Ngày 23/5/2017, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, quản lý và phát triển khu kinh tế xuyên biên giới”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) do Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển xã hội” (KX.01/16-20) tài trợ.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật cũng như thực tiễn giữa các nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế về cơ sở lý luận khu kinh tế xuyên biên giới; Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, quản lý và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới, khu hợp tác kinh tế biên giới và bài học rút ra đối với Việt Nam, sự hình thành và phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới của Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, về phía các bộ, ban ngành có TS. Hoàng Xuân Hoà - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương; ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư; TS. Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công thương; PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Về phía các tổ chức quốc tế có ông Yuebin Zhang, chuyên gia cao cấp về hợp tác vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng Phụ trách, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài (KX.01.09/16-20). Hội thảo còn thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên đến từ các Viện nghiên cứu và trường đại học.
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng Phụ trách phát biểu khai mạc hội thảo
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đã thay mặt Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cảm ơn đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và nhà nghiên cứu đã dành thời gian tham dự Hội thảo. Ông cũng giới thiệu đến đại biểu các mục tiêu hội thảo và đề tài nghiên cứu mà Trường đang triển khai, đồng thời thể hiện mong muốn nhận được chia sẻ và đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực để nhóm nghiên cứu có thể triển khai và nâng cao chất lượng nghiên cứu, từ đó đóng góp một cách thiết thực cho sự phát triển kinh tế của các khu vực biên giới và cả nước.
Trong chương trình, Hội thảo đã lắng nghe bài thuyết trình của TS. Nguyễn Anh Thu với tên gọi “Mô hình và các vấn đề lý thuyết liên quan đến CBEZ”. Ở phần trình bày của mình, TS. Nguyễn Anh Thu đã giới thiệu một số quan điểm về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, một số mô hình lý thuyết mà nhóm nghiên cứu là cho là toàn diện nhất, sự cần thiết và vai trò của việc xây dựng Khu kinh tế qua biên giới, … từ đó đưa ra một số gợi mở về việc xây dựng một Khu kinh tế qua biên giới phù hợp với Việt Nam và các quốc gia láng giềng.
Ông Yuebin Zhang chuyên gia cao cấp về hợp tác vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Tiếp theo bài trình bày của ông Yuebin Zhang “Vai trò của Khu kinh tế đặc biệt đối với phát triển các hành lang kinh tế trong khu vực GMS” đã chia sẻ đến Hội thảo các vấn đề lý thuyết về Đặc khu kinh tế và Khu kinh tế cửa khẩu, và thực tiễn các khu hợp tác kinh tế qua biên giới này tại Tiểu vùng sông Mekong, nhấn mạnh vào một dự án mà ADB hỗ trợ là Khu kinh tế cửa khẩu tại Quảng Tây - Trung Quốc, từ đó đưa ra các hàm ý về các yếu tố để có thể xây dựng thành công Khu kinh tế cửa khẩu gồm có: cơ sở hạ tầng và kết nối vùng, các dịch vụ nhằm thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, cơ chế tài trợ, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện kỹ năng của người lao động (kể cả kỹ năng quản lý và kỹ năng nghề nghiệp) và cuối cùng là sự phối hợp của chính quyền hai bên.
TS. Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công thương trong bài trình bày “Một số giải pháp chính sách quản lý và phát triển các khu kinh tế qua biên giới của Việt Nam” đã chia sẻ một mô hình CBEZs đề xuất phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, phân tích các yếu tố về mặt cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý, các cấu phần của Khu.
TS. Nguyễn Quốc Việt với bài thuyết trình của mình tại hội thảo
Bài thuyết trình của của TS. Nguyễn Quốc Việt “Các điều kiện hình thành CBEZ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” đã thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận về điều kiện hình thành CBEZs như động cơ hình thành CBEZs, các yếu tố đảm bảo sự thành công của CBEZs, các giai đoạn và các cấu phần chính của CBEZs. Đồng thời TS. Nguyễn Quốc Việt cũng giới thiệu đến Hội thảo kết quả khảo cứu về kinh nghiệm quốc tế của khu vực chung Châu Âu, kinh nghiệm hợp tác Mỹ - Mexico, Thái Lan - Malaysia, từ đó đưa ra định hướng xây dựng CBEZs trong tương lai tại các cửa khẩu Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được sự đóng góp ý kiến sôi nổi và tâm huyết của các học giả tham dự về các bài tham luận. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng đây là một đề tài mở, có ý nghĩa to lớn về mặt thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để trả lời cho câu hỏi Việt Nam có nên xây dựng các Khu kinh tế qua biên giới hay không, nếu có Việt Nam nên xây dựng theo hình thức nào, cơ chế quản lý ra sao, xây dựng theo lộ trình nào… Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi nên Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, bình luận và bổ sung của các chuyên gia về sự cần thiết của việc xây dựng CBEZ (phải xem xét toàn diện từ các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường), một số mô hình hiện có và mô hình đề xuất, lợi ích của các bên khi tham gia và Khu, nội hàm của các khu kinh tế biên giới/ đặc khu kinh tế biên giới/ khu hợp tác kinh tế biên giới, cơ chế chính sách quản lý phù hợp với các khu…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi thảo Hội thảo đã thành công tốt đẹp và tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các chuyên gia chia sẻ ý kiến, giúp nhóm nghiên cứu có thể triển khai tốt đề tài, tìm ra các mô hình Khu kinh tế qua biên giới phù hợp cho Việt Nam, từ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên giới và cả nước.