Với tầm quan trọng của công tác quản lý nợ nước ngoài đối với Việt Nam, Giáo trình Quản lý nợ nước ngoài được biên soạn nhằm từng bước chuẩn hóa kiến thức về quản lý nợ nước ngoài, hệ thống hóa cơ sở lý luận về nợ nước ngoài và quản lý nợ nước ngoài, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài trên thế giới, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam. Cuốn giáo trình này dành cho bậc cử nhân đại học thuộc khối ngành Kinh tế và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các giảng viên và sinh viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế.
Cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh nguồn vốn trong nước, trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng dựa vào nguồn vốn vay nước ngoài để đáp ứng phần nào cho sự thiếu hụt vốn. Trước bối cảnh quốc tế mới cùng với những thay đổi trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng vốn vay nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, nên việc quản lý nợ nước ngoài của Việt Nam ngày càng cấp thiết hơn. Kể từ sau năm 2010 khi Việt Nam bước vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam phải tiếp cận các dòng vốn ngoại khác với điều kiện kém ưu đãi hơn. Trước mục tiêu hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao sau năm 2030, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn trong mối cân đối tổng thể giữa vốn vay nước ngoài với các nguồn vốn ngoại khác, giữa vốn vay nước ngoài với vốn trong nước, giữa vay vốn nước ngoài với khả năng trả nợ và việc sử dụng vốn vay nước ngoài sao cho có hiệu quả. Điều này đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn đối với hoạt động quản lý nợ nước ngoài, để từ đó đưa ra những định hướng, mục tiêu quản lý, sử dụng nợ nước ngoài an toàn, bền vững, sao cho vừa huy động được nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vừa đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Mặc dù diễn biến nợ trên thế giới đang diễn ra rất phức tạp về phạm vi, quy mô, cơ cấu nợ; đối tượng con nợ không chỉ là các nước đang và kém phát triển, mà còn diễn ra tại các nước phát triển, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU…, nhưng đối tượng nghiên cứu chủ yếu của cuốn giáo trình này là các nước đang phát triển với tư cách là các nước con nợ, trong đó có Việt Nam. Giáo trình được biên soạn thành 5 chương. Các tình huống và tư liệu được sử dụng trong giáo trình đã được các tác giả biên dịch, chắt lọc và cải biên cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của chuyên ngành trong giai đoạn mới, không có sự trùng lặp với các giáo trình đã được xuất bản trước.
Các tác giả tham gia biên soạn giáo trình bao gồm:
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Chương 1, 4
TS. Nguyễn Tiến Minh: Chương 2, 5
TS. Nguyễn Thị Thu Hà: Chương 1, 2
TS. Phạm Thu Phương: Chương 3, 4
NCS. Nguyễn Anh Dũng: Chương 3, 5
>> THÔNG TIN VỀ SÁCH
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Chi, TS. Nguyễn Tiến Minh (Đồng chủ biên)
Loại bìa: Bìa mềm
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 232
Giá bìa: 179.000
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
ISBN: 978-604-43-3478-3
___________
LIÊN HỆ:
Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: (84-24) 37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)
Email: phongtcxb@vnu.edu.vn
Website: https://ueb.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch