Trang tin tức sự kiện

Hội thảo quốc tế CIECI 2024 “Chính sách xanh: Chất xúc tác hay sức ép cho thương mại đầu tư”

Tổng quan về hội thảo CIECI 2024

Hội thảo quốc tế lần thứ 12 (CIECI 2024) với chủ đề “Chính sách xanh: Chất xúc tác hay sức ép cho thương mại và đầu tư” (Green policies and practices: catalyst or pressure for trade and investment) đã diễn ra vào ngày 22 và 23 tháng 11 năm 2024, tại Hà Nội. Sự kiện đã tạo nên một diễn đàn thu hút các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp trong nước, quốc tế thảo luận về xu hướng và việc thực hiện chính sách xanh trên toàn cầu; những yêu cầu và sức ép của chính sách xanh trong việc thay đổi chính sách, cách thức thương mại và đầu tư; và gợi ý cho các chính phủ, doanh nghiệp cách thức để tích hợp chính xách xanh vào các chính sách thương mại và đầu tư. 

 



CIECI 2024 nằm trong chuỗi Hội thảo thường niên do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức từ năm 2013 nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học, lan toả tri thức, hợp tác phát triển và xuất bản, đồng thời kết nối hoạt động nghiên cứu với thực tiễn kinh tế toàn cầu, chính sách quốc gia và hoạt động doanh nghiệp. Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là đơn vị tổ chức chính, phối hợp cùng các đối tác trong nước và quốc tế như Viện FNF Việt Nam, Trường Đại học Adelaide (Úc), Confab 360 Degree (Ấn Độ), Trường Đại học Rangsit (Thái Lan), Trường Đại học Sofia (Bulgaria), Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM). 

Hội thảo có sự hiện diện của nhiều đại biểu trong và ngoài nước, đại diện cho các tổ chức học thuật, cơ quan quản lý, và doanh nghiệp. Đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đơn vị tổ chức chính, gồm có PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng, và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng. Các đối tác quốc tế tham gia hội thảo bao gồm GS. Peter Draper, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Adelaide (Úc); GS. Nishu Ayedee, Giám đốc điều hành Confab 360 Degree (Ấn Độ); GS. Sitanon Jesdapipat, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Đổi mới Kinh tế, Đại học Rangsit (Thái Lan); và GS. Marcellin Yovogan, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Sofia (Bulgaria). Đối tác trong nước có sự tham gia của PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương; TS. Lưu Tiến Dũng, Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM); và bà Đào Ngọc Uyên, cán bộ quản lý dự án FNF Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo còn có sự hiện diện của các đại diện từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp như ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Cảnh Cường, Nguyên Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Global Food. 

Hội thảo thu hút gần 300 khách mời gồm nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. CIECI 2024 với chủ đề “Chính sách xanh: Chất xúc tác hay sức ép cho thương mại và đầu tư” đã diễn ra trong hai ngày (22-23/11/2024) tại Hà Nội, mang đến những thảo luận chuyên sâu về xu hướng và việc thực hiện chính sách xanh trên toàn cầu; những yêu cầu và sức ép của chính sách xanh trong việc thay đổi chính sách, cách thức thương mại và đầu tư; và gợi ý cho các chính phủ, doanh nghiệp cách thức để tích hợp chính xách xanh vào các chính sách thương mại và đầu tư. Hội thảo gồm 6 bài phát biểu đề dẫn, 02 phiên thảo luận bàn tròn và 05 phiên song song với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia hàng đầu, học giả uy tín, đại diện doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước. 

Giáo sư Peter Draper (Úc) trình bày bài keynote mở đầu tại Hội thảo

Sáu bài keynote đã cung cấp nền tảng lý thuyết và thực tiễn cho các thảo luận sau đó. Giáo sư Peter Draper (Úc) phân tích các thách thức và cơ hội trong việc thúc đẩy thương mại xanh, nhấn mạnh vai trò của các chính sách khí hậu trong định hình xu hướng kinh tế xanh toàn cầu. Giáo sư Andreas Freytag (Đức) đưa ra cách tiếp cận khôi phục hội nhập toàn cầu thông qua các chính sách khí hậu, bất chấp sự phân cực ngày càng gia tăng trên thế giới. Giáo sư Sitanon Jesdapipat (Thái Lan) phân tích các lý do và phương pháp “xanh hóa” thương mại, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế trong đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Tiến sĩ Anuj Kumar (Thụy Sĩ) trình bày vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thúc đẩy thương mại khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài, và đổi mới sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh rằng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là yếu tố then chốt để nâng cao tính bền vững và khả năng cạnh tranh. Các bài keynote còn tập trung vào các chiến lược đối lập nhằm đạt mục tiêu xanh, như phân tích của Giáo sư Andreas Hauskrecht (Hoa Kỳ) về “Nhà tiên tri” - tập trung giảm tiêu thụ và sản xuất, và “Phù thủy” - nhấn mạnh đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Giáo sư Yovogan Marcellin (Bulgaria) làm rõ vai trò của các tiêu chuẩn tài chính xanh (ESG) trong chiến lược phát triển bền vững của các công ty Fintech, đồng thời đề xuất ESG như một công cụ quan trọng để cải thiện hiệu quả tài chính và tăng khả năng cạnh tranh.

Có thể là hình ảnh về 12 người, mọi người đang học, đám đông và văn bản

Giáo sư Andreas Hauskrecht (Hoa Kỳ) và Giáo sư Yovogan Marcellin (Bulgaria) trao đổi tại ngày thứ 2 của Hội thảo

Các phiên thảo luận song song đã làm rõ thêm những khía cạnh thực tiễn, bao gồm tích hợp chính sách xanh vào thương mại và đầu tư toàn cầu, thực hành thương mại và đầu tư xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế xanh, và phát triển các mô hình tài chính sáng tạo. Các nghiên cứu chi tiết đã chỉ ra cách Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và chiến lược “Từ Trang trại đến Bàn ăn” (F2F) đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến xuất khẩu nông sản và hàng dệt may của Việt Nam. Những thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu của EU, như chi phí chuyển đổi và minh bạch chuỗi cung ứng, đã được thảo luận cùng với các giải pháp khuyến nghị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các bài trình bày đã phân tích tiềm năng ứng dụng công nghệ số như IoT, AI và Blockchain trong chuỗi cung ứng và ngành khách sạn tại Việt Nam, nhấn mạnh khả năng giảm thiểu lãng phí và tăng cường hiệu quả hoạt động. Các thảo luận cũng tập trung vào vai trò của trái phiếu xanh, số hóa tín dụng nông nghiệp và tích hợp ESG trong quản trị doanh nghiệp FDI. Những vấn đề như chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn và cải tổ hệ thống thông tin kế toán để minh bạch hóa dữ liệu cũng được xem xét kỹ lưỡng, cung cấp những giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp trong việc thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững.

Có thể là hình ảnh về 6 người, phòng tin tức, cái bục và văn bản

Thảo luận bàn tròn cùng các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo

02 phiên bàn tròn của hội thảo đã tập trung thảo luận sâu về những vấn đề thời sự liên quan đến các chính sách xanh, với trọng tâm là làm thế nào để các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong ngắn hạn mà vẫn hướng đến các mục tiêu xanh dài hạn. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp khi phải cân đối giữa chi phí chuyển đổi và áp lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến động. Một nội dung đáng chú ý khác là phân tích tác động của chủ trương “America First” dưới thời Tổng thống Donald Trump đến tiến trình xanh hóa toàn cầu và tại Việt Nam. Các đại biểu đã đánh giá rằng chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến xu hướng toàn cầu mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết xanh mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. 

Trong 02 phiên thảo luận bàn tròn, liên quan đến mối quan hệ giữa thương mại tự do và ô nhiễm môi trường, các ý kiến đều thống nhất rằng việc thúc đẩy thương mại cần đi đôi với các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh thông qua các chính sách ưu đãi, trợ cấp và cung cấp thông tin thị trường. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thực hành xanh hiệu quả. Đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhưng thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ xanh. Thêm vào đó, các ý kiến cũng cho rằng việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh tại Việt Nam. Cuối cùng, một chủ đề quan trọng là tính pháp lý của các chính sách trợ cấp xanh. Các đại biểu đã đặt câu hỏi liệu những chính sách này có vi phạm các quy định về tự do thương mại và đầu tư của WTO hay không, đồng thời kêu gọi cần có các quy định rõ ràng hơn để cân bằng giữa lợi ích thương mại và bảo vệ môi trường. Những vấn đề được thảo luận trong hội thảo không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần định hướng cho các chiến lược và chính sách xanh trong tương lai.

Hội thảo đã tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại đa chiều giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và nhà hoạch định chính sách, gắn kết nghiên cứu và thực tiễn, từ đó đưa ra các định hướng chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.

Các tư vấn chính sách

Nhận định bối cảnh đề xuất chính sách

            Thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh của Việt Nam được đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế có cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn. Trước hết là các yếu tố thuận lợi:

            Thứ nhất, xu hướng xanh hoá phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường xuất khẩu và các quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Xu hướng này là sức ép buộc cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, sự chuyển đổi tích cực trong nhận thức của các cơ quan quản lý về thương mại và đầu tư xanh. Sự thay đổi về nhận thức đã từng bước được chuyển hoá thành tích hợp các chính sách xanh vào hoạt động thương mại và thu hút đầu tư, tạo tiền đề về cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy nhanh quá trình thương mại và đầu tư xanh tại Việt Nam. 

            Thứ ba, chính phủ đã có chủ trương xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh trong một số ngành như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Các chủ trương này khi đi vào thực tế sẽ có tác dụng thúc đẩy xanh hoá các thương mại và đầu tư, tạo tiền đề để quá trình chuyển đổi xanh lâu dài và bền vững.

            Thứ tư, nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, một số mặt hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh vượt trội so với các quốc gia khác, đã giúp nền kinh tế tích luỹ được những nguồn lực nhất định phục vụ quá trình chuyển đổi xanh.. Đây là tiền đề tốt khi thực hiện xanh hoá thương mại và đầu tư, nhất là trong giai đoạn đầu chuyển đổi thường đi kèm với sự đánh đổi, hi sinh tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. 

Thứ năm, vai trò ngày càng tăng của người tiêu dùng trong việc định hướng các nhà sản xuất và kinh doanh trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ xanh đáp ứng nhu cầu của họ. Ngày nay, người tiêu dùng rất thông minh, hành vi của họ có thể thay đổi định hướng sản xuất của các nhà sản xuất. Hơn nữa, họ không chỉ có một mình, mà bên cạnh họ còn có các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội phát triển… Do đó, người tiêu dùng đóng vai trò tiên phong, cùng sự hỗ trợ của truyền thông sẽ có thể thay đổi được định hướng của các nhà cung cấp.

            Bên cạnh những mặt thuận lợi, quá trình xanh hoá thương mại và đầu tư tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn. Những khó khăn nổi bật được các học giả và khách mời chỉ ra gồm có:

Một là, hạn chế về nguồn lực để thúc đẩy xanh hoá thương mại và đầu tư: Thực hành xanh đòi hỏi không chỉ những cải tiến nhỏ mà còn cả những chương trình hành động lớn. Những chương trình này đòi hỏi nguồn lực tài chính, nhân lực có trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công nghệ xanh. Tuy nhiên, với trình độ phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam không có đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình như vậy.

Hai là, cơ sở hạ tầng phục vụ xanh hoá thương mại và đầu tư còn thiếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng. Để cải thiện hạn chế này Nhà nước cần huy động các nguồn lực bên ngoài để bù đắp thiêu hụt về vốn, kinh nghiệm, công nghệ trong phát triển hạ tầng đáp ứng mục tiêu xanh hoá thương mại và đầu tư.

Ba là, do chuyển đổi xanh trong lĩnh vực thương mại và đầu tư tại Việt Nam còn trong giai đoạn đầu nên việc phối hợp quản lý Nhà nước giữa các địa phương, bộ, ngành còn chưa đồng bộ, dẫn tới khó khăn và chậm trễ trong việc thực thi chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án. Để khắc phục hạn chế này không chỉ cần sự nỗ lực thay đổi mà cần cả thời gian để các cơ quan liên quan phối hợp với nhau một cách hiệu quả.

Bốn là, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng trực tiếp ngày càng nghiêm trọng đến lĩnh vực sản xuất và thương mại, đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Điều này, một mặt tạo sức ép buộc các bên liên quan phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xanh hoá. Nhưng mặt khác, tác động tiêu cực của nó đồng thời làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và làm giảm năng suất lao động, từ đó khiến cho quá trình chuyển đổi tốn kém và khó khăn hơn.

Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, để thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh, cơ quan quản lý nhà nước cần ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cạnh tranh tích hợp yếu tố môi trường. Việc xây dựng và cập nhật các quy định pháp lý về cạnh tranh là cần thiết nhằm hỗ trợ các sáng kiến bảo vệ môi trường. Luật cạnh tranh cần được điều chỉnh để khuyến khích sử dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm xanh, đồng thời đảm bảo quyền lợi và tính bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, việc nâng cao năng lực giám sát và thực thi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Cần thiết lập một hệ thống giám sát hiệu quả, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm nghiêm minh để tăng tính răn đe. Thực hiện kiểm tra định kỳ và minh bạch hóa quá trình thực thi không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội vào các chính sách xanh, thúc đẩy sự đồng thuận và hợp tác trong phát triển bền vững.

Thứ ba là đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành. Xây dựng một nền kinh tế xanh không thể chỉ dựa trên nỗ lực của một bên hay một ngành riêng lẻ, mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ, ban, ngành. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các quy trình phối hợp hành động và chia sẻ thông tin liên ngành, nhằm tháo gỡ những nút thắt và rào cản trong quá trình triển khai chính sách. Điều này sẽ cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bên, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách xanh.

Thứ tư là hỗ trợ kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực. Nhà nước cần triển khai các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt nhắm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giúp họ áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn xanh. Hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới để chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực cũng là một giải pháp quan trọng.

Thứ năm là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ cần thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu, như giao thông, năng lượng, và công nghệ thông tin, để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu xanh hóa thương mại và đầu tư.

Thứ sáu là khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Các chính sách ưu đãi như giảm thuế và hỗ trợ tài chính cần được áp dụng mạnh mẽ, đồng thời quy trình phê duyệt và cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo cần được đơn giản hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ bảy là đảm bảo nguồn lực tài chính là yếu tố thiết yếu. Chính phủ cần tích cực huy động vốn đầu tư từ cả trong nước lẫn quốc tế, ưu tiên các nguồn vốn trong nước sẵn có và ít rủi ro để bổ sung ngân sách cho các dự án xanh, đồng thời giảm thiểu gánh nặng nợ nước ngoài. 

Tiếp theo là tăng cường hợp tác quốc tế: Trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị và các vấn đề an ninh kinh tế, hợp tác giữa các quốc gia để thúc đẩy thương mại bền vững là rất cần thiết. Việc tạo ra các cơ chế hợp tác linh hoạt sẽ giúp các quốc gia chống lại các rào cản thương mại và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, chính phủ cần thúc đẩy cơ chế chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là đối với các vấn đề môi trường có tính chất xuyên biên giới và phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam sẽ học hỏi từ các quốc gia tiên tiến về cách thức lồng ghép yếu tố môi trường vào chính sách và luật pháp.

Việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xanh hoá và thực hành xanh cũng rất quan trọng. Nhà nước cần quan tâm đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng người tiêu dùng. hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon nhưng lại thiếu nguồn lực, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ mới, thiếu kiến thức và kinh nghiệm để vượt qua các rào cản để tham gia thị trường… Các hỗ trợ bao gồm cả ưu đãi về tài chính, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế và nước ngoài…

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng rất quan trọng, chính sách cần tập trung vào các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất và thương mại, đặc biệt là ngành nông nghiệp, đồng thời phát triển các giải pháp công nghệ mới để nâng cao khả năng chống chịu đối với các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Xem xét ưu tiên nguồn lực cho việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại nông thôn, coi đây là một trọng tâm nhằm đạt được đồng thời đa mục tiêu: Giảm thiểu tổn thất do biến đổi khí hậu ở khu vực nông nghiệp và nông thôn; đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững cho cả đất nước.

Cuối cùng là đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các giải pháp như:

(i) Đảm bảo phát triển bền vững trong thương mại quốc tế: Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua các biện pháp như cung cấp thông tin, đào tạo, và các ưu đãi về thuế để đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Việc đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong ngành nông sản và dệt may.

(ii) Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn ESG trong các doanh nghiệp FDI: Chính phủ cần thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Các biện pháp như xây dựng khung pháp lý rõ ràng, hỗ trợ kỹ thuật, và nâng cao nhận thức thông qua đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi một cách hiệu quả. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ số sẽ cải thiện tính minh bạch trong báo cáo và giám sát dữ liệu ESG.

(iii) Khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm xanh và công nghệ bền vững: Chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các ngành như nông sản, dệt may, và công nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn vốn xanh, đầu tư vào công nghệ xanh và sản phẩm bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và các thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Những đề xuất này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư xanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kiến nghị với doanh nghiệp

Thứ nhất, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh để thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu. Việc áp dụng công nghệ mới và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn đảm bảo tính ổn định và bền vững trong chuỗi cung ứng. Các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió và mặt trời, nên được ưu tiên, đồng thời doanh nghiệp cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm thiểu phát thải.

Thứ hai, việc tham gia vào chuỗi cung ứng xanh đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần chủ động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia có nền công nghiệp xanh tiên tiến. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ cải thiện uy tín mà còn tạo điều kiện mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thứ ba, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào các dự án công nghệ cao và mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến và hợp tác với các tổ chức quốc tế hoặc công ty đa quốc gia sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, đồng thời cung cấp cơ hội tiếp cận nguồn vốn và kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Thứ tư, minh bạch hóa thông tin và báo cáo ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là yêu cầu ngày càng cấp thiết. Doanh nghiệp nên áp dụng các hệ thống báo cáo minh bạch đáng tin cậy, chẳng hạn như sử dụng công nghệ blockchain để theo dõi thông tin chuỗi cung ứng và phát thải carbon. Điều này không chỉ giúp tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn tăng cường lòng tin từ nhà đầu tư và các bên liên quan.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn lực là yếu tố then chốt trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Doanh nghiệp cần hợp tác với các đối tác trong mạng lưới sở hữu chéo, thiết lập các cam kết bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Các ví dụ thành công, như việc áp dụng các điều kiện pháp lý tại Brazil, đã chứng minh rằng sự kết hợp giữa cạnh tranh và bảo vệ môi trường có thể giúp doanh nghiệp cải thiện dấu ấn môi trường, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao uy tín thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu. Những bước đi này sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng giá trị lâu dài trong hành trình phát triển bền vững.





Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành