PHẦN THỨ NHẤT: SỨ MỆNH, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỐT LÕI
I. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI
1. Sứ mệnh
Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng, hiệu quả và bền vững của Việt Nam; nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội; tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hiện đại.
2. Tầm nhìn
Trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trên thế giới, trong đó có một số ngành và chuyên ngành được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới.
3. Giá trị cốt lõi
3.1. Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê
Trường Đại học Kinh tế là một môi trường tự do sáng tạo, ủng hộ đổi mới và là cái nôi nuôi dưỡng niềm say mê của các thế hệ giảng viên, nhà khoa học, cán bộ, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Niềm say mê thúc đẩy sự sáng tạo, sáng tạo mang lại những ý tưởng đổi mới, đổi mới sẽ tạo ra những đột phá để khẳng định vị thế và thương hiệu của Trường.
3.2. Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác
Hợp tác chính là tôn trọng sự khác biệt. Sự cộng hưởng của sức mạnh hợp tác với sự khác biệt của mỗi thành viên trong cộng đồng Trường Đại học Kinh tế được gắn kết chí hướng và theo đuổi cùng một mục tiêu tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Trường.
3.3. Coi trọng chất lượng, hiệu quả
Chất lượng - hiệu quả là sự lựa chọn phù hợp với mục tiêu chiến lược hướng đến xếp hạng ngang tầm khu vực và quốc tế, được thể hiện trong mọi mặt hoạt động của mỗi đơn vị và thành viên trong Trường Đại học Kinh tế. Đó vừa là động lực cho mọi hành động vừa là mục tiêu phấn đấu của toàn thể giảng viên, nhà khoa học, cán bộ, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường.
3.4. Đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững
Sự hài hòa trong mọi hoạt động từ công việc chung cho tới sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể là động lực cho mỗi thành viên không ngừng phấn đấu để tự hoàn thiện và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Trường Đại học Kinh tế.
PHẦN THỨ HAI: MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung đến năm 2025.
Đứng trong nhóm các Trường đại học tốt nhất Việt Nam và là một trong những trường đại học định hướng nghiên cứu ứng dụng hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, được cộng đồng chào đón là nơi tuyệt vời để phát triển nghề nghiệp và học tập; Đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước cơ sở đào tạo và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo trong đó có một số chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn ACBSP, hướng tới phát triển thương hiệu bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng chỉ số xếp hạng đại học; Chất lượng cuộc sống và môi trường làm việc luôn được phát triển và nâng cao, tăng thu nhập cán bộ, tạo đột phá phát triển cơ sở vật chất, Trở thành Trường Đại học tự chủ kinh phí thường xuyên.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Tăng quy mô tuyển sinh gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo: Quy mô đào tạo đến năm 2025 tổng quy mô dự kiến khoảng 11.000 người học.
- Phát triển và đa dạng hóa các chương trình đào tạo: Chuyển đổi tất cả các chương trình đào tạo trên cơ sở tính theo định mức kinh tế kỹ thuật, thu học phí cao tương ứng chất lượng đào tạo. Đồng thời, phát triển thêm các chương trình liên ngành, các chương trình cử nhân đào tạo 100% bằng tiếng Anh. Mở mới ít nhất 02 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
- Triển khai đánh giá nhận diện các chương trình đào tạo theo chuẩn ACBSP đối với các chương trình đào tạo. Dự kiến giai đoạn 2021-2025, Trường sẽ tiến hành đăng ký kiểm định một số chương trình đào tạo.
- Phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng, tư vấn chính sách mang thương hiệu của Trường. Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, gắn các đề tài với chuyên môn của các chương trình đào tạo trong Trường; Đẩy mạnh các sản phẩm của các nhóm nghiên cứu mạnh, duy trì và phát triển được khoảng 8-10 nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn, có tính liên ngành cao, tạo được các sản phẩm nghiên cứu đỉnh cao. Hình thành được 02-03 nhóm think-tank về kinh tế và quản trị kinh doanh có uy tín cao ở trong và ngoài nước.
- Tiếp tục chú trọng gia tăng các công bố quốc tế: Số lượng các sản phẩm khoa học được chuyển giao tăng 30%, Công bố khoảng 400-450 bài báo/ bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế trong đó 60% thuộc danh mục ISI/WoS.
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu; trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên trong nước và quốc tế, công nhận tín chỉ, thực tập thực tế, việc làm sinh viên; hợp tác và công bố kết quả nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học.
- Thay đổi mô hình hoạt động theo hướng tự chủ; Nâng cấp và thành lập mới một số đơn vị thuộc và trực thuộc Trường.
- Tỷ lệ giảng viên cơ hữu của trường tăng 12%/năm.
- Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu và quản lý; Hiện đại hóa cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ hoạt động; Tạo nền tảng về các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho Dự án Hòa lạc.
- Tỷ lệ nguồn thu ngoài ngân sách/tổng nguồn thu ổn định trên mức 80% mỗi năm, tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên.
- Nâng cao thu nhập cho người lao động lên 5-10% mỗi năm.