Ngày 15/12/2024, đoàn nghiên cứu sinh Ngành Quản lý Kinh tế và Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có chuyến tham quan thực tế đầy ý nghĩa tại Nhà máy sản xuất nhựa nội - ngoại thất của Công ty CP Toàn Phát và Hợp tác xã Sinh Dược tại Ninh Bình.
Hoạt động này là một phần trong chương trình đào tạo nghiên cứu sinh Ngành Quản lý Kinh tế và Kinh tế Chính trị QH-2023 đợt 2 và QH-2024 đợt 1, đợt 2. Chuyến đi có sự tham gia của Ban Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế, Ban chủ nhiệm và giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, giảng viên hướng dẫn trong và ngoài Khoa.
Trong suốt chuyến đi, các giảng viên và nghiên cứu sinh đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ từ Ban Lãnh đạo Công ty CP Toàn Phát và Hợp tác xã Sinh Dược về lịch sử hình thành, phát triển cũng như tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với kinh tế và văn hoá tỉnh Ninh Bình.
Trải nghiệm tại Nhà máy sản xuất nhựa nội - ngoại thất
Tại đây, đoàn đã được trực tiếp tham quan các dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh các sản phẩm nhựa như tấm ốp trần, sàn nhựa, trần nhựa và cửa nhựa, nhà máy còn sản xuất các linh kiện quan trọng cho xe máy điện và ô tô điện của Vinfast. Qua đó, các thắc mắc liên quan đến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đã được giải đáp cụ thể.
Những thông tin được chia sẻ từ Tổng Giám đốc Công ty CP Toàn Phát đã giúp đoàn hiểu rõ hơn về vai trò của nhà máy gia công trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, quản trị nhân sự và hợp tác quốc tế trong việc mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Khám phá Hợp tác xã Sinh Dược
Tại HTX Sinh Dược, các nghiên cứu sinh đã được trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất và không gian trưng bày các sản phẩm từ dược liệu. Gần 20 loại sản phẩm tốt cho sức khoẻ như xà bông, dầu tắm hoa hồng, dầu tắm bồ hòn, và muối ngâm chân đã để lại nhiều ấn tượng. Đặc biệt, đoàn còn được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác hoàn toàn bằng tay bởi các nghệ nhân tài hoa.
Các nghiên cứu sinh đã có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật thêu trên lá bồ đề – một sản phẩm đặc trưng mang giá trị văn hoá sâu sắc, cùng các sản phẩm đèn lồng thủ công, mỗi chiếc đèn kể một câu chuyện lịch sử độc đáo của Ninh Bình và Việt Nam. Ngoài ra, các mặt hàng thủ công khác như tranh nghệ thuật và các món đồ trang trí từ lá bồ đề cũng thu hút sự quan tâm lớn từ đoàn tham quan.
Chuyến tham quan thực tế đầy ý nghĩa
Nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Dũng (ngành QLKT) chia sẻ: “Chuyến đi thực tế đã mang lại những trải nghiệm quý giá với góc nhìn thực tế về môi trường doanh nghiệp tầm cỡ. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho công tác nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời kết nối tốt hơn giữa nghiên cứu sinh, nhà trường và doanh nghiệp.”
Thay mặt Ban Tổ chức, anh Nguyễn Anh Dũng gửi lời cảm ơn đến Ban Lãnh đạo Nhà trường, Khoa Kinh tế Chính trị, Phòng Đào tạo, các thầy cô và Ban Lãnh đạo Công ty CP Toàn Phát và Hợp tác xã Sinh Dược đã hỗ trợ để chuyến đi diễn ra thành công tốt đẹp.
Chuyến đi không chỉ mang đến những trải nghiệm thực tế đối với các nghiên cứu sinh, mà còn góp phần kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và các đối tác chiến lược. Qua đó, các thầy cô và nghiên cứu sinh có thể áp dụng những kiến thức và trải nghiệm thu được vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy một cách hiệu quả, thực tế hơn.