1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đã chuyển từ mô hình quản lý KKTVB từ Ban quản lý đặc khu kinh tế sang giao cho chính quyền thành phố. Việc chuyển cho UBND cấp tỉnh quản lý phù hợp với việc mở rộng KKT với quy mô rất lớn của Trung Quốc và thuận tiện hơn trong quản lý KKT thống nhất trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hành chính, dân cư.
Trung Quốc đã triển khai các bước xây dựng và thực hiện quy hoạch KKTVB ở trình độ cao. Cụ thể như sau:
- Việc triển khai xây dựng và thực hiện quy hoạch ở Trung Quốc được tiến hành một cách nghiêm ngặt hơn: Lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch và tiếp thu được những ý kiến đó để nâng cao chất lượng quy hoạch; quá trình triển khai có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý quy hoạch trong từng khâu xây dựng và thực hiện quy hoạch; hệ thống thông tin quy hoạch được cập nhật đầy đủ, các bước xây dựng, triển khai đều được ghi lại bằng hệ thống phần mềm tự đống hóa đảm bảo hạn chế tiêu cực.
- Nhận thức, ý thức của các cấp quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và người dân cao về vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch và chấp hành quy hoạch.
- Đào tạo được đội ngũ cán bộ quy hoạch có trình độ và trách nhiệm cao để thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch.
- Xây dựng một quy trình điều chỉnh quy hoạch rất chặt chẽ để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, chỉ điều chỉnh khi rất cần thiết.
- Có chế tài phạt vi phạm quy hoạch nghiêm minh.
Tại Trung Quốc, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thậm chí lựa chọn nhà đầu tư thuê lại đất được thực hiện qua hình thức đấu thầu công khai, theo sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ quá trình quy hoạch và sử dụng đất, cơ cấu ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư vào KKTVB. Bên cạnh đó, Nhà nước có vai trò rất tích cực và chủ đạo trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh, cấp đất để hộ dân bị thu hồi đất tham gia góp cổ phần. Nhà nước có thể chỉ trả một phần tiền đền bù đất nhưng việc giữ lại tiền đền bù (nhằm tạo thu nhập đều đặn thông qua cổ phần cho thuê đất trong KKTVB) cần phải có sự thỏa thuận với người dân về thời gian. Trường hợp tiền mất giá và phương án sử dụng phần tiền đó cụ thể để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài của người dân cần được tính toán cẩn thận.
2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc có một số kinh nghiệm trong phát triển KKTVB phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có thể nghiên cứu áp dụng cụ thể là:
Thứ nhất, tầm quan trọng của các KKTVB phải được xác định rõ ràng. Khu KKTVB rất được quan tâm và coi trọng cả ở cấp trung ương và địa phương. Hàn Quốc không thực hiện mở ồ ạt các KKTVB mà bắt đầu bằng 3 KKT năm 2003, sau đó tiếp theo 3 KTT vào năm 2008 và năm 2013 mới mở tiếp 2 KKT. Mỗi đợt xây dựng KKT đều có chiến lược cho các giai đoạn nhất định. Mỗi KKTVB đều có định hướng, mục tiêu thu hút đầu tư phát triển riêng trên cơ sở điều kiện, lợi thế so sánh của từng vùng.
Thứ hai, định hướng chuyên môn hóa, phát triển chiều sâu trong các KKTVB của Hàn Quốc và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại của thế giới, hình thành các cụm liên kết công nghiệp thể hiện rõ cả ở chính sách phát triển KKT cũng như các KCN tại Hàn Quốc.
Thứ ba, bộ máy quản lý nhà nước của Hàn Quốc đối với các KKT có một số vấn đề về vai trò của Ủy ban phát triển KKT cũng như thẩm quyền của Ban quản lý KKT. Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy quản lý KKTVB ở Hàn Quốc cho thấy nhận thức thống nhất của Chính phủ về tầm quan trọng của KKT ở Hàn Quốc trong việc xây dựng động lực mới để phát triển kinh tế đất nước. Việc tổ chức Ủy ban phát triển KKT bao gồm Bộ trưởng của các Bộ/ngành và các chuyên gia kinh tế cao cấp, có vai trò ngang nhau có ưu điểm là các chính sách áp dụng cho các KKTVB đều dựa trên hiệu quả kinh tế, được cập nhật với kiến thức hiện đại, hạn chế ý chỉ chủ quan chính trị.
Thứ tư, Hàn Quốc đã ban hành Luật riêng dành cho KKT, hoạt động của các KKT được thực hiện thống nhất theo Luật nên hạn chế được tình trạng áp dụng chồng chéo các Luật, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Thứ năm, tại Hàn Quốc, các KKT tự do ven biển cũng được hỗ trợ từ Chính phủ để xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Hàn Quốc chỉ phát triển lần được 8 KKT để tập trung nguồn lực của Nhà nước và phân chia thành các giai đoạn rất cụ thể, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 3 KKT thành lập năm 2003, các KKT còn lại sẽ được phát triển trong giai đoạn 2020-2030. Thực tế, nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền địa phương chiếm tỷ lệ chủ yếu trong vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ bản trong KKT. Điều này có xảy ra những vấn đề hạn chế về tiến độ nên dựa hoàn toàn đầu tư cơ sở hạ tầng vào NSNN cũng là một vấn đề cần phải giải quyết.
3. Một số kết luận rút ra từ kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về mô hình phát triển KKTVB ở một số quốc gia tại châu Á có điều kiện tương đồng với Việt Nam, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, hình thức KKTVB nhằm tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn hội tụ và hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa không những không mất đi mà còn tiếp tục có sức hấp dẫn lớn và tạo ra những đột phá cả về quy mô kinh tế lẫn bố trí không gian lãnh thổ. Vì thế, trong tư duy phát triển kinh tế biển ở Việt Nam, cùng với việc xây dựng hệ thống các KKTVB, có thể nghiên cứu lựa chọn xây dựng các đặc khu kinh tế biển nhằm tạo ra sự đột phá đủ lớn, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế biển với mục tiêu “trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Thứ hai, các KKT nói chung và KKTVB nói riêng đều tập trung khai thác triệt để các thế mạnh, nhất là về vị trí địa lý (khu vực ven biển, giao thông thuận lợi…) về các điều kiện kinh tế - xã hội (gần các khu đô thị, thành phố lớn, có nguồn nhân lực tốt, thị trường rộng lớn…). Chính vì vậy, việc xây dựng các KKTVB ở Việt Nam cũng cần nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực thế mạnh đặc thù để hướng sự phát triển của mỗi khu vào một số lĩnh vực được chuyên môn hóa, tránh tình trạng các KKT không có sự khác biệt đáng kể với nhau, cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư. việc lựa chọn vị trí phát triển các KKTVB rất quan trọng; các KKTVB muốn thành công được cần xây dựng dựa trên lợi thế so sánh động, thay vì lợi thế so sánh tĩnh (nguồn lao động dồi dào, giá rẻ). Các yếu tố lợi thế cạnh tranh bao gồm khả năng tiếp cận với các nguồn lao động có kỹ năng chuyên sâu, khả năng tiếp cận với các nhà cung cấp và dịch vụ kinh doanh, kết nối với các thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận với dịch vụ xã hội chất lượng và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ toàn vùng, liên vùng. Trung Quốc cũng đã triển khai đặt một số KKTVB tại khu vực “tụt hậu” hoặc vùng sâu, vùng xa, sử dụng các chính sách ưu đãi thuế và phi thuế để thu hút đầu tư. Mặc dù vậy, nếu những nơi này hạn chế về khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng chất lượng, thị trường lao động có kỹ năng thì các dòng vốn đầu tư thu hút được vẫn khá yếu.
Thứ ba, các KKTVB thành công đều có những đặc điểm: thể chế hiện đại, áp dụng Luật chung thống nhất và phù hợp với pháp luật quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới. Vì vậy, cần chọn một vài trong các KKTVB hiện có để thí điểm áp dụng kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới.
Thứ tư, cần xác định đúng các ngành phù hợp với lợi thế, tiềm năng của vùng và điều chỉnh trọng tâm ngành một cách linh hoạt, dựa trên lợi thế sẵn có. Các KKTVB cần điều chỉnh các ngành ưu tiên theo thời gian khi chính phủ đưa ra các định hướng chính sách mới. Ngay khi Chính phủ xác định các ngành công nghiệp mới nổi là chiến lược phát triển kinh tế mới và được hỗ trợ thì các KKTVB cũng lập tức chuyển đổi và đưa ra chính sách hỗ trợ các ngành này với các mức trợ cấp hấp dẫn. Các KKTVB giúp thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và năng suất nếu các ngành thu hút đầu tư được lựa chọn phù hợp với mục tiêu và lợi thế của kinh tế địa phương.
Tóm lại, các KKTVB là thể chế đặc biệt, tích hợp tối ưu các lợi thế và huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển dưới áp lực cạnh tranh quốc tế và toàn cầu hóa. Việt Nam có nhiều lợi thế và điều kiện để thành lập các khu kinh tế, tuy nhiên, để thu hút có hiệu quả nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài, tạo động lực phát triển; phục vụ CNH-HĐH đất nước cần lưu ý:
- Cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhất quán từ Trung ương, tuy việc thừa hành có thể úy thác cho chính quyền địa phương nhưng xét về tính chất và quy mô thì luôn là vấn đề quốc gia.
- Cần sớm xây dựng và ban hành Luật khu kinh tế hoặc Luật đặc biệt cho KKTVB.
- Việc hình thành bộ máy triển khai khởi sự công việc với độ ngũ các chuyên gia có năng lực và chuẩn bị nguồn lực đẳng cấp quốc tế cho sự vận hành các KKTVB trong tương lai là điều kiện không thể thiếu.
TS. Đào Thị Thu Trang – Khoa Kinh tế Phát triển
TS. Đào Thu Trang