Trang tin tức sự kiện

Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật nửa sau tháng 10/2022)

Trong nửa sau tháng 10 năm 2022, một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo đại học.



Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:

1. Ngày 18/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 83/2022/NĐ-CP về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

a, Hiệu lực thi hành : Nghị định 83/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022

b, Nội dung cơ bản:

Theo đó, bổ sung nhiều trường hợp cán bộ, công chức nữ được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đơn cử như sau:

- Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương;

- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; …

Ngoài ra, Nghị định 83/2022/NĐ-CP không áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên;

- Cán bộ, công chức là Ủy viên Trung ương Đảng;

- Trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị,…

Nghị định 83/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 và thay thế Nghị định 53/2015/NĐ-CP , Nghị định 104/2020/NĐ-CP .

>>> Xem toàn văn: Nghị định 83/2022/NĐ-CP

2. Ngày 24/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2022/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

a, Hiệu lực thi hành : Nghị định 86/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022

b, Nội dung cơ bản:

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm:

(1) Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

(2) Báo Giáo dục và Thời đại.

(3) Tạp chí Giáo dục.

So với quy định hiện hành, Nghị định 86/2022/NĐ-CP đã giảm 02 đơn vị sự nghiệp công lập sau:

- Học viện Quản lý giáo dục.

- Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp khác thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ theo quy định của pháp luật, trừ các đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Nghị định 86/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2022 và thay thế Nghị định 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017.

>>> Xem toàn văn: Nghị định 86/2022/NĐ-CP

3. Ngày 11/10/2022, Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Thông tư 14/2022/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được sửa đổi theo Thông tư 01/2020/TT-BKHCN .

a, Hiệu lực thi hành : Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 12/12/2022

b, Nội dung cơ bản:

Trong đó, sửa đổi tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của nghiên cứu viên từng hạng như sau:

- Đối với nghiên cứu viên cao cấp (hạng I):

Có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu.

Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học.

- Đối với nghiên cứu viên chính (hạng II):

Có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu.

Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học.

- Đối với nghiên cứu viên (hạng III):

Có trình độ đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu.

Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học.

- Đối với trợ lý nghiên cứu (hạng IV):

Có trình độ trung cấp trở lên phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu.

Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học.

Như vậy, so với Thông tư liên tịch 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV, quy định mới đã bỏ các tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo các bậc, trình độ tin học.

Thay vào đó, chỉ yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

>>> Xem toàn văn: Thông tư 14/2022/TT-BKHCN

4. Ngày 10/10/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

a, Hiệu lực thi hành : Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/11/2022

b, Nội dung cơ bản:

Trong đó, có quy định tiêu chuẩn của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm như sau:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, công tâm trong công việc.

- Có thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học, có trách nhiệm, hợp tác trong công việc; tuân thủ pháp luật.

- Có hiểu biết sâu, rộng và kinh nghiệm thực tiễn về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; am hiểu chính sách, pháp luật về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm;

Có khả năng độc lập, tự chủ đưa ra nhận xét, đánh giá và khuyến nghị về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Có từ 05 năm trở lên là giảng viên hoặc hoạt động trong lĩnh vực quản lý giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

- Có thể kiểm định viên còn hiệu lực.

>>> Xem toàn văn: Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT

5. Ngày 21/10/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội ra Quyết định số 3645/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy chế Giải thưởng Nhà giáo ĐHQGHN của năm và các giải thưởng về đổi mới giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

a, Hiệu lực thi hành : Quyết định số 3645/QĐ-ĐHQGHN có hiệu lực từ ngày 21/10/2022

b, Nội dung cơ bản:

Việc ĐHQGHN ban hành quy chế này nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, có đóng góp, sáng kiến và nỗ lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc thực hiện vai trò tiên phong và nòng cột của ĐHQGHN trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Thúc đẩy giao lưu gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động dạy học giữa các nhà giáo, góp phần củng cố và phát triển tinh thần OneVNU trong toàn ĐHQGHN; Đẩy mạnh sự tham gia của các đơn vị trong việc đánh giá, ghi nhận, và hỗ trợ các nhà giáo có sáng kiến và thực hành tốt trong hoạt động dạy học, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo trong giáo dục tại ĐHQGHN; Tăng cường sự kết nối với các đối tác doanh nghiệp và tổ chức giáo dục ngoài ĐHQGHN nhằm thúc đẩy sự phát triển giáo dục.

Giải thưởng sẽ được triển khai bình xét và trao giải thưởng vào ngày 10/12 hàng năm, số lượng mỗi năm là 10 suất dành cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên cơ hữu xuất sắc nhất.

Quy chế này áp dụng đối với giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên tham gia công tác giảng dạy tại các trường phổ thông, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thành viên, trực thuộc ĐHQGHN, không áp dụng đối với cán bộ thuộc khối hành chính và Ban Giám hiệu hoặc tương đương ở các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN.

Trong quy chế ban hành nêu rõ mục đích, đối tượng được giải thưởng, cơ cấu giải thưởng.

Các nhà giáo tham gia Giải thưởng cần đáp ứng các điều kiện sau: Hoàn thành nhiệm vụ năm học ở mức tốt theo quy định tương ứng với chức danh nghề nghiệp. Có thành tích trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động cộng đồng có ảnh hưởng tích cực đến uy tín, vị thế của đơn vị, ĐHQGHN nói riêng và đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa và con người Việt Nam nói chung; Đối với các giải thưởng của nhà tài trợ: Đáp ứng các yêu cầu của nhà tài trợ (về thâm niên giảng dạy, về lĩnh vực chuyên môn, về đóng góp xã hội … ).

Việc ĐHQGHN ban hành quy chế này để hiện thực hóa chương trình và tăng thêm số lượng nhà tài trợ cũng như đối tượng học sinh, sinh viên, giảng viên trong mỗi năm.

>>> Xem toàn văn: Quyết định 3645/QĐ-ĐHQGHN


Phòng Thanh tra & Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN



Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành