TS. Trần Quang Tuyến tốt nghiệp đại học và thạc sĩ Chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Quốc gia Hà Nội và tiến sĩ Chuyên ngành Kinh tế học tại Trường Đại học Waikato, New Zealand. Hiện anh là giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị.
Kể từ khi về nước và công tác từ năm 2013 cho tới nay, TS. Trần Quang Tuyến đã đạt được những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học qua việc công bố 21 bài báo trên các tạp chí trong danh mục ISI (SSCI) và 4 bài trong danh mục Scopus. Trong đó có 3 bài xếp hạng Q1 (top 25%) trong danh mục ISI và 04 bài xếp hạng Q1 trong danh mục Scimago (Scopus) mà anh là tác giả chính. Năm 2016, anh được bầu chọn với kết quả cao bởi hơn 200 nhà khoa học trong nước và đã được Bộ Khoa học - Công nghệ tuyển chọn là thành viên Hội đồng ngành Kinh tế thuộc Quỹ Phát triển Khoa học - Công nghệ Quốc gia (Nafosted) nhiệm kỳ 2016 - 2018.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với TS. Trần Quang Tuyến để nghe anh chia sẻ nhiều điều thú vị:
- Anh có thể chia sẻ bí quyết gì để anh có nhiều bài báo quốc tế uy tín liên tục trong những năm gần đây?
Tôi cho rằng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm về vai trò của một giảng viên trong trường đại học có định hướng nghiên cứu là nguyên nhân chính thôi thúc tôi tiếp bước con đường nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở New Zeland. Bên cạnh đó, tôi rất may mắn vì luôn có những người bạn rất giỏi, những đồng nghiệp cùng đam mê nghiên cứu ở trong và ngoài trường đã và đang cùng tôi nghiên cứu, công bố nhiều bài báo ISI. Sau cùng, làm việc trong một môi trường học thuật, các khuyến khích về vật chất và tinh thần của ĐHQGHN và Trường ĐHKT cũng là nhân tố quan trọng cho niềm đam mê theo đuổi nghiên cứu và thành công nho nhỏ của tôi.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình cũng chỉ là một giảng viên bình thường và còn cần học hỏi đồng nghiệp rất nhiều. Giảng viên Trường ĐHKT nói chung khá xuất sắc về nhiều nhiều mặt. Có giảng viên được sinh viên đánh giá rất cao (qua kết quả khảo sát), có người đang được mời thỉnh giảng ở các trường uy tín của Nhật, Mỹ, có người rất nổi tiếng về đào tạo ngắn hạn, có người lại xuất sắc trong thu hút và thực hiện đề tài, dự án cấp quốc gia, quốc tế. Trường ĐHKT có khoảng 2/3 giảng viên tốt nghiệp ở nước ngoài về và trong số đó phần lớn đều có thể giảng dạy, nghiên cứu bằng tiếng Anh khá tốt.
Cảm nhận chung là đội ngũ giảng viên của Trường ĐHKT “tinh hoa”, hiện đại, năng động, rất tâm huyết và yêu nghề đúng như chủ trương phát triển nguồn nhân lực của Trường ĐHKT (không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng).
- Vừa qua, cùng với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT được bầu là Phó Chủ tịch Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia - Nafosted uy tín, anh cũng đã được bầu là thành viên Hội đồng. Đó là niềm mơ ước, tự hào của rất nhiều giảng viên và trường đại học có giảng viên được bầu chọn. Anh có thể nói thêm về lý do được bầu chọn?
Quỹ Nafosted chuyên tài trợ nghiên cứu cơ bản và các thành viên của Quỹ là những nhà khoa học uy tín trong các lĩnh vực chuyên ngành. Ngày nay, nghiên cứu khoa học xã hội cần phải hội nhập với những chuẩn mực quốc tế. Do vậy, các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản cần phải được đánh giá khách quan bởi cộng đồng các nhà khoa học quốc tế. Kết quả nghiên cứu trong khoa học xã hội cần được phản biện và đăng ở các tạp chí quốc tế uy tín - các tạp chí trong danh mục ISI (SSCI, AHCI) hoặc Scopus. Vì lẽ đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa tiêu chí bầu chọn thành viên hội đồng nhiệm kỳ tới cần đáp ứng yêu cầu về công bố quốc tế nói trên. Đây chính là lý do chính giúp tôi và một số giảng viên trẻ khác có được điểm số cao khi được bầu chọn và sau đó đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn làm thành viên hội đồng Ngành Kinh tế của Quỹ Nafoted nhiệm kỳ 2016 - 2018. Cùng với tôi được bầu chọn làm thành viên của hội đồng, còn có TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Phạm Khánh Nam và PGS.TS. Võ Xuân Vinh là các giảng viên trẻ (7X) có nhiều công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và ông Rikhi Thakral trao phần thưởng cho các giảng viên đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: TS. Trần Quang Tuyến đứng thứ 5 từ trái sang.
- Nhiều đồng nghiệp và các em sinh viên cho biết anh rất cởi mở, hơi… “nói nhiều” một chút nhưng luôn tích cực giúp đỡ đồng nghiệp và sinh viên. Anh nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, tôi là người cởi mở và đôi khi nói hơi nhiều về những gì mình đam mê nghiên cứu. Tôi rất vui khi được chia sẻ và học hỏi từ các bạn đồng nghiệp trong và ngoài trường. Hiện tôi đã thành lập được nhóm nghiên cứu và trong thời gian qua đã cộng tác rất tốt, thể hiện qua việc cùng nhận được các tài trợ cho các đề tài nghiên cứu và cùng công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế uy tín. Nhóm của chúng tôi thường gặp nhau trao đổi về các ý tưởng, xu hướng và phương pháp mới trong nghiên cứu kinh tế.
- Có đồng nghiệp chia sẻ với chúng tôi rằng năng lực của anh đã phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Điều gì đã thôi thúc anh phải đi học tiến sĩ nước ngoài ở một độ tuổi không còn trẻ?
Như bạn biết đấy, Trường ĐHKT đã đạt được thành tích xuất sắc trong 10 năm qua ở nhiều lĩnh vực. Thống kê trong 5 năm qua cho thấy về thành tích công bố quốc tế uy tín (ISI) theo phân ngành kinh tế và kinh doanh thì Trường ĐHKT thuộc tốp đầu cùng với hai đại học lớn là Trường ĐHKT Quốc dân và Trường ĐHKT TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của Trường ĐHKT có chất lượng tốt và được xã hội, doanh nghiệp và người học đánh giá tích cực. Trường ĐHKT cũng có nhiều giảng viên giỏi được mời dạy và tư vấn cho doanh nghiệp, được mời giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài và là thành viên của các tổ chức học thuật có uy tín trong nước.
Tôi thấy Trường ĐHKT thực sự phát triển vượt bậc sau 10 năm thành lập, nhờ sự đóng góp của tất cả mọi người, trên nhiều phương diện. Cá nhân tôi cho rằng bắt đầu từ năm 2007, ĐHKT cần phải phát triển lên một tầm cao mới và điều đó đỏi hỏi trường cần có một đội ngũ giảng viên được đào tạo ở các nước tiên tiến. Vào thời điểm đó, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng đã thu hút được khá nhiều các giảng viên trẻ tốt nghiệp tiến sĩ ở các nước phát triển về công tác ở trường. Tôi có cảm nhận bị sức ép “Peer effects” từ phía các đồng nghiệp trẻ về ngoại ngữ, về phương pháp nghiên cứu cũng như phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều đó đã thôi thúc tôi học tiếng Anh để đi du học bậc tiến sĩ ở một nước phát triển ở độ tuổi không còn trẻ. Với quyết tâm và sự “cần cù bù yếu kém”, tôi đạt được điểm thi IELTS là 6,5 - mức tối thiểu đủ để học bậc tiến sĩ ở một nước nói tiếng Anh. Năm 2009, tôi theo học nghiên cứu sinh ngành kinh tế tại Đại học Waikato (New Zealand) và hoàn thành luận án trong thời gian 3,5 năm.
Tuy nhiên, tôi cho rằng có được tấm bằng tiến sĩ chỉ là chứng chỉ cần thiết cho việc hành nghề nghiên cứu mà thôi. Không chỉ dừng lại với việc nhận tấm bằng tiến sĩ, tôi ý thức rằng mình luôn phải tiếp tục hoạt động nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế uy tín. Việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học cũng chính là một trong những mục tiêu chính và yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên ở các trường đại học định hướng nghiên cứu.
Tôi đã dành nhiều thời gian, công sức cho nghiên cứu, viết báo và rất mừng là nhiều bài viết đã được xuất bản ở các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục ISI. Thời gian đầu rất khó khăn với tôi cũng như các bạn khác ở trường khi nguồn tài trợ cho nghiên cứu chưa có nhiều cho việc nghiên cứu nhưng chúng tôi vẫn theo đuổi công việc này. Với nỗ lực và thành công bước đầu đạt được, tôi cùng các bạn đồng nghiệp đã có được các tài trợ cho hoạt động nghiên cứu từ các nguồn khác nhau như ĐHQGHN, Nafosted và các doanh nghiệp.
TS. Trần Quang Tuyến (ngồi giữa) làm việc cùng các cán bộ, giảng viên Khoa KTCT
- Mục tiêu của anh trong năm 2017 là gì? Mục tiêu chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học của tôi trong năm 2017 là hoàn thành sớm các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi Nafosted, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN mà tôi là chủ nhiệm cũng như thành viên. Bên cạnh đó, tôi có dự định sẽ quay lại Trường Đại học Waikato để thực hiện một nghiên cứu với thầy giáo hướng dẫn và các bạn đồng nghiệp bên đó. Tôi và nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu năm nay sẽ công bố 2 bài báo đăng tải ở tạp chí quốc tế uy tín xếp hạng Q1 và tin vui đầu năm cho nhóm nghiên cứu của tôi là chúng tôi đã có một bài báo được xuất bản trong tạp chí xếp hạng Q1 của ISI và Scimago http://link.springer.com/article/10.1007/s10902-017-9851-4. Liên quan tới công tác đào tạo, tôi cũng dự định và mong muốn được tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh theo chuẩn mới về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục - Đào tạo và ĐHQGHN, với hy vọng sẽ đào tạo được các tiến sĩ sẽ có 2 bài báo ISI/Scopus trước khi bảo vệ luận án ở ĐHQGHN.
- Cuối cùng, anh có nhắn nhủ gì đối với các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đam mê nghiên cứu khoa học?
Những tiến bộ của nhân loại đều dựa vào nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ. Tôi muốn nói rằng hoạt động NCKH đúng nghĩa sẽ đem lại cho chúng ta niềm đam mê và các lợi ích rõ ràng trong cuộc sống. Các bạn nghiên cứu sinh trong những năm tới cần coi yêu cầu cao hơn về chuẩn tiến sĩ của Bộ GD&ĐT hay ĐHQGHN như là cơ hội để chúng ta vượt qua chính mình, khẳng định và vươn lên về trình độ ngoại ngữ và phương pháp nghiên cứu. Chính những yêu cầu cao đó giúp chúng ta hoàn thiện, khẳng định chính mình và khi đó thực sự trở thành nhà nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế.
- Cảm ơn anh. Chúc cho những dự định của anh sớm thành hiện thực!