọa. Phiên làm việc này mang chủ đề: Ý nghĩa của Minh Trị Duy tân và sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Phiên 2 gồm 4 bài trình bày của các học giả trong lĩnh vực kinh tế đó là: GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản, bài viết của giáo sư Kenichi Ohno (GRIPS) do PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Trường ĐHKT, ĐHQGHN trình bày, TS Karikomi Shunji, Đại học Waseda, Nhật Bản, và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Trong phiên này cũng có sự tham gia thảo luận của PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi và PGS.TS. Phan Chí Anh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Phiên 2 đi sâu vào các thành tựu cải cách về kinh tế từ thời Minh Trị Duy tân. Bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của thế hệ lãnh đạo Nhật Bản, người Nhật đã đón nhận những tư tưởng, tri thức tiến bộ của nhân loại, đưa đất nước Nhật Bản giành được những kỳ tích trên con đường phát triển, xây dựng đất nước. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, những bài học mà cuộc cải cách này mang lại vẫn có ý nghĩa lớn đối với quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế của các quốc gia. Đó là các bài học như phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may và một số ngành công nghiệp khác, từ đó cải thiện cơ cấu thương mại; tiếp thu công nghệ, tri thức nước ngoài để thực hiện công nghiệp hóa đất nước; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; sự hợp lý và nhất quán trong việc ban hành chủ trương, chính sách của nhà nước; nhanh chóng thích nghi về thể chế khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhật Bản có hai lần cố gắng theo kịp Tây phương: Thời Minh Trị Duy tân và thời phục hưng hậu chiến cùng với giai đoạn chuẩn bị phát triển cao độ. Cả hai lần đều phát huy tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ. Chính trị gia, quan chức, doanh nhân và trí thức cùng hướng vào mục tiêu theo kịp Tây phương. Từ giai đoạn thu nhập trung bình thấp, phải có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mỗi năm 9-10% và kéo dài vài chục năm mới theo kịp các nước tiên tiến. Phát triển với tốc độ thấp hoặc trung bình cần thời gian rất dài và có thể mất cơ hội.

 
PGS.TS Nguyễn Anh Thu trình bày về quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản những năm qua 
 
PGS.TS Nguyễn Đức Thành hy vọng Việt Nam sẽ học được những bài học quý báu từ Minh Trị Duy tân 
 
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi 

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược sau khi nghe các bài tham luận phát biểu rằng: Xét về mặt tài nguyên Việt Nam hơn Nhật Bản, Nhật Bản cũng trải qua chiến tranh và họ đã vươn lên mạnh mẽ bằng cả ý chí dân tộc để trở thành cường quốc kinh tế thế giới, còn Việt Nam chiến tranh đã kết thúc trên 40 năm nay, tuy có rất nhiều thành tựu kinh tế nổi bật nhưng để so với nước Nhật thì chúng ta không bằng được. Điểm khác biệt lớn nhất tôi cho là sự đồng lòng và quyết tâm, Việt Nam chúng ta hô hào rất mạnh mẽ nhưng làm thì chưa quyết liệt, hoặc gặp khó dễ nản lòng. Vì vậy, ý nghĩa từ hội thảo này, điều tôi mong muốn chính là sự quyết tâm của toàn dân trong cải cách kinh tế, mà ban đầu phải là cải cách giáo dục, đào tạo.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo một diễn đàn trao đổi học thuật, báo cáo những nội dung liên quan đến Minh Trị Duy Tân và ý nghĩa hiện đại của cuộc cải cách nà, hướng tới các mục tiêu sau:

Tăng cường sự hiểu biết về những thay đổi kinh tế, văn hóa và xã hội của Nhật Bản trong công cuộc thực hiện cải cách Minh Trị và ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị đối với các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Việt Nam.

GS. Trần Văn Thọ trình bày tham luận 
Nâng cao nhận thức và hiểu biết về hiện trạng quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và phát triển trên cơ sở nhìn nhận từ ý nghĩa hiện đại 150 năm thực hiện cải cách Minh Trị. Xây dựng một mạng lưới học thuật với các nhà khoa học, học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Waseda, Nhật Bản và một số trường đại học, viện Nghiên cứu của Nhật Bản, Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang có sự hợp tác kinh tế rất sâu rộng. Tháng 3/2014, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động kèm theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

 Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu và học giả Việt Nam và Nhật Bản trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu của mình về ý nghĩa hiện đại của cải cách Minh Trị trên các khía cạnh kinh tế và văn hóa cũng như mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay.

Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các diễn giả

Hội thảo này sẽ mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường đại học thuộc ĐHQGHN và các trường ĐH Nhật Bản cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, hướng tới giải quyết các vấn đề lớn về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, Nhật Bản và trong khu vực Châu Á.

___________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN

Văn Công



Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành