Trang tin tức sự kiện

Nguyễn Ngọc Quân và kinh nghiệm khởi nghiệp từ ghế nhà trường

Trở thành CEO sau chưa đầy 2 năm ra trường, Nguyễn Ngọc Quân là một trong những tấm gương sáng tiêu biểu đại diện cho thành công và sức trẻ của sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT). Trong suốt thời gian qua, Quân đã thực sự để lại rất nhiều ấn tượng với những hoạt động cũng như thành tích mình có được. Cùng trò chuyện và nhìn lại hành trình phấn đấu của chàng cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh này nhé!


Chào Quân, bạn có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân và công việc hiện tại của mình được không? 

Chào bạn, mình là Nguyễn Ngọc Quân, sinh năm 1992, sinh viên lớp QH-2010-E-QTKD Chuẩn quốc tế, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Trong thời gian học tập tại trường, mình từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch Hội sinh viên - Phó bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế. Hiện tại mình đang làm Phó giám đốc Marketing khối nội dung tại Công ty cổ phần VCCorp. Đồng thời mình cũng có một star-up với vị trí là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Wine Việt Nam.

 
Nguyễn Ngọc Quân giao lưu cùng các bạn sinh viên Nhật Bản 
 

Được biết đến với tư cách là CEO của một công ty start-up trong khi còn rất trẻ, chắc hẳn Quân đã gặp không ít khó khăn và thách thức trong quá trình thành lập và phát triển công ty. Bạn có thể chia sẻ với mọi người câu chuyện khởi nghiệp của mình, đặc biệt là những thuận lợi và khó khăn được không?

Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã làm việc ở 2 start-up. Tại start-up đầu tiên, mình từng làm CEO, tuy nhiên hiện tại chỉ là cổ đông. Start-up thứ 2 mình là nhà đầu tư chính và cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Trong khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn, nhưng để chia sẻ thì khởi nghiệp có 2 khó khăn chính. Trước hết là khó khăn về nhân sự. Làm thế nào để có một đội ngũ nhân sự, có thể không quá xuất sắc nhưng phải là những người có thể hiểu. Bởi vì start-up ban đầu rất khó khăn trong mọi thứ: về tiền bạc, thời gian cả về việc chưa rõ ràng trong công việc. Làm việc tại start-up, họ phải tự thách thức bản thân với việc đa-zi-năng hóa bản thân, đôi khi là vừa làm nội dung và sales lúc đi gặp khách hàng, trong khi chấp nhận một mức lương chắc chắn thấp hơn công ty khác hơn. Họ có hiểu để đồng hành cùng start-up vượt qua những giai đoạn khó khăn, ví dụ có những giai đoạn doanh thu chưa về làm công ty bị chậm lương. Đây là sự thật và rất rõ ràng đối với start-up ở Việt Nam. Với những công ty start-up kiểu truyền thống như bọn mình, nhân sự khởi điểm đã quan trọng, nhưng nhân sự khi mở rộng còn quan trọng hơn. Khi công ty phát triển, ta cần tìm người cho công ty, vấn đề đặt ra là cần tìm ai, rồi người đó có hợp với văn hóa của công ty không, hay tuyển 1,2 buổi làm một vài tháng các bạn lại nghỉ, sau khi công ty đã đầu tư cho các bạn rất nhiều.

Vấn đề thứ 2 là về vốn. Bản thân mình cũng biết vốn rất quan trọng qua kinh nghiệm từ các người khởi nghiệp đi trước, nhưng phải đến khi làm mới biết rõ được tầm quan trọng của nó. Thứ nhất là công nợ của công ty. Ví dụ, khi bạn làm cho đối tác tốt, đối tác đã đồng ý kí hợp đồng và sẽ trả cho em một khoản, nhưng đối tác lại bị chậm tiền. Bởi vì, trong kinh doanh, chính đối tác mình lại có những đối tác khác chậm tiền của họ khiến họ không có tiền trả cho mình. Đấy là việc rất là bình thường và diễn ra thường niên, nên công ty lúc nào cũng cần quỹ dự phòng. Nhưng mà đối với start-up thì quỹ dự phòng mỏng, trong tháng đầu tiên bạn có thể đối phó nhưng sang tháng thứ 2 thì sao? Do vậy start-up lúc đó cần tìm nguồn khác như ngân hàng. Ngoài ra, bọn mình còn phải tìm cách để trả lương cho nhân viên, vì trong công việc tối kỵ là trả lương, phải trả lương đúng hẹn.

Trở thành một CEO start-up có phải là một trong những mục tiêu được Quân đề ra từ khi còn là sinh viên không? So với những mục tiêu được đề ra khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bạn thấy mình đã làm được và chưa làm được những gì?

Quân không phải là người theo chủ nghĩa đặt mục tiêu kiểu như tôi nhất quyết là phải nổi tiếng hay phải làm CEO. Việc mình làm start-up và trở thành CEO là một kết quả của quá trình đúc kết rất lâu. Trong thời gian hoạt động bên Đoàn, bên Hội cũng như thời gian hoạt động trong và ngoài trường, mình không nghĩ là phải trở thành một CEO. Nhưng đến lúc thời cơ và cơ hội đến thì những yếu tố tác động để tự khiến mình trở thành CEO.

Quân nghĩ đây là một vấn đề mà các bạn trẻ nên suy nghĩ. Mình thấy rất rõ hiện nay có 2 kiểu phương châm trong công việc. Một là những người đặt mục tiêu rất rõ ràng như ra trường phải bằng giỏi, sau khi ra trường tôi phải làm công ty lớn hay sau khi ra trường tôi phải thành lập một công ty sau 2 năm, 5 năm,… Có những bạn như vậy, đặt mục tiêu rất rõ ràng và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu ấy. Mình nghĩ có nhiều người như vậy và mình có nhiều bạn bè thành công như vậy. Hai là những người như Quân. Quân ưu tiên trải nghiệm, mình học được những gì hơn đã, trước khi nghĩ đến việc mình làm như này để trở thành một CEO.

Như Quân đã nói, trên giảng đường mình cũng không có nhiều mục tiêu rõ ràng lắm. Nhưng mà mình nghĩ mục tiêu lớn nhất mình đạt trên giảng đường là có những người anh, người em và người bạn thực sự yêu thương sống với nhau, như trường mình vẫn gọi là gia đình. Cho đến tận bây giờ những người anh, người bạn, người em vẫn gặp nhau trao đổi và giúp đỡ nhau rất nhiều. Như những người anh vẫn cho Quân những lời chỉ bảo, còn những người em thì vẫn sang nói chuyện, chia sẻ cũng như xin mình lời khuyên. Mình thấy văn hóa kế thừa đấy ở Trường ĐH Kinh tế là cái mục tiêu lớn nhất mình đạt được ở ĐH. Còn những mục tiêu trong học hành hay nhiều cái khác thì đó là kết quả của quá trình mà mình đã đầu tư.

 
 
Nguyễn Ngọc Quân tham gia rất tích cực hoạt động Đoàn - Hội khi còn là sinh viên 

Những năm học tập tại ĐHKT đã giúp ích cho công việc hiện tại của Quân như thế nào? Về học tập, hoạt động đoàn hội, cũng như các mối quan hệ…?

Quân nghĩ là toàn bộ những trải nghiệm của mình ở đại học đều là nền tảng cho mình đến bây giờ. Mình vẫn quan niệm rằng: có những năm tháng ở ĐHKT thì mới có mình bây giờ. Đến tận thời điểm này, trong công ty, có hơn một nửa các bạn ở ĐHKT trước đây cùng làm sự kiện với mình. Không có các bạn ấy thì không có team này, chúng ta phải có nhau thì mới ra được một team.

Quân có thể chia sẻ và định hướng cho những bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội theo ngành marketing, đặc biệt là các bạn hứng thú với doanh nghiệp start-up được không?

Thực tế, các bạn sinh viên hiện tại mới là những người nhận ra xu hướng mới trong marketing. Ví dụ: Instagram, FB, Zalo, rồi Foody, Lozi,... cái này ở nước ngoài họ làm nhiều rồi, nhưng ở Việt Nam thì vẫn là mới. Marketing đang thay đổi rất nhanh và mạnh vì những công cụ truyền thống chết rồi. Ngày trước đăng báo thôi là đủ, nhưng bây giờ đăng báo là không đủ, mà nó còn phải kèm theo nhiều hoạt động marketing nữa. Triển vọng marketing là một lĩnh vực rất rộng mở, đặc biệt là không yêu cầu kinh nghiệm quá nhiều, mà nó yêu cầu sáng tạo và óc tư duy. Quân nghĩ những bạn có những điều đấy thì nên thử sức với marketing. Ở trong team cũng có rất nhiều bạn học Kinh tế Phát triển, học Tài chính Ngân hàng, nhưng các bạn vẫn làm marketing, vì các bạn ấy có tư duy rất tốt, vậy thôi. Mình nghĩ marketing là một ngành không kén người quá. Những người muốn giỏi thì phải có sự đầu tư công sức, và tốt nhất là nên đi theo một trường phái marketing cụ thể. Như bên mình thì đi theo trường phái nội dung với cả Facebook,... còn nhiều trường phái lắm, ví dụ như quảng cáo, làm event, sự kiện,... tùy mọi người, cái này rất rộng mở.

Quân có điều gì muốn nhắn nhủ tới các thế hệ sinh viên tiếp theo của ĐHKT không ?

Vẫn là một câu nhắn nhủ ở các thế hệ mà Quân đã từng nói thôi. Trường ĐHKT - ĐHQGHN có văn hóa mạnh hơn các trường khác. Thứ nhất là nhỏ, nhỏ thì sinh viên biết nhau nhiều hơn. Thứ hai là có văn hóa gia đình. Có hệ văn hóa ĐHKT rồi, Quân nghĩ là các bạn sinh viên nên duy trì. Bây giờ duy trì bao nhiêu mình không biết, nhưng mình nghĩ là các bạn cứ thử. Thực ra nhiều người bạn của Quân cũng vẫn hay hỏi rằng thế sinh hoạt ở ĐHKT thì có tốt không, trường nhỏ như thế sinh hoạt có hiệu quả không? Ví dụ, học ở ĐH Ngoại thương thì được tiếng, làm ở chỗ nọ chỗ kia cũng được tiếng... Những lần bị hỏi như vậy, Quân thẳng thật mà nói là: cứ phải làm thử mới biết được. Lời khuyên chân thành là cứ cống hiến, làm cái gì mà các bạn cảm thấy thực sự đam mê ý, thì nó mới ra kết quả. Có thể học, đam mê hết mình cũng được, các bạn sẽ được là nghiên cứu giỏi. Chơi hết mình cũng được, mình sẽ có hệ thống, network - sự kết nối, quan hệ rộng. Các bạn đam mê làm sự kiện, event thì các bạn có cơ hội làm ở các công ty tổ chức sự kiện. Nói chung, như Quân đã chia sẻ, là cứ đam mê thì cứ làm hết mình đã, đừng có làm nửa vời. Đừng nghĩ rằng mình tham gia cái này một chút, cái kia một chút là sẽ có hiệu quả, tất nhiên là nó không sai, nhưng nó lại không sâu. Cứ theo một cái đam mê mạnh mẽ thì nó sẽ thành nghề.

Cảm ơn bạn đã bớt thời gian chia sẻ!


Hương Giang- Hoàng Dũng - Cẩm Linh - Vinh Quang

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành