Trang tin tức sự kiện

Chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản: Một số kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam

Chuyển đổi số chuỗi cung ứng doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức kinh doanh, không chỉ đối với hiệu quả hoạt động mà còn tạo giá trị cho khách hàng và cải thiện tính bền vững môi trường. Về nội bộ chuỗi cung ứng, chuyển đổi số giúp nâng cao khả năng phục hồi trước biến động, tăng cường chia sẻ thông tin và giảm rủi ro, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua tích hợp, hợp tác và khả năng phản hồi. Đặc biệt, công nghệ số hỗ trợ tự động hóa và cá nhân hóa, giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu sai sót, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quản lý môi trường, giúp giảm ô nhiễm và chất thải thông qua sản xuất thông minh và quản lý vòng đời sản phẩm hiệu quả. Nhờ vậy, các doanh nghiệp không chỉ gia tăng sức cạnh tranh mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. 



Ở Việt Nam, chiến lược và hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp đã được xây dựng, ban hành, và triển khai rộng rãi từ sau 2020. Tuy nhiên việc chuyển đổi số chuỗi cung ứng doanh nghiệp còn tồn tại nhiều khoảng trống về lý luận khoa học, xây dựng chính sách, và thực tiễn trong hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã thực hiện việc nghiên cứu tổng hợp các kinh nghiệm chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng tại các quốc gia phát triển, phân tích thực trạng tại Việt Nam và rút ra những bài học chung phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam để hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng số hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đề tài “Chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản: Một số kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, Mã số: KT.23.52. Đề tài được thực hiện bởi nhóm các giảng viên Viện Quản Trị Kinh Doanh và Trung tâm Nghiên cứu Quản Trị Kinh Doanh là PGS.TS. Phan Chí Anh, PGS.TS.Nguyễn Thu Hà, TS. Hoàng Trọng Trường, ThS.Nguyễn Thị Nguyệt Nương.

Được thực hiện trong năm 2024, đề tài nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân tích các kinh nghiệm quốc tế và thực trạng chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số hàm ý thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chuỗi cung ứng tại Việt Nam liên quan đến thể chế, chuyển đổi con người, chuyển đổi quá trình, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu của chuỗi cung ứng. Các nội dung chủ yếu của đề tài bao gồm:

  • Phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản của các quốc gia phát triển
  • Phân tích thực trạng chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản tại Việt Nam
  • Đề xuất giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản tại Việt Nam.

Về phạm vi không gian: đề tài phân tích kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như các nước G7, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Bên cạnh kinh nghiệm quốc tế, đề tài cũng phân tích thực trạng chuyển đổi số chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao và nông sản tại doanh nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phân tích các trường hợp điển hình các doanh nghiệp, phân tích dữ liệu dự án High Performance Manufacturing (HPM) của doanh nghiệp sản xuất tại 11 quốc gia/vùng lãnh thổ và phân tích dữ liệu khảo sát 100 doanh nghiệp nông lâm nghiệp Việt Nam; nhóm nghiên cứu đã làm rõ kinh nghiệm và thực trạng chuyển đổi số chuỗi cung ứng các doanh nghiệp thế giới và Việt Nam theo trên 3 khía cạnh: con người, công nghệ và quá trình sản xuất kinh doanh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra một số kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam được tóm tắt như sau:

  • Qui hoạch và xây dựng bản đồ chuyển đổi số ngành

Việt Nam có thể xây dựng các bản đồ chuyển đổi số ngành phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, logistics và dịch vụ... Đồng thời, cần cung cấp các công cụ đánh giá trực tuyến để các doanh nghiệp tự kiểm tra năng lực kỹ thuật số của mình.

  • Chính sách hỗ trợ tài chính và giảm chi phí chuyển đổi số

Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án số hóa có tính khả thi cao có liên quan đến các sản phâm chủ lực. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế hoặc huy động vốn từ các quỹ hỗ trợ chuyển đổi số cũng là một lựa chọn khả thi.

  • Xây dựng hạ tầng số và an ninh mạng vững chắc

Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, đặc biệt là phủ sóng 5G và tăng cường năng lực các trung tâm dữ liệu. Song song đó, cần xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu và giao dịch điện tử để tạo niềm tin cho doanh nghiệp và khách hàng quốc tế.

  • Đào tạo kỹ năng số cho người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp

Chính phủ cần tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cho lao động, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các công nghệ mới như AI, IoT, và dữ liệu lớn

  • Xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng phục vụ chuyển đổi số

Chính phủ cần xây dựng các khung tiêu chuẩn quốc gia cho công nghệ quản trị hiện đại cũng như công nghệ số trong đó tập trung vào các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn, và an toàn thông tin. Việc tăng cường năng lực kiểm định và chứng nhận cũng rất cần thiết, Việt Nam cần phát triển các trung tâm kiểm tra và chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm kiểm tra chất lượng các công cụ chuyển đổi số hoặc sản phẩmsố hóa.

  • Hợp tác công - tư trong chuyển đổi số

Chính phủ có thể hợp tác với khu vực tư nhân tổ chức các hội thảo, triển lãm công nghệ để chia sẻ kiến thức, xu hướng và giải pháp thực tiễn. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thành lập quỹ quốc gia về chuyển đổi số với sự góp vốn từ cả nhà nước và khu vực tư nhân, tập trung tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu có sự hợp tác chặt chẽ với các học giả quốc tế từ Trường Đại học Nam Đan Mạch (SDU) và Đại học Quốc Gia Chungbuk (Hàn Quốc). Các học giả TS. Mustafa Khalil Mahmood, TS. Sadia Soltani, GS. DongBack Seo đã cung cấp nhiều kiến thức, thông tin bổ ích giúp các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế hoàn thành mục tiêu đề tài nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy việc nghiên cứu chuyển đổi số doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi số chuỗi cung ứng nói riêng là rất cần thiết cho Việt Nam. Chuyển đổi số chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng doanh nghiệp là quá trình tất yếu để phát triển kinh tế số. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng bắt đầu từ chuyển đổi con người, chuyển đổi quá trình và mô hình kinh doanh, và ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho thị trường. Kết quả nghiên cứu cũng đã được báo cáo trong Hội thảo “Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức vào tháng 9/2024 và cũng đã được công bố trên Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh.

 

 


PGS. TS. Phan Chí Anh, PGS.TS.Nguyễn Thu Hà, TS.Hoàng Trọng Trường, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Hội nghị

Tag:


Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành