Mới đây, TS. Vũ Thị Thanh Bình và TS. Đặng Thu Hằng – giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã hoàn thành khoá đào tạo quốc tế trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật (ITEC) 2025 do Chính phủ Ấn Độ tổ chức, góp phần nâng tầm chất lượng đào tạo và nghiên cứu của nhà trường trong lĩnh vực quản trị dự án và phát triển hạ tầng.
Các cán bộ, chuyên gia đến từ 21 quốc gia trên thế giới tham gia tập huấn Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC)Vừa qua, TS. Vũ Thị Thanh Bình và TS. Đặng Thu Hằng – giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tham gia khóa đào tạo quốc tế trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật(ITEC) 2025 do Chính phủ Ấn Độ tổ chức. Khóa học với chủ đề “Infrastructure Project Management & PPP” được tổ chức tại Trường Đại học Gati Shakti Vishwavidyalaya, bang Gujarat, Ấn Độ. Đây là một trong những chương trình tập huấn chuyên sâu với sự tham gia của hơn 60 chuyên gia, giảng viên và cán bộ quản lý đến từ 21 quốc gia khác nhau trên thế giới, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như quản lý các dự án hạ tầng lớn, các mô hình hợp tác công tư, cũng như những xu hướng hiện đại trong quản trị dự án đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Môi trường học tập quốc tế chuyên nghiệp
Giảng viên của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã hòa nhập nhanh chóng vào môi trường học tập đa quốc gia và đa văn hóa, nơi quy tụ những học viên đến từ nhiều quốc gia với nền tảng và kinh nghiệm đa dạng. Các buổi học được tổ chức bài bản với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng một cách hiệu quả. Nội dung chương trình không chỉ tập trung vào kỹ thuật quản lý dự án mà còn mở rộng sang các khía cạnh về chính sách, tài chính và pháp lý liên quan đến hợp tác công tư. Các giảng viên UEB đã chủ động tham gia các buổi thảo luận nhóm, phản biện và chia sẻ những quan điểm học thuật, từ đó nâng cao khả năng tư duy phản biện và tiếp nhận kiến thức một cách sâu sắc hơn.
Khoá tập huấn tập trung vào kỹ thuật quản lý dự án, các khía cạnh về chính sách, tài chính và pháp lý liên quan đến hợp tác công tưTrải nghiệm thực tế và học hỏi từ doanh nghiệp hàng đầu
Bên cạnh các buổi học lý thuyết, đoàn giảng viên đã có cơ hội tham quan thực tế tại doanh nghiệp Plasser India – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị hạ tầng đường sắt. Hoạt động tham quan giúp các giảng viên hiểu rõ hơn về quy trình vận hành, quản lý và ứng dụng các kiến thức quản lý dự án trong môi trường doanh nghiệp thực tiễn. Đây là trải nghiệm quan trọng giúp các giảng viên kết nối giữa lý thuyết và thực tế, từ đó tăng cường khả năng truyền đạt những kiến thức thực tiễn cho sinh viên cũng như phát triển các nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn ngành nghề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các giảng viên tại Khoa Kế toán Kiểm toán.
Giảng viên UEB tham quan và trao đổi chuyên môn tại Plasser India trong chương trình tập huấnTham gia nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng và xuất bản sản phẩm khoa học
Trong khuôn khổ chương trình, các giảng viên còn được tạo điều kiện tham gia vào các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Đây là cơ hội để họ trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm học thuật với các chuyên gia và nhà quản lý đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các hoạt động này không chỉ giúp mở rộng hiểu biết về các phương pháp nghiên cứu hiện đại mà còn hỗ trợ các giảng viên trong việc xây dựng các bài báo khoa học, xuất bản sản phẩm chuyên ngành có giá trị học thuật cao. Những kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Khoa Kế toán Kiểm toán cũng như Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN trên trường quốc tế.
Giảng viên UEB tham gia nghiên cứu chuyên sâuMở rộng mạng lưới hợp tác đa phương quốc tế
Chuyến công tác còn mang lại cơ hội thiết lập và củng cố các mối quan hệ hợp tác đa phương với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ quốc tế. Các kết nối này tạo nền tảng vững chắc để xây dựng các chương trình trao đổi học thuật, đào tạo, nghiên cứu và hợp tác phát triển trong tương lai. Đặc biệt, sự đa dạng về quốc gia và lĩnh vực chuyên môn của các đối tác giúp Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần khẳng định vị thế của trường trên bản đồ giáo dục quốc tế.

Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN luôn tạo điều kiện tối ưu để đội ngũ giảng viên tiếp cận các xu hướng giáo dục hiện đại, cập nhật kiến thức chuyên môn mới và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đa dạng từ nhiều môi trường học thuật trên thế giới. Nhà trường mong muốn xây dựng một đội ngũ giảng viên không chỉ vững chuyên môn mà còn có tầm nhìn toàn cầu, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế. Đây chính là nền tảng quan trọng để Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng sâu rộng.
TS. Vũ Thị Thanh Bình, TS. Đặng Thu Hằng – Khoa Kế toán Kiểm toán; Biên tập: UEB Media