Trang tin tức sự kiện

Một số văn bản mới ban hành trong tháng 12/2015

Thông báo số 37/TB-ĐHKT ngày 11/1/2016 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Kính gửi Thầy/Cô,
Xin gửi tới Thầy/Cô một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và văn bản quản lý của Trường Đại học Kinh tế ban hành trong tháng 12 năm 2015 như sau:

1. Danh mục các văn bản ban hành:

Stt

Tên văn bản

Số văn bản

Ngày ban hành

Cơ quan ban hành

Ngày có hiệu lực

1

Luật Bảo hiểm xã hội

58/2014/QH13

20/11/2014

Quốc hội nước

CH XHCNVN

01/01/2016

2

Luật Căn cước công dân

59/2014/QH13

20/11/2014

Quốc hội nước

CH XHCNVN

01/01/2016

3

Thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học;

32/2015/TT-BGDĐT

16/12/2015

Bộ Giáo dục

và Đào tạo

01/02/2016

4

Quy định một số nội dung về đào tạo đại học tại Trường Đại học Kinh tế

5267/QĐ-ĐHKT

17/12/2015

Trường Đại học Kinh tế

17/12/2015

 

2. Hiệu lực thi hành, nội dung chủ yếu của một số văn bản

2.1. Luật Bảo hiểm xã hội

a) Hiệu lực thi hành: Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

b) Một số điểm mới:

- Lao động nam khi vợ sinh con sẽ được nghỉ 05 ngày làm việc; được nghỉ 07 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trong trường hợp vợ sinh đôi, lao động nam sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc (từ sinh ba trở lên, thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc); vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật được nghỉ 14 làm việc.

- Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau đó, để được hưởng chế độ này, mỗi năm độ tuổi tăng thêm một tuổi, đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

- Cách tính lương hưu hàng tháng được điều chỉnh: Từ năm 2016 đến trước năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tính thêm 2% đối với nam; 3% đối với nữ, nhưng mức tối đa là 75%.

2.2. Luật Căn cước công dân:

a) Hiệu lực thi hành:

- Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

- Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật và được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

- Địa phương chưa có điều kiện để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

- Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện Luật này trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

b) Nội dung cơ bản:

Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân sẽ được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi, thay cho Chứng minh nhân dân như hiện hành. Trên thẻ sẽ bao gồm các thông tin về họ, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng… của người được cấp thẻ.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam; Thẻ được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế cho phép công dân được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

2.3. Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

Các quy định đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT20/2012/TT-BGDĐT) hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

b) Nội dung cơ bản của Thông tư:

- Nội dung nổi bật là quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp (trừ các cơ sở thuộc khối ngành nghệ thuật và các cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên).

- Về chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục đại học, Thông tư này quy định 03 tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bao gồm:

+ Số sinh viên chính quy tính trên 01 giảng viên quy đổi theo khối ngành: Khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, kinh doanh và quản lý, pháp luật, nhân văn, báo chí và thông tin, an ninh, quốc phòng là 25 sinh viên/01 giảng viên; khối ngành nghệ thuật là 10 sinh viên/01 giảng viên; khối ngành khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin… 20 sinh viên/01 giảng viên.

+ Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học không thấp hơn 2,5m2/sinh viên.

+ Quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học: Các trường khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 15.000 sinh viên; các trường thuộc khối ngành nghệ thuật là 5.000 sinh viên và với các trường thuộc khối ngành sức khỏe là 8.000 sinh viên…

c) Hướng dẫn Thông tư: Ngày 24/12/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 6706/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện báo cáo thống kê năm học 2015-2016 và xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016. Theo đó, Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 được xác định theo các quy định này, trong đó đề nghị các cơ sở đào tạo lưu ý một số vấn đề sau:

- Các cơ sở giáo dục đại học xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015. Do Thông tư này mới ban hành, nên thời hạn đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 lùi đến trước ngày 05/02/2016.

- Xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải gắn quy mô đào tạo với nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và góp phần khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo.

- Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm chính quy năm 2016 tối thiểu 10% so với năm 2015.

- Chỉ tiêu đào tạo cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo chỉ tiêu đến cơ sở đào tạo trước 31/10/2016 để đảm bảo thời gian học chương trình dự bị đại học cho sinh viên theo quy định.

 - Chỉ tiêu dự bị đại học thực hiện theo Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo phân bổ học sinh hoàn thành chương trình dự bị đến các cơ sở đào tạo trước ngày 20/5/2016 và theo nguyên tắc không quá 5% tổng chỉ tiêu chính quy của cơ sở đào tạo.

- Chỉ tiêu đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sỹ của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thực hiện theo công văn số 4348/BGDĐT-GDĐH ngày 26/8/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kết luận về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán liên quan đến việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, khấu trừ chỉ tiêu vượt vào chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 (nếu có).



Văn phòng Khoa KTPT- Trường ĐHKT

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành