Trang tin tức sự kiện

“Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững”

Sáng ngày 30/9/2024 tại Tòa E4, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội thảo “Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước,...    



Trong những năm gần đây, chuyển đổi kép trở thành xu hướng lớn có tác động sâu rộng đến mọi mặt, đã và đang gõ cửa các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới. Đây được xem là bước chuyển lớn của nhân loại, một sứ mệnh toàn cầu, một mệnh lệnh thời đại đặt ra cho tất cả các quốc gia, doanh nghiệp vì một thế giới thịnh vượng và xanh hơn. 

Hòa cùng xu thế phát triển của thế giới, từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam cũng đã tỏ rõ cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đó là những chủ trương, chính sách rất đúng và trúng, là cẩm nang cho công cuộc chuyển đổi kép ở nước ta hiện nay nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng.   

Nhận thức sâu sắc về bước chuyển lớn này và nhằm góp phần mang lại sự hiểu biết sâu rộng, toàn diện về chuyển đổi kép, tìm kiếm thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay, các mô hình, giải pháp kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kép: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững”. 

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kép: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững”

Đến dự Hội thảo, từ phía Trường Đại học Kinh tế,ĐHQGHN, có PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhiệt liệt chào mừng, gửi lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các quý vị đại biểu tham dự trực tuyến và ngoại tuyến. PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê bày tỏ sự tin tưởng sâu sắc rằng sự góp mặt của các quý vị đại biểu sẽ giúp các vấn đề về chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được phân tích sâu sắc và toàn diện từ góc nhìn trong nước và quốc tế, từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức học thuật và doanh nghiệp, cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc và thực tiễn phong phú, toàn diện để từ đó đưa ra được những phản ứng phù hợp, kịp thời cả về mặt chính sách của nhà nước và hành động của doanh nghiệp, hướng đến một tương lai phát triển bền vững vì một thế giới thịnh vượng và xanh hơn. 

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nội dung chính và các kết quả nổi bật của Hội thảo 

Với gần 80 bài nghiên cứu được gửi về Hội thảo và gần 60 bài được chọn đăng trong Kỷ yếu, Hội thảo tổ chức thành phiên toàn thể 1 và phiên toàn thể 2 với sáu bài trình bày của các diễn giả chính và đại diện đến từ các trường đại học, tổ chức, cơ quan của Việt Nam và quốc tế như Đại học Southampton, Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu của Viện nghiên cứu cao cấp về toán học, Đại học Macquarie, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan, (Trung Quốc)  một số đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội, Mạng lưới hợp tác khí nhà kính GHGVIETNAM. 

 Tiếp theo là 5 phiên  tiểu ban tiến hành song song tại 5 phòng hội nghị với sự tham gia của đông đảo diễn giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước. Cuối cùng là phiên toàn thể tổng kết hội thảo. 

Hội thảo đã góp phần mang lại sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh từ góc nhìn trong nước và quốc tế trên các phương diện, chiều cạnh khác nhau, học thuật, doanh nghiệp, chính sách, kinh nghiệm quốc tế, đưa ra được những gợi mở giá trị làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của nhà nước, hành động của doanh nghiệp,... 

Về phương diện khoa học, lý luận, các đại biểu cho rằng chuyển đổi kép là xu thế lớn có tác động sâu rộng, đã và đang gõ cửa tất cả, mức độ đón nhận và thúc đẩy chuyển đổi kép của doanh nghiệp, quốc gia ngày nay sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh, sự thịnh vượng, bền vững trong nhiều thập niên tới. Đây là bước chuyển lớn mang tính toàn diện, phức tạp đặt ra những yêu cầu vượt xa những phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động, vậy nên, cần tránh tư tưởng ngộ nhận, “tầm thường hóa” chuyển đổi kép dẫn đến lạc quan tếu, sai lầm trong chính sách phát triển. 

Chuyển đối số là cách mạng, là sự tiến hóa kiểu đột phá thành phương thức tư duy và cách làm việc mới. Sự tiến bộ vượt bậc và sự hợp lưu của bốn công nghệ then chốt gồm Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo cho phép giải quyết những lớp ứng dụng mà trước đây không thể nghĩ tới. Đó là cách thức mới trong tổ chức sản xuất, dựa trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng vật lý của quy trình sản xuất. Các công cụ lao động được thay thế bằng các công cụ số và dữ liệu trở thành một yếu tố sản xuất quan trọng, với không gian sản xuất mở rộng cả không gian vật lý và không gian số.

Cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng đang là xu hướng doanh nghiệp cần hướng tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng gia tăng. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế chung của thế giới ngày nay.     

Một vấn đề khá mới là ứng dụng dữ liệu lớn trong quản trị nhân lực cũng được đề cập và thảo luận sâu sắc tại Hội thảo,... Đây là phương pháp mới, cách tiếp cận mới khác biệt với phương pháp truyền thống, hứa hẹn giải quyết các vấn đề không thể giải quyết được với phương pháp truyền thống ở cả cấp vi mô và vĩ mỗ, như đo lường thái độ và hành vi của người lao động từ cảm biến đeo tay, hay dự báo chính xác nhu cầu về nguồn nhân lực và so sánh nhân lực giữa các quốc gia,...   

Về phương diện doanh nghiệp, đây là chủ điểm hội thảo hướng tới, các đại biểu tập trung thảo luận, nhận diện các cơ hội và thách thức của chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp Việt Nam, làm rõ cách thức các doanh nghiệp Việt Nam định vị mình để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, biến chuyển đổi kép trở thành động lực phát triển bền vững,...

Chuyển đổi kép đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi căn bản cả về tư duy, nhận thức và hành động, kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần nhìn nhận việc bảo vệ môi trường không phải là gánh nặng, mà là cơ hội để tạo ra những giá trị mới, không chỉ là con đường giúp doanh nghiệp phát triển, mà còn là trách nhiệm đối với xã hội và môi trường, công nghệ số không chỉ là công cụ nâng cao năng suất, mà còn là đòn bẩy cho sự phát triển bền vững. Những doanh nghiệp chậm thích ứng sẽ bị bỏ lại phía sau, mất đi lợi thế cạnh tranh trong khi những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi kép sẽ trở thành những người dẫn dắt thị trường tương lai.  

Hội thảo cũng đã nhận diện được các cơ hội và thách thức của chuyển đổi kép đối với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời mang lại những hiểu biết giá trị về cách thức doanh nghiệp Việt Nam định vị mình để nắm bắt cơ hội và giải quyết các thách thức trong chuyển đổi kép, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Làm rõ cách thức doanh nghiệp công nghệ tận dụng chuyển đổi kép để tạo động lực phát triển bền vững, cách thức doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng công nghệ số tiên tiến trong chuyển đổi xanh nông nghiệp,... 

Bên cạnh đó, một số đại biểu nêu lên vấn đề về lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi kép, nhất là vấn đề về giá sản phẩm có cạnh tranh hay không, vấn đề chất lượng sản phẩm, vấn đề tiêu thụ nhiều tài nguyên như điện, nước,... 

Về phương diện kinh nghiệm quốc tế 

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhấn mạnh rằng Việt Nam có thể và cần học hỏi kinh nghiệm các nước. Một loạt thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay của các nước trong thực hiện chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã được đưa ra tại Hội thảo. Đó là  kinh nghiệm của Mỹ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với việc đào tạo kỹ sư công nghệ tại các trường đại học hàng đầu, đảm bảo lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số. 

Kinh nghiệm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng số hiện đại của Trung Quốc, bao gồm mạng viễn thông 5G, trung tâm dữ liệu và băng thông rộng. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng trạm gốc 5G, giúp cải thiện kết nối internet và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ như trí tuệ nhân tạo và xe tự hành.  

Kinh nghiệm của Singapore trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững. Với tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ cùng các chính sách và chương trình cụ thể, Chính phủ Singapore cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và công nghệ, hỗ trợ phát triển kỹ năng số, hỗ trợ mở rộng quốc tế,... nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua thách thức và thúc đẩy tăng trưởng trong kỷ nguyên số. 

Về phương diện chính sách, Hội thảo đã đưa ra một số gợi mở chính sách  đáng chú ý. 

Một là, chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần đặt nhân lực làm trung tâm, nhân tài làm cốt lõi 

Công nghệ là quan trọng nhưng chính tài năng của con người tạo nên sự khác biệt lớn nhất. Công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể tự nó làm thay đổi bộ máy quản trị nếu không có con người hiểu và sử dụng chúng, khi có những con người tài năng sẽ có những cách thức vận hành, phát triển thích hợp với khả năng và nguồn lực thực tế. 

Hơn nữa, thực tế cho thấy thiếu kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết cho quá trình chuyển đổi kép là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực có năng lực kép, vừa có kỹ năng công nghệ số, vừa có kiến thức về phát triển bền vững là rào cản lớn. Nhiều doanh nhân và người lao động thiếu kiến thức và kỹ năng số cần thiết để tận dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật số. Điều này bao gồm tất cả các lĩnh vực từ kỹ năng máy tính cơ bản đến các năng lực nâng cao hơn như tiếp thị số, phân tích dữ liệu và dịch vụ khách hàng trực tuyến. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số có nghĩa là ngay cả những người có kỹ năng hiện tại cũng phải tham gia học tập liên tục để duy trì hiệu quả. Do đó, việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng kép cho người lao động là đặc biệt quan trọng. Điều này sẽ không chỉ giải quyết những khó khăn về nhận thức của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi mà còn giải quyết các vấn đề họ gặp phải trong quá trình chuyển đổi và giúp nhân viên có được các năng lực, kỹ năng liên quan đến chuyển đổi kép. 

Chính phủ nên hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo người lao động có được kiến ​​thức, năng lực kép cần thiết ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi kép, cũng như hướng dẫn họ về kiến ​​thức và năng lực kép cần thiết cho các vị trí khác nhau. Hình thức đào tạo lý tưởng nhất là kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến.

Các doanh nghiệp cần có sự cam kết, đầu tư mạnh vào đào tạo nội bộ và liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo đội ngũ lao động, nhất là đội ngũ lãnh đạo chuyển đổi kép có khả năng kép để thích ứng với những yêu cầu của chuyển đổi kép.  

Hai là, mở rộng chính sách hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho chuyển đổi kép

Hạn chế về công nghệ và tài chính vẫn là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cho các công nghệ số tiên tiến. Chi phí cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm internet tốc độ cao, hệ thống thanh toán an toàn và nền tảng thương mại điện tử, có thể là rào cản do nguồn vốn hạn chế. Ngoài ra, tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng có nghĩa là ngay cả những doanh nghiệp áp dụng các công cụ số cũng có thể thấy công nghệ của họ nhanh chóng trở nên lỗi thời, đòi hỏi phải đầu tư liên tục để bắt nhịp với thời cuộc.   

Việc tiếp cận tín dụng và tài chính cũng là một thách thức vì nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bảo đảm các khoản vay do các tiêu chí cho vay nghiêm ngặt và thiếu tài sản thế chấp.  

Các yêu cầu về hỗ trợ công nghệ và tài chính để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kép của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn trong khi các chính sách hỗ trợ   còn hạn chế về cả phạm vi và cơ chế thực hiện. Cần mở rộng phạm vi và khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ công nghệ và tài chính để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu áp dụng công nghệ số hoặc những doanh nghiệp ở các vùng xa xôi hơn. Chính phủ nên triển khai nhiều chương trình có mục tiêu hơn, cung cấp các khoản tài trợ, trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp. Các cơ chế tài chính này nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng đầu tư ban đầu vào công nghệ số, trang trải các chi phí liên quan đến đầu tư công nghệ số như mua phần cứng và phần mềm.

Ba là, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện 

Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường không hiểu rõ và không có nhiều thời gian để tìm hiểu chính sách. Do đó, các chính sách quá phức tạp khiến các doanh nghiệp khó nắm bắt chưa nói đến việc áp dụng chúng. Ngoài ra, có quá nhiều cơ quan cùng quản lý làm tăng tính phức tạp của các chính sách.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong môi trường pháp lý, sự thiếu nhất quán và lỗ hổng trong khuôn khổ pháp lý có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp, khiến họ không muốn theo đuổi các cơ hội chuyển đổi kép.

Chính phủ cần thực hiện các cải cách chính sách đột phá để tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi kép,  đơn giản hóa tối đa các thục và thành lập một cơ quan chuyên trách chuyên hỗ trợ quá trình chuyển đổi kép của các doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia Hội thảo bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng chuyển đổi kép, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là cơ hội vô giá, Việt Nam không thể bỏ lỡ, Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt như Singapore.

Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chụp ảnh lưu niệm cùng những người tham gia Hội thảo   

Hội thảo “Chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững” đã thành công tốt đẹp đạt kết quả vượt mong đợi trên nhiều phương diện, góp phần mang lại sự hiểu biết sâu sắc về chuyển đổi kép, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cung cấp nhiều thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay của thế giới, đưa ra được những gợi mở chính sách giá trị nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi kép hướng đến một tương lai phát triển bền vững vì một thế giới thịnh vượng và xanh hơn.  


Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Bài đọc nhiều
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành