Trang tin tức sự kiện

Trường ĐHKT tham dự hội nghị xây dựng báo cáo việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp

Sáng 28/7/2017, Trường ĐH Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã tham dự hội nghị triển khai công tác xây dựng báo cáo việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp do ĐHQGHN tổ chức.


Đến tham dự hội nghị, về phía ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Lê Quân - Phó giám đốc ĐHQGHN và Trưởng ban Chính trị và Công tác Học sinh viên ĐHQGHN ông Đinh Văn Hường; Về phía Trường ĐHKT có TS. Phạm Minh Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường; đại diện các khoa Tài chính Ngân hàng, Kinh tế Phát triển, Trung tâm Đảm bảo chất lượng Giáo dục và Phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường ĐHKT.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Phạm Minh Tuấn đã trình bày bài tham luận của mình về các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng báo cáo việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp từ thực tiễn triển khai tại Trường ĐHKT. Qua những thành tích đạt được từ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên ghế nhà trường, Trường ĐHKT đã đưa ra báo cáo về việc đánh giá thông qua việc sử dụng các nguồn thông tin từ chính người học và xây dựng các cơ chế quản lý đào tạo sinh viên sao cho hiệu quả.

 
 
Đại biểu trình bày tham luận 

Từ báo cáo kết quả đánh giá, kết hợp với các nguồn thông tin đánh giá của nhà tuyển dụng lao động và sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp… Trường ĐHKT đã nêu ra các giải pháp như:

+ Tăng khối lượng môn chuyên ngành và ngành, đảm bảo số giờ thực hành trong các học phần chuyên sâu để sinh viên có cơ hội trải nghiệm (như các học phần Phương pháp nghiên cứu kinh tế; Thực hành tài chính nâng cao, Quản trị ngân hàng thương mại, Hệ thống thông tin kế toán...)

+ Tăng thời lượng thực tập/thực tế cuối khóa cho sinh viên để có trải nghiệm tại các tổ chức/doanh nghiệp... Sinh viên có cơ hội làm việc thực sự như một cán bộ tân tuyển với thời gian thực tập lên đến 3 tuần (như trong các chương trình cử nhân Kế toán, Tài chính Ngân hàng CLC, Quản trị Kinh doanh CLC...).

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu người học trong quá trình đào tạo và sau khi tốt nghiệp để có thông tin kết nối giữa nhà trường và người học với các tổ chức tuyển dụng;

+ Đảm bảo sự tham gia của các đơn vị quản lý cấp chương trình đào tạo là các Khoa/Viện... trong tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp (tham gia ở cấp độ cao nhất là triển khai thực hiện nhằm tạo kết nối với người học và các đơn vị tuyển dụng lao động);

+ Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng phải phản ánh được các thông tin sau để có cơ sở khẳng định chất lượng sinh viên tốt nghiệp, giải trình với các bên liên quan về thực hiện cam kết chất lượng của đơn vị đào tạo:

+ Sử dụng báo cáo đánh giá như một công cụ kiểm soát chất lượng, từng bước cải tiến để phát triển chuẩn hóa chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn năng lực theo khung năng lực 8 bậc của Việt Nam và khu vực việc làm ASEAN. Trên cơ sở giải trình về chất lượng sinh viên tốt nghiệp từ Báo cáo đánh giá trưng cầu ý kiến cựu sinh viên và Báo cáo đánh giá của nhà tuyển dụng, các Khoa/Viện đề xuất ĐHQGHN, Trường ĐHKT xem xét đầu tư bổ sung ngân sách để phát triển chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường và khu vực việc làm của ngành nghề. Mục đích là để tăng tính trách nhiệm giải trình và tự chủ về học thuật cho các đơn vị đào tạo.

Trong bài tham luận của mình, TS. Phạm Minh Tuấn cũng nêu ra những khó khăn nhất định mà nhà trường còn chưa tháo gỡ được và cần phải khắc phục trong thời gian tới, cụ thể:

+ Tính chất đặc thù của cuộc khảo sát trưng cầu ý kiến cựu sinh viên là thu thập thông tin theo hướng “tìm theo dấu vết”, hiện tại trường chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu người học hoàn thiện, nên các thông tin và địa chỉ liên lạc của người học thường có thay đổi sau tốt nghiệp, vì vậy thời gian thu thập thông tin thường kéo dài so với dự kiến.

+ Thời điểm khảo sát được thực hiện trong khoảng tháng 7-8 hằng năm, sau thời gian sinh viên tốt nghiệp đủ 1 năm. Tháng 12 hằng năm, Trường mới có báo cáo hoàn chỉnh, vì vậy báo cáo công khai thông tin theo yêu cầu của ĐHQGHN thường chậm (vào tháng 6 hàng năm).

Hội nghị với sự tham gia của các Trường trong ĐHQGHN tạo ra sự liên kết, gắn bó giữa các trường, hội nghị nhận được sự đóng góp rất tích cực từ nhiều phía, giúp phát triển hơn nữa công tác xây dựng báo cáo việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trong toàn ĐHQGHN.


Xuân Thắng (Phòng CTSV)

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành